Thursday, June 29, 2023

Bình thơ: MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ: MÙA THU HOANG ĐƯỜNG – Bài thơ của Lê Văn Trung - Lê Văn Chung

 
MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ:
MÙA THU HOANG ĐƯỜNG – Bài thơ của Lê Văn Trung.
                                           Lê Văn Chung
 
Trong bài viết: MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ THU HOANG ĐƯỜNG – Tập thơ của Lê Văn Trung. Tôi đã viết về những cảm nhận của mình về thơ ca của Lê Văn Trung, xin nhắc lại một lần nữa như sau: Thơ ca là một khoa học theo nghĩa nó chính là sự hiểu biết thuần khiết nhất. Tuy nhiên, nó không phải là một khoa học theo nghĩa Hoá học & Vật lý. Nó không phải là khoa học của bên ngoài, nó chính là khoa học của bên trong. Nó không phải là khoa học về ngoại cảnh, mà nó là khoa học của NỘI TÂM. Đó là khoa học đưa bạn đi xa hơn vào cái chưa biết, thậm chí không thể biết được. Nhiều khi nó là cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất, là một lời kêu gọi và thách thức đối với tất cả những ai có can đảm, gan dạ, trí thông minh, sự nhạy cảm nhất có thể.
MÙA THU HOANG ĐƯỜNG là gì?
 
Mùa là một khoảng thời gian nào đó của một năm, của một kiếp người, nếu bạn rút gọn lại thì nó là một khoảnh khắc. THU HOANG ĐƯỜNG, là phẩm chất của khoảng thời gian đó. Nó sẽ là hoang đường về mặt khoa học thông thường, về mặt ngoại cảnh, về mặt xã hội của cõi nhân gian. Nhưng, nó sẽ là KHÔNG hoang đường về mặt nội tâm bên trong tâm thức, bên trong bản thể của con người. Mà nó chính là một sự BÍ ẨN, đối với hầu hết mọi người chúng ta, bởi vì nó nằm ngoài cơ thể, ngoài tâm trí của con người, nằm ngoài ngôn ngữ, nằm ngoài mọi khái niệm của những khoa học xã hội thông thường khác THƠ CA. Mỗi bài thơ trong tập thơ THU HOANG ĐƯỜNG sẽ là một lời kêu gọi, thách thức tất cả những ai có can đảm, gan dạ, trí thông minh, dám bước vào những cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất là quay trở về định cư trong BẢN THỂ ĐÍCH THỰC của mình, cư ngụ trong bản chất của nhận thức cơ bản, cái cốt yếu, cái thuần khiết tự nhiên nhất của con người.

Nhà thơ Lê Văn Trung là một nhà thơ lớn của xứ Quảng, sinh năm 1947 tại Đà Nẵng, Hiện ông đang sống tại Đồng Nai, Việt Nam. Tốt nghiệp Sư Phạm Quy Nhơn. Dạy học tại Quảng Ngãi và Huế từ 1969 đến 1975. Sau 1975 cuốc đất trồng khoai. Đó là theo những dòng viết trong PHỤ TRANG của tập thơ. Mặc dù, sau 1975 ông có cuốc đất trồng khoai đi chăng nữa thì khi bạn đọc, tiếp xúc với thơ của ông, bạn sẽ cảm nhận được ở trong con người của ông đang sở hữu một trí năng vĩ đại, sự can đảm vĩ đại, tính chính trực vĩ đại, và một trái tim vĩ đại để đi vào bên trong bản thể của chính ông. Ông là một con người thông minh cho nên ông sẵn sàng dấn vào những điều chưa biết. Hiện hữu trong trạng thái của những điều chưa biết, thậm chí không thể biết. Đó chính là trí thông minh của ông.
 
Trí thông minh là nhận thức, và nó không thể tích lũy. Mỗi khoảnh khắc xảy ra đều sẽ biến mất, không để lại dấu vết hiện hữu nào. Chúng ta bước ra khỏi từng khoảnh khắc và trở lại thuần khiết, 
nguyên sơ, trở lại hồn nhiên như đưa trẻ. Cuộc sống không phải là một bài toán. Nó là thứ không đo lường được, nó là một sự BÍ ẨN, cần được sống, được yêu thương, được trải nghiệm, mà không cần phải đặt bất kỳ câu hỏi nào, chỉ đơn giản là bạn hãy đi sâu vào nó một cách can đảm và không sợ hãi. Đọc thơ của Lê Văn Trung, tôi cảm nhận thấy ông là một người như thế. Chẳng hạn, chúng ta hãy đến với bài thơ MÙA THU HOANG ĐƯỜNG – Bài thơ thứ 20, trong tập thơ cùng tên.
 
MÙA THU HOANG ĐƯỜNG
Hình như mùa thu chưa trở về
Hình như người còn xa rất xa
Tiếng còi tàu vọng từ thiên cổ
Nghìn đời chưa đến một sân ga
Hình như mùa thu chưa trở lại
Và người chìm khuất như cơn mơ
Cánh chim mùa cũ chừng bay mỏi
Đậu xuống hồn tôi chết sững sờ
Có lẽ hao vàng chưa toả hương
Có lẽ đêm quỳnh chưa ngậm sương
Thu ơi thu vẫn chìm trong mộng
Thu ơi thu vẫn còn hoang đường
Có lẽ em là thu! Phải không?
Có lẽ em là hoa chưa vàng
Hình như hương nhụy chìm quên lãng
Tình chưa hàm tiếu mùa ái ân
Cứ ngỡ rằng thu, thu đã về
Đâu ngỡ rằng em, xa quá xa
Mà sao tiếng hú từ thiên cổ
Con tàu vô định một sân ga.
 
Mọi câu hỏi đều ngớ ngẩn, và mọi câu trả lời cũng vậy. Thực tại là một bí ẩn, nó không phải là một câu hỏi để được hỏi. Đó là một bí ẩn để được sống, một bí ẩn cần được trải nghiệm, một bí ẩn để được yêu thương, một bí ẩn để được hoà tan, để được nhấn chìm vào đó. Thực tế sẽ không bao giờ đến với bạn dưới dạng một câu trả lời. Nó chưa bao giờ xảy ra theo cách đó, và nó sẽ không xảy ra theo cách đó, nó không phải là bản chất của sự vật. Thực tế chỉ đến với bạn khi không còn câu trả lời nào nữa; thực tế đến với một trạng thái PHI CHẤT VẤN của nhận biết.
Chính vì thế mà thi nhân đã sử dụng từ HÌNH NHƯ dưới dạng những câu thơ sau:
 
Hình như mùa thu chưa trở về
Hình như người còn xa rất xa
Hình như mùa thu chưa trở lại
Có lẽ hoa vàng chưa toả hương
Có lẽ đêm quỳnh chưa ngậm sương
Có lẽ em là thu! Phải không?
Có lẽ em là hoa chưa vàng
Hình như hương nhụy chìm quên lãng.
..
 
Chúng không phải là những câu hỏi để trả lời, cho nên chúng có một phẩm chất hoàn toàn mới đối với ý thức của con người. Phẩm chất đó chính là sự kỳ diệu của chúng – Những câu TỰ HỎI chính mình. Tự hỏi không phải là việc nghi vấn, nó chính là việc bạn cảm thấy BÍ ẨN bởi sự tồn tại.
 
Đặt câu hỏi là một nỗ lực để làm sáng tỏ sự tồn tại; đó là một nỗ lực không chấp nhận sự bí ẩn của cuộc sống. Khi đó, bạn đã quy mọi bí ẩn xuống thành một câu hỏi. Câu hỏi có nghĩa là sự bí ẩn chỉ là một vấn đề cần giải quyết, và một khi đã được giải quyết thì sẽ không còn sự bí ẩn nào. Sự khác biệt giữa việc TỰ HỎI & nghi vấn là về phẩm chất. Tự hỏi không phải để được trả lời; nó chỉ đơn giản là nói rõ ràng về những điều kỳ diệu của thực tại. Mục đích của nó không phải là để được trả lời, mà nó chỉ đơn giản là đang nói chuyện với chính mình. Nó đang nói lên thành tiếng về những điều kỳ diệu mà mình cảm nhận được, nó đang cố gắng tự mình tìm ra đó là gì – Kỳ quan, bí ẩn…Nó không khao khát một câu trả lời như trong sự nghi vấn.
 
Tiếng còi tàu vọng từ thiên cổ
Nghìn đời chưa đến một sân ga.
 
Tại sao: Tiếng còi tàu vọng từ thiên cổ, mà nghìn đời vẫn chưa thể đến một sân ga?
Bởi vì tâm trí là rào cản, không có gì khác cản trở bạn với sự thật, chỉ là tâm trí của chính bạn.Tâm trí bao quanh bạn giống như một bộ phim, một bộ phim cứ lặp đi lặp lại, và bạn vẫn mải mê với nó, bị cuốn hút bởi nó. Đó chính là một ảo mộng bao quanh bạn, một câu chuyện cứ tiếp tục diễn ra. Và bởi vì bạn bị cuốn hút bởi nó, cho nên bạn cứ tiếp tục bỏ lỡ cái đang là. Tâm trí thì không có thật; nó chỉ là ảo mộng, nó chỉ là khả năng mơ mộng mà thôi. Tâm trí không là gì ngoài những mơ & mơ – những giấc mơ về quá khứ, về tương lai, về cách mọi thứ nên là, giấc mơ về những tham vọng…Hầu hết mọi người chúng ta đều liên tục mơ, rằng mình sẽ bắt đầu một chuyến tàu, và trong giấc mơ chúng ta luôn nhớ nó, rằng bạn sẽ thực hiện một cái gì đó, sẽ thực hiện nó…và bạn lại bỏ lỡ nó. Khi bạn đến sân ga, tàu đã rời đi. Bạn thấy nó rời đi, nhưng đã quá muộn; bạn không thể có được nó – NGHÌN ĐỜI CHƯA ĐẾN MỘT SÂN GA là thế! Tiếng còi tàu vọng từ thiên cổ chỉ là đơn giản là cách thức hoạt động của tâm trí; giấc mơ này tượng trưng cho tâm trí: NÓ LUÔN BỎ LỠ TẦU. Chắc chắn là như vậy. Tâm trí chỉ nghĩ và không bao giờ sống. Nó nghĩ rằng những suy nghĩ là đẹp, nhưng tất cả những suy nghĩ đều là như nhau cả, chúng chỉ là những giấc mơ. Bởi vì tâm trí cần có thời gian để suy nghĩ và thời gian không thể dừng lại cho bạn; nó tiếp tục tuột khỏi tay bạn. Tâm trí không thể sống trong khoảnh khắc này, bởi vì trước tiên nó phải quyết định, và khoảnh khắc sẽ bị mất trong suy nghĩ. Đến lúc tâm trí quyết định, thì thời điểm đó sẽ biến mất. Bạn luôn bị tụt lại phía sau. Tâm trí luôn chạy sau cuộc sống, tụt lại phía sau và liên tục bỏ lỡ nó.
 
Bạn không bao giờ có hai khoảnh khắc cùng nhau trong tay, chỉ có một khoảnh khắc duy nhất. Đó là khoảnh khắc nhỏ đến nỗi không có không gian để suy nghĩ di chuyển, không có không gian để cho suy nghĩ tồn tại. Hoặc bạn có thể SỐNG NÓ, hoặc bạn có thể NGHĨ NÓ. Sống nó là trở nên giác ngộ, còn nghĩ nó là bạn đã bỏ lỡ nó.
…….
Và người chìm khuất như cơn mơ
Cánh chim mùa cũ chừng bay mỏi
Đậu xuống hồn tôi chết sững sờ
……..
Thu ơi vẫn chìm trong mộng
Thu ơi thu vẫn còn hoang đường
……
Cứ ngỡ rằng thu, thu đã về
Đâu ngỡ rằng em, xa quá xa
Mà sao tiếng hú từ thiên cổ
Con tàu vô định một sân ga.
 
THU HOANG ĐƯỜNG phải chăng là một biểu tượng cho sự khao khát giác ngộ của con người, nó không phải là một mục tiêu, mà nó chỉ là sự nhận biết rằng chúng ta chỉ có khoảnh khắc hiện tại để sống. Khoảnh khăc tiếp theo không chắc chắn – nó có thể đến, nó có thể không đến. Trong thực tế ngày mai không bao giờ đến. Nó luôn luôn đến và đến, nhưng không bao giờ đến. Tâm trí luôn sống trong những ngày mai…Mà cuộc sống chỉ có thể ở hiện tại.
 
Chúa Jesus đã từng nói với các môn đệ của mình rằng: «Hãy nhìn những bông hoa ly ly trên cánh đồng, chúng thật đẹp làm sao! Ngay cả Solomon vĩ đại trong tất cả sự hùng vĩ của mình cũng không đẹp như những bông hoa ly ly khiêm nhường này.» Và bí mật là gì? Bí mật là chúng không nghĩ về ngày mai. Chúng sống bây giờ, chúng sống ở đây.
 
Sống bây giờ là trở nên giác ngộ, sống ở đây là trở nên giác ngộ, trở thành hoa ly ly là trở nên giác ngộ ngay lúc này! Hãy ra khỏi tâm trí, dừng mọi suy nghĩ về bất cứ điều gì lại, mà hãy thực sự sống ở đây và bây giờ. Đó là hương vị của sự giác ngộ. Nó không phải là mục tiêu, nó là trạng thái bình thường nhất của ý thức. Nó không có gì bất thường, nó không có gì đặc biệt. Cây cối được khai sáng, những con chim được khai sáng, những tảng đá được khai sáng, mặt trời và mặt trăng được khai sáng. Nhưng chỉ có con người là không, bởi vì chỉ có con người mới NGHĨ & BỎ LỠ.
 
Bài thơ THU HOANG ĐƯỜNG này, mới chỉ phản ánh việc con người nhận ra rằng mình đã & đang bỏ lỡ rất nhiều điều bí ẩn của cuộc sống. Con người không biết sống trong từng khoảnh khắc, không biết tận hưởng cái sự thông thường của cuộc sống một cách phi thường nhất. Cho nên, mùa thu thực sự còn chưa trở về, người còn xa rất xa, hoa vàng chưa toả hương, đêm quỳnh chưa ngậm sương, thu vẫn chìm trong mộng, thu vẫn còn hoang đường…Tất cả vẫn còn chưa được KHAI SÁNG, vẫn còn đang bị CHÌM KHUẤT NHƯ CƠN MƠ.
 
Tuy nhiên, nó cũng cho người đọc, có được những cái nhìn thoáng qua về một mùa THU THIÊN ĐƯỜNG, thông qua mùa THU HOANG ĐƯỜNG, người đọc sẽ nhận thấy những khoảng trống nhỏ trong giao lộ của tâm trí của mình, những khoảng trống nhỏ khi không có giao thông (Tâm trí là giao thông không ngừng, những ý nghĩ đang di chuyển, những kỷ niệm đang di chuyển, những tham vọng đang di chuyển – đó là giao thông chật chội ngày qua ngày). Đó là những khoảnh khắc của THIỀN ĐỊNH – là trạng thái không -tâm trí. Thiền là trạng thái tinh khiết của tâm thức, không có gì bên trong. Thông thường, tâm thức bạn đầy những rác rưởi, giống như cái gương phủ đầy bụi.
 
Nếu bạn đọc tiếp tập thơ đến bài thơ thứ 69 của tập thơ, chúng ta sẽ bắt gặp bài thơ: KHOẢNH KHẮC VÀ TRĂM NĂM, với những khổ thơ tuyệt đẹp như sau:
 
Khoảnh khắc là trăm năm
Xin bay cùng vô tận
Khoảnh khắc là hư không
Tôi ôm choàng hố thẳm.
 
Tựa đề của bài thơ là Khoảnh khắc VÀ trăm năm, nhưng đến khổ thơ cuối này, chúng thấy từ VÀ đã chuyển hoá thành từ LÀ. Khoảnh khắc LÀ trăm năm / Khoảnh khắc LÀ hư không. Thì người đọc mới ồ lên một tiếng rằng: Phải chăng đây mới chính là ẩn dụ của THU HOANG ĐƯỜNG? Chính bài bài thơ KHOẢNH KHĂC VÀ TRĂM NĂM này đã giúp cho tôi cảm nhận bài thơ THU HOANG ĐƯỜNG theo hướng như trên. Lần trước khi nghiên cứu tập thơ DẠ KHÚC, tôi đã nhận ra một điều là, thơ của Lê Văn Trung luôn có một sự liên kết vô hình giữa các bài thơ trong chính tập thơ, để tạo thành một bản trường ca, hết sức thú vị. Vì vậy, người đọc phải dành nhiều thời gian và công sức để đọc và cảm nhận, thì mới thấy được sự liên kết vi diệu đó của thơ ông.
 
Phải chăng, khi con người ta đã giác ngộ thì khoảnh khắc sẽ là vĩnh hằng, là bất biến. Nếu bạn càng yêu sâu sắc thời điểm hơn, thì bạn càng vào sâu nó hơn, càng có khả năng liên hệ với vĩnh hằng, bởi vì vĩnh hằng thấm đẫm mỗi thời điểm, nó theo sau thời điểm. Nếu bạn vào sâu trong nó, thời gian biến mất và vĩnh hằng biểu lộ chính nó.
 
Chỉ khi đó, con người mới cảm nhận được mùa thu không còn là THU HOANG ĐƯỜNG nữa, mà nó sẽ trở thành mùa THU THIÊN ĐƯỜNG. Chúng ta sẽ bắt gặp những mùa thu như thế trong tập thơ, được nhà thơ Lê Văn Trung gọi bằng những cái tên như: Mùa thu trong cơn mơ; Tình yêu trong cơn mơ; Ôm hoài chưa hết một cơn mơ; Đêm qua tôi mơ thấy em về; Giấc mơ chiều; Dạ khúc trăng; Phục sinh thơ…….
 
Xin kính mời các bạn hãy đến với những mùa thu như thế, ở trong tập thơ THU HOANG ĐƯỜNG gồm 93 bài thơ thật tuyệt diệu của nhà thơ Lê Văn Trung nhé.
 
LÊ VĂN CHUNG

No comments:

Nhớ màu hoa cũ

NHỚ MÀU HOA CŨ   Rất lẻ loi một đóa hoa vàng Nở muộn bên đường chiều đang sương Có người chợt nhớ mùa thu trước Hoa cài lên tóc còn ươm h...