MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ NGƯỜI THƠ HÀN MẶC TỬ - Lê Văn Chung
Qua tập thơ THU HOANG ĐƯỜNG của ông, tôi lại muốn quay lại với người thơ Hàn Mặc Tử để tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thêm một chút nữa về thiên tài thơ ca, một nhà HUYỀN MÔN rất lớn, rất vĩ đại của trường phái NGHỆ THUẬT VỊ NGHỆ THUẬT, mà tôi vô cùng yêu thích, và vô cùng ngưỡng mộ. Chính những bài thơ của Lê Văn Trung, đã làm cho tôi có cảm hứng quay lại với những bài thơ của Hàn Mặc Tử để đọc đi, đọc lại thêm nhiều lần nữa, và mỗi lần đọc lại như thế, dường như tôi lại cảm nhận được những điều gì đó, hết sức mới lạ về thơ của Hàn Mặc Tử, mà trước đây mình cũng đọc nhưng không cảm nhận được hết những điều HUYỀN NHIỆM trong thơ HÀN.
Những nhà thơ bình thường, họ chỉ biết những khoảnh khắc nhất định của THƠ, nhưng họ chưa phải là NHÀ THƠ THẬT SỰ theo đúng nghĩa của từ Nhà Thơ, họ chỉ là một phần của NHÀ THƠ. Họ đã có một vài cái nhìn thoáng qua khi cánh cửa của những điều chưa biết mở ra cho họ. Họ có một lối đi nào đó vào những nguồn sống sâu sắc nhất, nhưng những khoảnh khắc đó là những món quà tuyệt vời từ những điều chưa biết, họ chưa biết gì về cách để tiếp cận chúng. Nó gần như là một trạng thái PHI Ý THỨC. Nó đã xảy ra trong một giấc mơ, giống như nó đã xảy ra với bạn trong một giấc mơ. Họ vẫn chỉ là những kẻ mơ mộng.
Chẳng hạn, nhà thơ Hoàng Cầm thường hay nói về việc ông sáng tác một số bài thơ, những bài hay nhất của mình, là do một người nữ vô hình nào đó đọc cho chép. Có khi một câu, có khi một đoạn, thậm trí khi trọn vẹn cả bài. LÁ DIÊU BÔNG là một trường hợp tiêu biểu: «Chẳng có chuyện gì phải lo nghĩ, chẳng có ý định gì trong đầu mà sao về quá nửa đêm một mùa rét ấy, tôi vẫn không ngủ được (…). Im lặng. Chợt bên tai văng vẳng lên một giọng nữ rất nhỏ nhẹ mà rành rọt. Đọc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như từ thời nào xa xưa vẳng đến, có lẽ từ tiền kiếp vọng về:
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…
Tôi xoay người trong chăn về phía bên trái và ghi ngay. Giọng vẫn đọc, không vội vàng và cũng không quá chậm, và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ. Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bỗng đi, một lát sau tôi ngủ thiếp. Sớm hôm sau nhìn lại thì có chỗ rõ, đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè lên dòng kia, chữ này xóa mất chữ khác. Phải mất gần tiếng đồng hồ, tôi mới tách ra được theo đúng thứ tự như lời người nữ kỳ diệu đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm hôm qua» - Trích trong VĨ THANH, trang 160 – 16.
Hoàng Cầm là một nhà thơ vĩ đại của xứ Kinh Bắc, mà còn như vậy, thì các nhà thơ bình thường khác của thế giới, họ đều là những NGƯỜI MƠ. Đúng thế, họ đã có một cái nhìn thoáng qua trong trong giấc mơ của mình: Một thứ gì đó thâm nhập, ở đây và ở đó một tia sáng có thể đi qua hàng rào của những giấc mơ, và thậm chí tia sáng đó cũng đủ để tạo ra một Shakespeare, hoặc một Hoàng Cầm. Nhưng đó không phải là một trung tâm thơ thực sự.
Trung tâm THƠ thực sự phải là một dòng chảy qua Chư Phật. Đó mới chính là THƠ THẬT. Chư Phật, không phải là người mơ mộng, Chúa Jesus không phải là người mơ mộng; Nếu họ là bất cứ điều gì họ đều là người thức tỉnh. Giấc mơ đã biến mất, bốc hơi. Khi đó, nó không chỉ là những cái nhìn thoáng qua về một sự thật bất ngờ đến với họ, sở hữu họ, và sau đó để họ trống rỗng, tiêu hao, kiệt sức…Một nhà thơ bình thường, đơn giản là những bước nhảy ngắn; trong một khoảnh khắc anh ta lên khỏi mặt đất, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc, và sau đó anh ta lại trở lại mặt đất.
Nhưng với thi nhân Hàn Mặc Tử thì rất khác – Ông ấy không phải là một bước nhảy ngắn, mà ông ấy đã có đôi cánh trong tâm hồn của mình. Ông ấy biết cách để đi đến những ngôi sao xa nhất:
Nhớ khi xưa ta là chim Phượng Hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất…
Bay từ Đao Ly đến thời Đâu Suất;
Và lùa theo không biết mấy là hương…
Lúc đằng vân gặp ánh sáng chặn đường,
Chạm tiếng nhạc, và nhằm THƠ thiên cổ…
Ta lôi đình thấy trăng sao liền mổ,
Sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao.
(PHAN THIẾT! PHAN THIẾT!)
Hàn Mặc Tử dường như là biết cách tiếp cận với những điều chưa biết, ông ấy có chìa khóa để mở những điều bí ẩn. Ông ấy là một bậc thầy. Và rồi một cái gì đó bắt đầu chảy qua ông mà không phải của ông. Ông chỉ là phương tiện : Ông bị chiếm hữu:
Ta chấp hai tay lạy quỳ hoàn hảo
Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian
Để vừa dâng, vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giầu sang hơn Thượng Đế.
Đã no nê, đã bưa rồi thế hệ
Của phường trai mê mẩn khí thanh cao.
Phượng Hoàng bay trong một tối trăng sao
Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa.
(ĐÊM XUÂN CẦU NGUYỆN)
Khi đó, bất cứ điều gì Hàn thi sĩ nói cũng đều là THƠ; hoặc, ngay cả khi ông giữ im lặng, sự im lặng của ông cũng là thơ. Sự im lặng của ông có sự du dương bao la trong đó:
Sông Ngân đã im lìm trong tiếng sóng
Mà lòng anh rào rạt mãi không thôi!
Ở tầng cao khúc Nghê Thường đồng vọng!
Nghe gì đâu, em hỡi! Ráng mây trôi.
(SÁNG LÁNG)
Dù Hàn Mặc Tử có nói hay không, không quan trọng. Nói, ông nói thơ; khi không nói ông vẫn là THƠ:
...
Trở lại Trời tu luyện với muôn đêm
Hớp tinh khí lâu năm thành chánh quả.
Ta trở nên như ngọc đàng kim mã
Rất hào hoa rất phong vận: NGƯỜI THƠ…
Ta là trai khí huyết ước ao mơ
………
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng.
Ta vung vãi THƠ lên tận sông Hằng.
Thơ phép tắc bỗng kêu rêu thống thiết:
Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
(PHAN THIẾT! PHAN THIẾT!)
Hàn Mặc Tử được bao quanh bởi THƠ: Ông đi trong thơ, ông ngủ trong THƠ, thơ là chính tâm hồn của ông, đó chính là bản thể thiết yếu, cốt lõi của ông:
Một chiều xanh, một chiều xanh huyền hoặc,
Sáng bao la vây lút cõi thiên không.
Xuất thế gian chưa có tại trong lòng,
Muôn Ý TỨ say chìm nơi bất giác
Hương cám dỗ mê người trong khoái lạc.
……..
Xuân ra đời….
Điềm ngọc ấm như ngà,
THƠ có tuổi và chiêm bao có tích,
Và tâm tư có một điều rất thích,
Không nói ra vì sợ bớt say sưa!
(RA ĐỜI)
Giấc mơ của con người có thể rất có ý nghĩa. Những gì chưa được phép xuất hiện trong ý thức của bạn, khi bạn vẫn còn đang THỨC, thì có thể chúng sẽ nảy sinh trong ý thức của bạn, khi bạn đang trong một cơn mơ nào đó. Một tia sáng đã chiếu vào bạn. Thế nên, hãy luôn cẩn trọng với những giấc mơ của bạn. Bởi vì, nền văn hoá Phương Đông luôn chấp nhận rằng: Ý thức khi thức là ý thức hời hợt nhất, ý thức khi mơ sâu xa và có ý nghĩa hơn, và ý thức khi ngủ còn sâu hơn, thậm trí còn quan trọng hơn cả ý thức khi mơ (Bài thơ LÁ DIÊU BÔNG của Hoàng Cầm đã ra đời trong giấc ngủ ông). Có lẽ văn hoá Phương Tây cần có một Freud khác để có thể giới thiệu giấc ngủ sâu như một phần quan trọng nhất của ý thức con người.
Nhưng ở nền văn hoá Phương Đông còn biết có một điều gì đó hơn thế. Có một điều quan trọng đó là, trạng thái thứ tư của ý thức. Nó là turiya, đơn giản là thứ tư. TURIYA có nghĩa là thứ tư, đó là trạng thái khi: THỨC, MƠ & NGỦ đều biến mất, con người, khi đó, chỉ đơn giản là một nhân chứng. Bạn không thể gọi nó là THỨC, bởi vì nhân chứng này không bao giờ ngủ; bạn cũng không thể gọi nó là MƠ, bởi vì đối với nhân chứng này, không có giấc mơ nào xuất hiện; bạn cũng không thể gọi nó là NGỦ, bởi vì nhân chứng này không bao giờ ngủ. Đó chính là sự nhận biết vĩnh cửu. Đây chính là tâm Phật, là tâm thức Christ, là Phật tính, là sự giác ngộ của con người.
Thơ của Hàn Mặc Tử, thực sự xảy ra trong trạng thái thứ tư của ý thức. Khi ông đã trở nên hoàn toàn tỉnh táo, trong trẻo. Tất cả là sự trong trẻo, sự trong trẻo đó là sự tự do, sự trong trẻo đó là sự thông minh, sáng suốt cho thi sĩ. Sự trong trẻo đó chính là sự TÁI SINH, HỒI SINH ra một tâm hồn thơ bất tử, họ là HÀN MẶC tên là TỬ. Chẳng hạn, chúng ta hãy đọc bài thơ XUÂN ĐẦU TIÊN của ông chúng ta sẽ cảm nhận được sức mạnh vô song của sự trong trẻo, trắng trẻo, thuần khiết, tinh khôi…
XUÂN ĐẦU TIÊN
Mai sáng mai, trời cao rộng quá!
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay…
Mai này thiên địa mới tinh khôi
Gió căng hơi và nhạc lên trời,
Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết,
Hoa lá hồ nghi sự lạ đời.
Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm,
Còn mặt trời kia tợ khối vàng…
Có người trai mới im như nguyệt
Gió căng hơi và nhạc lên ngàn…
Thuở ấy càn khôn mới dựng nên,
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên,
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên.
Có người trai mới im như nguyệt
Mùi thơm ngây dại sóng con người
Hãy hoan hô lời cao như sấm:
Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợp trời!
Đó cũng là ý nghĩa của huyền thoại Phượng Hoàng. Nó chết, nó hoàn toàn bị thiêu rụi, biến thành tro tàn, và rồi đột nhiên nó được tái sinh từ đống tro tàn – Nó hồi sinh. Phượng Hoàng đại diện cho Christ: Đóng đinh và phục sinh. Phượng hoàng đại diện cho Phật: Cái chết như một bản ngã, và một sự sinh thành mới là vô ngã. Nó đại diện cho tất cả những người BIẾT; biết có nghĩa là Phượng Hoàng. Chính vì thế mà chúng ta bắt gặp từ Phượng Hoàng xuất hiện trong rất nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử, đặc biệt là trong phần thơ có tựa đề là XUÂN NHƯ Ý.
Tóm lại, Người Thơ Hàn Mặc Tử, là một người đã đạt đến TRUNG TÂM THƠ, nơi mà chàng thi sĩ họ Hàn có thể hòa tan chính mình vào thi ca, và cũng là hòa tan chính mình vào Thượng Đế. Vì vậy mà bạn đọc sẽ thấy THƠ của ông chứa đựng tất cả, nó chứa đựng tình yêu, nó chứa đựng lời cầu nguyện, nó chứa đựng thiền định, và nó chứa đựng nhiều hơn nữa. Tất cả những gì là thiêng liêng, tất cả những gì là đẹp đẽ, tất cả những gì có thể đưa bạn đến siêu việt, đều được chứa trong thơ của ông.
THƠ của ông không chỉ là thơ: Mà nó còn là một cái gì đó như một tôn giáo thiết yếu. Đọc thơ của ông, bạn sẽ có sự cảm nhận rằng: Nó là một trạng thái mà tâm trí của bạn không còn can thiệp vào giữa bạn với sự tồn tại – Trực tiếp, ngay lập tức; khi bạn đột nhiên bị chiếm hữu bởi TOÀN BỘ, nơi bạn biến mất như một thực thể riêng biệt & TOÀN BỘ bắt đầu nói chuyện với bạn, bắt đầu khiêu vũ thông qua bạn; nơi bạn trở thành một cây tre rỗng và toàn bộ bạn biến thành một cây sáo.
Tôi cho rằng THƠ của Hàn Mặc Tử còn thần thánh hơn cả những gì được gọi là kinh sách. Và bởi vì những bài thơ của Hàn Mặc Tử đích thực thần thánh nên chúng không tạo ra một thứ tôn giáo nào xung quanh chúng. Chúng không trao cho bạn bất kỳ một nghi lễ nào, kỷ luật nào, hay một điều răn nào. Chúng chỉ đơn giản cho phép bạn nhìn thoáng qua trải nghiệm mà chúng có được. Toàn bộ trải nghiệm đó không thể được diễn tả bằng lời, nhưng Hàn Mặc Tử đã cố diễn tả nó bằng ngôn từ của mình, nhưng có một điều gì đó…Có lẽ không phải nguyên một đóa hoa, mà chỉ có vài cánh hoa mà thôi. Vài cánh hoa thôi cũng đủ để chứng minh sự tồn tại của một bông hoa. Cửa sổ của bạn chỉ cần mở ra để cho cơn gió mang những cánh hoa ấy vào là được.
LÊ VĂN CHUNG