MỖI
NGƯỜI LÀ MỘT NỖI NIỀM RIÊNG
Nàng, người con gái
của hơn mươi năm trước, như một đóa hồng dại vừa nở trong một sớm mai đầy sương
đỏ thắm nổi bật giữa đồng cỏ xanh biếc.
Bạn thử nghĩ xem, có gì rạng rỡ bằng, có gì xinh đẹp bằng, có gì trong
trắng bằng. Giá như cuộc đời của một con
người, thời gian chỉ đọng lại ở đó, vĩnh cửu. Giá như sắc màu tươi thắm của đóa
hồng kia không tàn phai. Giá như thảm cỏ kia mãi mãi rờn xanh. Giá như những giọt
sương kia cứ mãi lấp lánh dưới ánh ban mai … và giá như tất cả đọng lại ở đó.
Lần đầu tiên em cảm
thấy trái tim mình rung động, một nỗi niềm rung động không tên. Em chẳng hiểu
vì đâu. Và em cũng không còn phải hiểu vì đâu. Từ trên hành lang tầng hai của
khu nội trú, em nhìn xuống khoảng sân có trồng nhiều hoa tường vi màu hồng phấn
quanh những lối đi nhỏ vòng vèo rải sỏi, em nhìn thấy anh, nhìn thấy nhiều người.
Anh đi tới đi lui bắt tay chào hỏi bất cứ ai nhưng em thấy anh lấp lánh như một
ánh nắng, từng bước anh đi là từng bước sáng lung linh. Em nhìn dõi theo anh như nhìn theo từng vạc nắng.
Anh là ai? Em đâu biết! Từ trên cao không nhìn rõ được anh. Anh không một lần ngước lên nhìn em. Anh không biết em đang đứng đây, tựa balcon
trên tầng này, với anh em không hiện hữu. Em muốn hét lên cho anh nghe, cho anh
biết đang có em, một người con gái mười tám tuổi trái tim thắt quặn lên một nỗi
đau diệu kỳ, một nỗi rạo rực diệu kỳ, một nỗi sợ hãi diệu kỳ, như lần đầu em bỗng
thấy một vệt máu đỏ tươi thấm qua làn vải lót. Em hoảng loạn bàng hoàng, rồi
khóc, em khóc một mình, rồi sợ, em sợ một mình, rồi lo âu, em lo âu một mình. Từ
đó, em xa dần lũ bạn nhỏ, em không nhảy lò cò, em không chơi thẻ. Em thường ngồi
một mình, một mình ngồi nhìn vạc nắng ngoài hiên, thấy vạc nắng chập chờn, và
em như người say dù em chưa biết người say như thế nào. Cái bóng nắng ấy, cái vạc
nắng ấy, bây giờ ở dưới kia, bên những khóm tường vi. Em muốn kêu lên nhưng
không biết kêu ai. Anh là ai? Hỡi cái
bóng nắng diệu kỳ đó. Anh không nghe được tiếng em hét vì tiếng vọng từ trái
tim em chưa đủ sức vang xa. Em đưa tay ấn
mạnh vào bên trái phần ngực mình để cảm nhận một cách xót xa nhịp đập dồn ứ của
con tim.
Bỗng dưng anh ngước
nhìn lên. Em giật bắn người. Vừa xây xẩm
vừa hồi hộp vì quá xao xuyến. Ánh nhìn
anh như một tia nắng bỏng cháy. Em không thể quay mặt đi. Em đứng nguyên như một tảng đá và cảm thấy
cái lạnh buốt từ dưới lòng bàn chân chạy ngược lên. Trong khi đó từ trong từng mạch máu trong cơ
thể em lại cuộn lên và trào tuôn. Em thấy
anh đưa tay vẫy chào và rướn nhìn mặc dù bấy giờ mắt em đã nhòa vì cái tia nắng
diệu kỳ từ phía anh. Cái nhìn ấy, tia nắng ấy đã làm em chết đi trong một giây
phút ngưng đọng của thời gian. Em cảm nhận được rằng cái nhìn ấy, tia nắng ấy sẽ
theo em mãi mãi, suốt cuộc đời em.
*
* *
Khi em sinh ra thì đã không thấy cha. Lúc đó em thường hỏi mẹ, nhưng lúc nào mẹ cũng lãng tránh không trả lời. Người ông mà em gọi bằng ông nội, mẹ nói ông thương em lắm, nhưng em lại không dám hỏi. Nhưng có một lần, năm ấy hình như em năm sáu tuổi gì đó, mẹ ôm em vào lòng, mắt mẹ rơm rớm, mẹ hôn lên trán em:
-
Ba con đi làm xa lắm.
- Nhưng lâu quá sao ba không về hả mẹ?
Mẹ không trả lời em, nhưng có lần em nghe ông nội nói với mẹ:
- Có tin là ngày tổng tuyển cử, ba con L. sẽ về.
Em không hiểu ngày tổng
tuyển cử là cái ngày ra làm sao. Nhưng
em vẫn thắt thỏm đợi chờ. Em tưởng tượng cái ngày ấy cũng gần kề, có thể qua một
đêm ngủ vùi, khi thức dậy thì cái ngày ấy đã đến. Em tưởng tượng đến người đàn
ông mà em sẽ gọi bằng ba, có lẽ ông đẹp lắm, ông dễ thương lắm, nếu không sao
ông nội và mẹ hay nhắc đến ông với vẻ bí mật và mang mang tỏa ra nơi gương mặt
của hai người. Mẹ chưa bao giờ nói với
em ba đi đâu, vì sao phải đi xa và lâu như vậy.
Thực ra thì lúc bé em cũng hờ hững, ít quan tâm nhiều về ba. Trong nhà, ngoài em, chỉ có ông nội và mẹ. Ông thì nghiêm nghị, ít nói. Ông thường ở một
mình nơi gian nhà trên, đọc sách. Em chỉ
gặp ông ở bữa ăn, nhưng em thường nuốt vội vàng chén cơm để chạy đi chơi với mấy
đứa bạn. Mẹ chạy ra chợ suốt ngày, tối mới
về. Hình như trong nhà dù chỉ có 3 người nhưng có ba thế giới riêng. Ông thì sống
với những bóng hình của quá khứ. Mỗi khi nhìn ông thắp nhang trên bàn thờ tổ
tiên là em có cảm tưởng ông không thuộc thế giới hiện tại này. Em không biết
ông thương nhớ quá khứ hay tiếc nuối những mất mát đã qua trong cuộc đời dài gần
thế kỷ của ông. Mẹ có chút nhan sắc
nhưng hình như nỗi đợi chờ vằng vặc đã làm mẹ héo úa. Mẹ bươn chảy suốt ngày
trong cái thế giới hiện tại nhưng tâm hồn của mẹ vật vờ đâu ở cuối chân trời.
Em không hiểu tình yêu là gì, nghĩa vợ chồng là gì, nên cũng chẳng đồng cảm xót
xa với mẹ. Thậm chí lúc mẹ ôm em vào lòng và sụt sùi khóc, em cũng chỉ thấy hơi
thương thương mẹ mà không hiểu sâu hơn vì đâu mà mẹ khóc. Vắng một người hay có
mặt một người nữa trong nhà, em nghĩ cũng vậy thôi, chẳng có gì thay đổi. Một người nữa đến thì cũng đến với một thế giới
riêng của người đó.
Em không hiểu cô đơn
là gì, và cái nỗi cô đơn có làm cho em khóc hay không, hay có khi chính sự cô
đơn làm cho lòng em lắng lại và bình yên hơn.
Sau này khi càng ngày càng lớn, em thường ngồi một mình – dĩ nhiên là rất hiếm – suy nghĩ bâng quơ đủ thứ mà chẳng ra chuyện gì. Đôi khi cũng cảm thấy trống vắng như thiếu thiếu một cái gì, rồi chẳng biết trước cái gì, thấy mất mát một cái gì rồi cũng không biết mất cái gì, thấy tiếc tiếc một cái gì rồi chẳng biết tiếc cái gì, thấy buồn buồn nhưng lại vui vui cười một mình.
*
* *
Hình như em không
còn nhỏ bé nữa. Em mười tám rồi. Nơi một ngôi trường nhỏ heo hút nằm sâu trong
một làng quê, mái lá đã bị dột ướt vào mùa mưa và trời khô nắng chập chờn xuyên
vô lớp học, con đường đến trường phải đi qua các con kinh lầy lội.
Hai năm trôi qua rồi từ cái ngày trời đất run rủi cho em nhìn thấy anh, cái tia nắng lấp lánh từ đôi mắt anh cho đến bây giờ vẫn còn bắn vào em một nỗi ấm áp diệu kỳ. Với em, anh hiện hữu vừa như một vật thể hữu cơ, vừa như một ảo ảnh chiêm bao, nhưng dầu ở trong trạng thái nào, anh, con người em chỉ được nhìn thấy một lần, không biết tên tuổi, vẫn chập chờn từng thời khắc trong em, khi thức cũng như khi ngủ. Nhưng với anh, chắc chắn chẳng còn nhớ gì đến em, chẳng còn nhớ gì cái buổi sáng định mệnh cho em nhìn thấy anh. Anh không nhớ gì, cho dù, trong cái buổi sáng kỳ diệu đó anh đã ngước mắt nhìn em và vẫy chào. Cho dù em biết cái vẫy chào ấy là phong cách lịch thiệp của một bậc hào hoa, anh nhìn em, anh vẫy tay với em, đơn giản cũng như với bao cô gái khác, rồi anh quên, anh chẳng bận tâm. Mà anh chẳng bận tâm một chút gì cũng đúng thôi. Anh và nhóm bạn anh ở dưới sân đang chờ ngày vào quân trường. Thời chiến mà! Em ghét cay ghét đắng chiến tranh. Rồi anh sẽ ra đi như những chiến binh. Sống chết không lường. Anh cũng phải bắn giết. Anh cũng phải băng mình lội suối. Rồi trong suốt hành trình của đời lính anh chẳng bao giờ mang theo hình bóng em. Anh có biết em là ai đâu. Cái nhìn của anh, cái vẫy tay của anh chẳng lưu dấu bóng hình em. Anh không có em trong anh. Nhưng anh đi, em mãi dõi theo anh, cho dù chân trời góc biển.
*
* *
Ông nội đã mất gần
hai năm nay, ông ra đi mang theo cái hy vọng ngày tổng tuyển cử, nhưng mẹ vẫn
thắt thỏm đợi chờ. Bây giờ em đi xa, mẹ ở nhà một mình, một mình với nỗi đợi chờ
vô vọng làm héo úa từ linh hồn đến thể xác bà.
Không hề có một mẫu tin nào nhỏ nhoi về người cha của em. Em cũng đợi chờ,
nhưng không đợi chờ như mẹ, em đợi chờ vì sự tò mò. Người đàn ông mà em sẽ gọi bằng ba ấy ra sao.
Bây giờ thì em đã hiểu ông đi đâu, đi từ lúc nào, bởi khi em lớn khôn mẹ đã
không còn giấu diếm. Em chỉ thắc mắc có
một điều là, em, mẹ em, bà con xóm giềng vẫn sống, vẫn bình an, vẫn được hưởng
những nhu cầu là một người dân bình thường có quyền được hưởng, vậy thì tại
sao, ba, những người nào đó lại phải vất vã, chịu gian khổ để gọi là giành lại
tự do cơm no áo ấm cho chúng em. Em thấy mình chẳng thiếu gì, được nuôi nấng dạy
dỗ ăn học đầy đủ. Em chỉ thiếu duy nhất
một điều: Đó là anh. Hay ông trời ổng cũng công bằng: Không ai có
đủ tất cả, ít nhất phải thiếu một cái gì. Nhưng cho dù ba có gian nan vất vã,
ba cũng không thể nào mang anh đến cho em.
Có những con người
khi sinh ra ở đời họ tự nhận mình có một nghĩa vụ cao cả nào đó, tự dán cho
mình phải gánh vác lấy trọng trách bảo vệ và giáo dục dân chúng, họ thấy họ vĩ
đại, họ phải là anh hùng, họ phát động những cuộc chiến tranh đẫm máu. Tất cả
những việc họ làm, ở điểm nào đó mang một góc độ sâu sắc và chân thật, nhằm thỏa
mãn lòng kiêu ngạo và ảo tưởng về tính siêu việt trong con người họ. Họ có hiểu
chăng một tình yêu vô bờ từ trái tim người mẹ, người vợ, họ có hiểu chăng niềm
cô đơn và nỗi khát khao một hạnh phúc bình thường, giản dị. Có thể những người
như ba em, đôi khi cảm thấy mình cũng chẳng lớn lao vĩ đại gì, nhưng vì bị tác
động quá mạnh bởi những học thuyết, bị ru ngủ bởi những cám dỗ, bị lôi kéo bởi
những tham vọng như một Hitler chẳng hạn. Hoang tưởng và kiêu ngạo.
-
Hôm nay là ngày giỗ
ông nội của cháu.
Chị chủ nhà nói khi
em đang sữa soạn đến trường.
-
Cô vui lòng thu xếp
về sớm sớm để dùng cơm với gia đình cho vui.
Em thấy nét mặt chị
có vẽ rạng rỡ, khác với vẽ buồn buồn lam lũ thường ngày.
-
Ba cháu có mời mấy
người từ chiến khu về nữa. Chị nhìn em
nói tiếp.
-
Vâng, em sẽ thu xếp
về để cùng chị nấu nướng.
Ông bố chồng của chị,
hồi năm ngoái, đã bị giết trên đường từ ngoài ruộng về khoảng nhá nhem tối. Những người thực hiện vụ mưu sát đã để lại bên
xác ông cụ một mảnh giấy có ghi mấy dòng: “Ai làm tay sai cho địch thì hãy xem
cái gương này”.
Tôi gặng hỏi chị:
-
Ông cụ làm gì mà chết
thảm như vậy?
Chị vo tròn đôi mắt
nhìn tôi, như vẫn còn tỏa ra nỗi bi hài của sự việc.
-
Cô biết ông nội cháu
làm đến chức gì không? Liên gia trưởng cô à! Đến lúc chết thật chẳng biết đâu
vào đâu.
Chị kể là anh im lặng
mang xác cha về chôn, đôi mắt lầm lầm lì lì, không khóc một tiếng, không nói với
ai câu nào. Ba ngày sau mở cửa mã, anh tình nguyện đi nghĩa quân, để lại đất
đai ruộng vườn cho chị.
-
Hình như anh biết ai
đã giết cha mình. Chị không biết anh
toan tính gì trong đầu.
*
* *
Hôm nay tròn đúng
hai năm kể từ ngày em nhìn thấy anh dưới khoảng sân có trồng mấy cụm tường vi
màu hồng phấn và những lối đi rải sỏi trắng. Từ trên tầng hai khu nội trú, em,
cô gái mười tám tuổi, bàng hoàng, ngộp thở bởi cái nhìn của anh như một tia nắng.
Hai năm trôi qua,
không lúc nào mà cái tia nắng diệu kỳ đó không lung linh trong em. Bất cứ lúc
nào, bất cứ ở đâu, khi em thức cũng như khi em ngủ, khi em đi dạo cũng như khi
em ở lớp học. Có lần mẹ em nhận ra cái vẻ
thẩn thờ của em, bà nói:
-
Này con, coi bộ si
tình chàng trai nào rồi phải không?
Em giả bộ dỗi hờn mẹ.
Nhưng mà em có si
tình anh đâu. Em có biết anh là ai đâu. Em chỉ bị ám ảnh bởi cái vẻ sáng diệu kỳ
tỏa ra từ anh, từ đôi mắt anh. Em nào dám hỏi ai về anh, em xấu hổ và kiêu ngạo.
Em không muốn ai biết một tí gì về những xao động trong lòng em. Dù em có biết một vài người trong số bạn của
anh, nhưng họ cũng rất xa lạ, em không muốn, em chỉ biết duy nhất một mình em,
một cô gái mười tám tuổi, lần đầu tiên nghe tim mình quặn lên niềm đau diệu kỳ,
niềm đau làm cho ta ngây ngất, làm cho ta vừa xốn xang hạnh phúc, vừa ray rức
êm đềm, nhưng tuyệt nhiên không có một điềm báo gì về một nỗi bất hạnh.
Lần đầu tiên gặp ba
như thế nào, em không biết, nhưng mỗi khi nhìn mẹ ngồi lặng im bên bậc thềm, mắt
hướng về một cõi nào xa lắc, em nghĩ nỗi thương nhớ trong đợi chờ của mẹ nó dữ
dội lắm. Và chắc chắn em không giống mẹ.
Mẹ ba là tình nghĩa phu thê, là vợ chồng, máu thịt của họ đã hòa vào
nhau, tâm hồn của họ đã tan vào nhau. Còn em với anh, hai con người không hề
quen biết, chúng ta không là của nhau, và có thể chẳng bao giờ là của
nhau. Em không như mẹ, mẹ chờ đợi ba mõi
mòn, em chẳng chờ đợi anh, không chút hy vọng gần anh. Với em, anh chỉ là tia nắng,
cái tia nắng rọi vào em cho đến bây giờ vẫn còn lung linh.
Vâng, hai năm đã
trôi qua, nghe đâu anh và bạn bè đã vào quân trường từ dạo đó. Em không hình dung được anh-người-lính ra làm
sao. Em ghét chiến tranh. Tại sao người
ta phải chém giết nhau. Không biết anh có muốn giết ai không, cho dù đó là kẻ
giương súng bắn anh? Em không muốn tin rằng anh sẽ làm được cái điều kinh khủng
đó. Nhưng phải làm sao để kẻ khác không
nhắm vào anh mà nổ súng. Ôi cái học thuyết nào có thể dẫn dắt loài người thoát
khỏi cái họa chiến tranh.
*
* *
Em đang sửa soạn cho
học trò nghĩ sớm một chút để kịp về phụ với chị chủ nhà, nhưng bỗng dưng một loạt
đạn nổ xé trời làm em giật bắn mình và lủ học trò la lên í ới. Không chờ em cho phép, chúng vụt chạy ào ra cửa,
đứa nọ xô đẩy đứa kia. Khi em đã hoàn hồn lại thì lớp học đã vắng ngắt. Em vội
ôm cái cặp ba chân bốn cẳng chạy về nhà trọ. Vừa đến cổng, một cảnh tượng kinh
hoàng hiện ra trước mắt: Một chiếc xe jeep nhà binh lật nằm nghiêng bên mương
nước trước nhà, người tài xế gục đầu vào vô lăng, hai tay vẫn chưa buông tay
lái, máu từ ngực anh còn chảy xuống sàn xe. Trong sân, chị chủ nhà đang ôm một
ông quân nhân, ngồi gục đầu khóc ngất. Thằng cu con chị đứng sững nhìn mẹ, nó
đang không biết chuyện gì vừa xảy ra và không biết làm gì. Thấy em vào nó chạy
nhào tới ôm chân em khóc òa. Nó chỉ nơi góc sân một người lính đang ôm cái chân
toe thịt đỏ lòm rên rỉ. Em vụt chạy đến.
Người sĩ quan mang quân hàm thiếu úy ấy đang nhắm nghiền mắt nhăn nhó vì
đau đớn.
-
Tôi phải làm gì đây
anh ơi! Em lay vai anh ta và gọi.
Anh mở mắt nhìn
em. Dù đau đớn nhưng cái ánh nhìn đó rọi
vào em như một tia nắng. Em, trong giây
phút bàng hoàng nhắm mắt lại, rồi mở ra.
Anh ta đã nhắm nghiền mắt lại. Chỉ
có đôi môi đỏ như môi con gái của anh đang mấp máy. Em kê tai sát vào. Sau khi đã cố nghe và cố hiểu anh nói gì, em
vội chạy ra xe đang bị lật, chui vào xe ì ạch tìm kiếm, cuối cùng em cũng mang
ra được một khối kim loại nặng nề có dây nhợ tùm lum. Khi đã mang được vào cho anh, em mới biết đó
là cái máy liên lạc vô tuyến. Anh đang
loay hoay xé cái áo trong và bảo em lấy quấn vào phần đùi trái nơi máu đang chảy
ra đỏ thắm và tươi rói. Trong lúc em băng bó cho anh thì anh nói gì đó vào máy.
Xong, anh nhìn em và nói cám ơn. Lại với ánh nhìn đó. Cái nhìn dù trong cơn đau
đớn vẫn rọi vào em như một tia nắng ấp áp lạ thường. Em chạy đến người phụ nữa
đang ôm người lính, chị nhìn em và khóc dữ dội:
-
Ảnh chết rồi, anh ơi
đừng chết anh ơi, đừng bỏ em với con một mình!
Em lặng người. Trời
ơi, chồng chị đấy. Ngày giỗ cha chưa kịp thắp nhang lên bàn thờ. Máu nơi vết
thương trên đầu anh thấm ướt áo chị. Thằng bé chừng đã hiểu cái tai họa vừa
giáng xuống, nó ôm cái đầu ba nó, gục cái mặt non thơ của nó vào, nó khóc không
thành tiếng. Em loay hoay vụng về, vừa sợ vừa quá xúc động, em ôm thằng bé, nó
ngước nhìn em, khuôn mặt trẻ thơ vấy đầy máu đỏ từ vết thương của ba nó. Em
mang đến cho người sĩ quan một cốc nước và nâng đầu anh dậy để anh uống từng ngụm. Anh mở mắt nhìn em tỏ vẻ biết ơn. Lại cái tia nhìn kỳ diệu đó.
Tiếng động cơ ô tô
vang ầm ầm trước lộ, em ngước mắt nhìn ra, nét mặt anh thoáng vui, anh nói mõi
mệt rời rạc:
-
Các bạn tôi đã đến.
Quả nhiên một đám
lính đông đến vài ba chục người, tay lăm lăm súng, phân thành hai ngã chạy vây
quanh khu vườn nhỏ. Hai người lính cáng
anh trên một cái băng ca vội vàng chạy lúp xúp ra lộ. Họ khiêng luôn người tài
xế và anh chồng chị chủ nhà ra xe, chị bấu theo khóc lóc thảm thương. Họ bỏ chị
và cháu nhỏ lên xe, rồi cả toán lính rút đi để lại cái im lặng ghê người nơi
căn nhà đang bừa bộn nồi niêu chén bát thịt cá.
Em đóng cửa lại ngồi
khóc một mình. Sao bỏ em một mình thế này.
Một loạt đạn. Hai người chết. Một người bị thương. Thêm một góa phụ. Một đứa bé mồ côi cha.
Thế đó! Chiến tranh!
Họ giết nhau vì cái
gì nhỉ? Em chẳng hiểu gì cả.
Người sĩ quan ấy là ai? Em cứ cố tin rằng đó là anh. Cái tia nhìn của ánh mắt ấy sao giống anh quá và còn hơn thế nữa, nó cũng làm em chói lòa và run lên vì xúc động. Em để lại cho chị chủ nhà mấy dòng, vơ vội áo quần nhét vào cái túi nhỏ, khóa cửa gửi cho hàng xóm và ra lộ đón xe về nhà. Mẹ chắc cũng mong em, bà chỉ một mình.
*
* *
Sau đó người thiếu nữ
có đi tìm viên sĩ quan trẻ tuổi bị thương kia. Nhưng tuyệt nhiên cũng không lần
mò ra được. Bởi cô không biết một tí gì về anh, tên tuổi cũng không, không biết
số quân, đơn vị. Hỏi chỗ nào người ta cũng lắc đầu và bảo cô về quân y viện hỏi.
Cô đến quân y viện hỏi đôi ba lần, không ai trả lời rõ được cho cô. Cô đi từng
phòng thương binh đang nằm điều trị xin lỗi nhìn từng người. Không có. Sau cùng
người ta bảo có thể anh ta đã được đưa ra hạm đội. Cô chẳng biết hạm đội là nơi đâu và vì sao những
người thương binh đó lại được đưa đi xa vậy.
Cô không buồn. Cũng không đau khổ. Cô chỉ đi tìm cái ánh mắt có tia nhìn
rọi vào cô như một ánh nắng và lòng cô ấm lại mỗi lần nhận được cái ánh sáng ấy.
*
* *
Kẻ viết lại truyện
này đang ngồi trước mặt cô và nghe cô kể câu chuyện nhỏ về cô gần hai mươi năm
về trước.
Bây giờ cô đã là một
thiếu phụ ở cái tuổi trên dưới bốn mươi, không chút hương sắc tàn phai, vẫn còn
phảng phất một vẻ đẹp thầm lặng, cái vẻ đẹp chỉ có ở những phụ nữ sống trọn với
nỗi đợi chờ, tìm kiếm một cái gì đó xa xôi mờ nhạt mà đẹp vô cùng.
New Viet Art
Lê Nam Phương
24. 7. 2011
No comments:
Post a Comment