Saturday, February 27, 2021

Truyện ngắn: ĐÂU ĐÓ CÒN MỘT CUỘC HẸN HÒ - Lê Nam Phương tức thi sĩ Lê Văn Trung

 

ĐÂU ĐÓ CÒN MỘT CUỘC HẸN HÒ

        Lê Nam Phương (Lê văn Trung)                      

https://www.youtube.com/watch?v=fVhkjIHvtQo&t=179s
Hồi Ký Miền Nam
SUBSCRIBEDGiọng đọc : Tài

Sống là sự lặp đi lặp lại những hành vi nhàm chán vừa vô thức vừa có ý thức, tất cả và những quán tính vừa chảy vừa ngưng đọng. Sáng nào cũng vậy, khi đang vừa làm vừa đi lên đi xuống loay hoay với những công việc đơn điệu, nhuốm cái bếp lò bằng than tổ ong và bắc một ấm nước. Trong khi chờ nước sôi, cô cho cà phê vào mấy cái phin nhôm cũ kỷ, dọn dẹp mấy bộ bàn ghế, chải lại mái tóc, bôi vội tí phấn, thoa tí son, xịt tí nước hoa vào sau gáy, trút bỏ vội bộ áo ngủ, mang vội cái váy màu đen sau khi đã vội vàng cài xong áo ngực, đưa tay nâng nâng hai bầu vú vừa đến bên dàn VCD vội mở một đĩa nhạc như mọi ngày.  Lời ca bắt đầu vang lên nhè nhẹ “một người ngồi bên kia sông im nghe …” và đến bên quầy ngồi bất động vào chiếc ghế, mắt nhìn ra khoảng sân phía trước, bóng một người đàn ông mái tóc bồng bềnh ướt sương, mặc một chiếc áo da cũ mềm nhàu bẩn.  Ông bước vào phòng như người mộng du, đến ngồi một chỗ cố định, không nhìn nàng:

-        Hai đen không đường, hai con mèo.

Thực ra thì không phải đợi ông gọi, vì đã quen từ lâu, nàng luôn để sẵn đấy từ trước khi ông vào, hai cái cà phê phin đen và hai điếu con mèo trên bàn. Ông ngồi vào, dù ngày nào cũng thấy vậy nhưng ông vẫn lên tiếng gọi trước khi nhón tay lấy một điếu thuốc và châm lửa nhả khói vào không gian ẩm lạnh của sớm mai.

Lần đầu tiên nàng hơi ngạc nhiên về hành vi này của người đàn ông, hai tách cà phê và hai điếu thuốc, nhưng chỉ dùng một, lại trả tiền cả hai, có một lần nàng hỏi khi ông đứng lên. 

-        Cà phê của ông còn đấy.

-        Để đấy, cô ấy sẽ đến.

Lần đó, nàng chờ đợi thật, nhưng cuối ngày người phụ nữ vẫn không thấy đến để uống ly cà phê nguội đang chờ. Những ngày kế tiếp cũng vậy.  Và thế là nàng cũng mơ hồ hiểu ra.  Chưa bao giờ người đàn ông ngày hôm sau trở lại quán lại hỏi nàng về người phụ nữa mà ông ta chờ đợi có đến không. Sáng nào cũng vậy, ông bước vào quán như thể lần đầu tiên và duy nhất. Ông không nhớ ngày hôm qua.  Nhưng ông lặp lại y ngày hôm qua.  Với ông, thời gian không chảy, không gian không đổi thay. Vật và người không đổi thay. Một vuông sân gạch lạnh sương.  Bộ bàn ghế đen nhẩy.  Hai tách cà phê đen, hai điếu thuốc con mèo.  Cô chủ quán tư lự trong cái áo màu đen. Tiếng hát buồn, nhẹ “một người ngồi đây trông mưa …”.  Ông ngồi suốt hơn một tiếng đồng hồ, nhấm nháp từng tí cà phê, lặng lẽ, ông không quan tâm đến chung quanh. Những người thợ xây với những bộ áo quần công nhân đã bạc bám đầy hồ vữa và nước sơn, ồn ả bước vào quán, vài cô gái cần tiền, son phấn nhòe nhoẹt uể oải, ngái ngủ ngồi yên tận trong góc tối của quán nhả khói thuốc mù mịt.  Không ai để ý đến ông, suốt gần nửa năm nay họ đã quen thuộc đến dững dưng hình ảnh ông.

Chỉ có cô chủ quán là cố hờ hững để ý đến ông, vì mình cô là người thấp thỏm chờ đợi người phụ nữ xa lạ nào đó sẽ đến để hóa giải những bí ẩn bọc quanh vẻ bụi bậm phong trần nơi người đàn ông với vẻ mặt xa xăm và đôi mắt như đang cháy âm ỉ những bi thương.  Nhìn vào đôi mắt ông, cô thấy như bị hụt hơi trong những đam mê của thứ dục vọng vừa thanh khiết vừa tục lụy, những tiếc nuối vừa xót xa vừa êm dịu và thật sâu trong đôi mắt đó là một nỗi đợi chờ vô vọng.

-        Hai đen không đường, hai con mèo.

-        “Một người ngồi bên ni sông im nghe nước chảy về đâu…

-        Nước sôi ùng ục nơi bếp lò.

Đó là sự-sống-còn-đang-sống, nhưng cái “còn-đang-sống” đó cứ lặp đi lặp lại một sớm mai nhàm chán và buồn tẻ như thế giới “còn-đang-sống” đó nằm-trong-cõi-chết.  Bất chợt cô đưa tay áp lên hai bầu vú đang căng dưới làn vải áo lót, nhìn người đàn ông ngồi lặng lẽ, xa xăm.  Và chỉ lúc ấy nhịp đập nhè nhẹ của trái tim, nhịp đập của sự sống, mới len vào trong cô một nỗi hoài nhớ không màu của quá khứ nhòe nhoẹt nước-mắt-hạnh-phúc-đớn-đau của nguồn đam mê cháy bỏng.

Người phụ nữa đó là ai mà người đàn ông kỳ lạ này đang đợi chờ, nét đợi chờ lãng quên về một cuộc hẹn hò xa lắc tự kiếp nào. Nỗi đợi chờ đó đã gieo vào lòng cô niềm quạnh hiu vừa dịu ngọt vừa đắng cay và cô cũng cảm thấy rưng rưng trong lòng. Nỗi chờ đợi lao xao của bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua buồn tẻ và đơn điệu.

-        Hai đen không đường, hai con mèo.

Tiếng nói ấy lại vang lên lạc lõng giữa không gian ẩm ướt mỗi sớm mai sương mù, nơi cái góc cố định ấy, người đàn ông đã ngồi vào và đôi mắt xa vắng ấy, cô cảm thấy lành lạnh, đang nhìn vào cơ thể cô như sự bắt gặp của xúc cảm ái ân lần đầu cô cảm nhận được.

*

*   *

Khi ông trở về dù mọi việc không còn như cũ nữa, căn hộ tầng 2 của dãy nhà chung đã có chủ mới.  Hỏi ra mới biết dãy nhà này đã được tiếp quản như một tài sản của nhà nước. Vợ con ông và những người láng giềng cũ phải rời bỏ nơi đây.  Không biết họ đi đâu, vợ con ông cũng vậy. Sau khi hỏi một đôi câu với người phụ nữ chủ mới của căn hộ mà không biết thêm gì, ông thẩn thờ bước xuống đường đi dọc theo hàng cây long nảo về hướng bờ sông.

Chưa bao giờ ông có cái cảm giác rỗng không như bấy giờ. Và cũng chưa bao giờ ông thấy đời mình lại ứng với một câu thơ của một nhà thơ nào đó: “Tình không – không cửa – không nhà”.  Mười năm trong cái “lò luyện tội hiện tại”, ông cảm thấy được cái vô lý của đời người.  Ai đó đã hay nói rằng “cái gì cũng có lý do của nó”.  Trong tình huống này ông cảm thấy “cái lý do” của nó là ở chỗ nào.

Cũng như không hiểu gì đâu ông lại ở đây và hằng ngày, từ rất sớm ngồi vào một chỗ cố định ở quán cà phê này.  Cô chủ quán đã rời khỏi chiếc ghế sau quầy đi đâu đó, để lại một khoảng trống đìu hiu, Tự dưng ông cảm thấy như vừa mất một cái gì và hình bóng của nàng nhạt nhòa xa vắng trong chốn lãng quên, lẫn lộn hình ảnh những chiếc xe lôi và những người phu xe một ngày xa xôi nào đó ở bến Ninh Kiều.

Có một điều kỳ lạ mà thỉnh thoảng ông thoáng nghĩ qua, có lẽ là trong những giây phút hiếm hoi tĩnh táo, là ông đang ngồi đây để chờ trông như đã từng ngồi ở một quán cà phê nào đó cách nay gần ba mươi năm. “Ba mươi năm như một tiếng thở dài”.  Ông ngồi đây để chờ nàng, như đã từng ngồi chờ nàng trong văn phòng bề bộn giấy báo, mực in ở tòa soạn trên đường Lê Thánh Tôn sau cái tết Mậu Thân kinh hoàng.  Và ông đã vội vã đi mà không gặp được nàng.  Chỉ một tích tắc kẻ chờ đợi bước đi và một tích tắc sau đó người hẹn đến đã đến. Định mệnh khắc nghiệt và trớ trêu đã biến cái tích tắc đó thành muôn trùng. Hơn ba mươi năm rồi từ cái giây phút đó. Ba mươi năm với bao biến động trong cõi nhân sinh đầy ắp tai ương hoạn nạn, ông đã đi qua cõi đời mình bằng những ghập ghềnh khúc khuỷu, qua bao đao binh khói lửa hận thù không rõ mặt, gặp quá nhiều những mảnh đời rách nát, những cảnh đời ly tan.  Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ gặp nàng.  Nàng ở đâu, về đâu trong những trôi giạt triền miên của một đất nước không bình yên, của một dân tộc tan rã phân lìa.  Có nhiều khi ông muốn bơi ngược dòng sông bão lũ, băng qua rừng núi thâm u đầy thú dữ, để trở về, để tìm gặp, để xác định con người còn có cái gì đó cao quý hơn, cần thiết hơn, trở về để yêu thương, trở về để gặp nàng.  Nhưng dòng nước hung bạo, rừng núi giăng đầy cạm bẫy, kẻ chắn giữ con đường trở về đi bằng hai chân nhả từng ngôn ngữ của đạn bom, của học thuyết. Chúng trấn giữ mọi nẽo về. Chúng giương cao những nanh vuốt bằng những lừa mị, bằng những hăm dọa. Ông đã gặp trên dòng chảy đầy tai ương và xương máu đó những đớn đau cùng khốn của kiếp người. Xác chết không người chôn, những người thân yêu cúi đầu giữ lại giọt nước mắt rồi buông xuôi trôi theo dòng hoạn nạn.  Bé thơ lạc mẹ giữa cuồn cuộn sóng người, giẫm đạp chạy đi không phương hướng, tiếng khóc chìm khuất trong tiếng gầm rít của đạn bom, của những tiếng thét hãi hùng.  Ông đã gặp người phụ nữ áo quần rách tả tơi địu xác con bầm khô đứng lại bên đường, đôi mắt vô hồn ngước nhìn trời cao, miệng lâm râm khẩn cầu.  Thượng đế ở đâu?  Ông đã gặp người đàn ông mặt mày ngang dọc những vết chém còn tươm máu, cố lách ngược dòng người, miệng gào lên vô vọng: “Vợ con tôi đâu?” Và xòe hai bàn tay có dòng chữ ghi vội vã: “Chúng nó giết sạch”. Trong cái dòng lũ người đó không có nàng.  Ông ngơ ngác kiếm tìm như tìm một bóng ma trên con đường hủy diệt.  Con đường hủy diệt đó sau một thời gian bừng bừng lửa hận rồi chùng xuống vì hình như máu và nước mắt đã ngập tràn, nhưng bên trong sự chùng xuống lặng im đó là một bóng đêm vô tận. Mặt trời ở đâu?

“Ba mươi năm như một tiếng thở dài”, ông đọc được câu thơ này ở đâu đó như đọc một lời kinh nguyện. Tiếng thở dài không buông được ra mà trôi ngược vào lòng rồi đọng lại ở đó như một khối u. Ba mươi năm khối u đủ sức tàn phá linh hồn ông, hủy diệt trí não ông để bây giờ ông trở thành kẻ xa lạ với chính bản thân mình. Mọi người thường gặp trong quán cà phê này đều gọi ông với một cái tên tội nghiệp: Người đàn ông tâm thần.

Cô chủ quán đôi khi bỗng xao xuyến, bắt gặp cái nhìn hun hút của ông, đôi mắt và cái nhìn đó cô đã gặp đâu đó của một thời quá vãng xa xôi.

Nhưng hôm nay cô đã ngồi lặng đi sau quầy và chờ đợi.  Mặt trời đã lên cao xua tan làn sương mỏng, ánh nắng rọi vào quán, mấp máy trên mặt bàn nơi người đàn ông thường ngồi.  Hai tách cà phê nguội lạnh và hai điếu thuốc nằm im lặng trong chiếc đĩa nhựa nhỏ đang chờ đợi, vẫn chưa thấy ông đến.

Rồi ngày này hôm sau, rồi tiếp những ngày hôm sau nữa, người đàn ông ấy đã không đến. Sáng nào cô cũng đem hai tách cà phê và đặt vào bàn với hai điếu thuốc. Cô làm việc này như người thân hằng ngày cúng cơm cho người mới mất dù trong tận lòng mình cô vẫn hy vọng một ngày kia ông sẽ trở lại, ngồi vào chỗ cố định và gọi hai tách cà phê.


*

*  *

Chiếc xe du lịch màu đen đổ vội bên đường, phía đối diện với quán cà phê.  Người phụ nữ trạc ngoài năm mươi mở cửa bước xuống xe. Chiếc mủ vải kiểu cách màu xám với những hoa văn vàng thắm, che kín đôi mắt với vành mũ chập chờn theo từng bước chân như những cánh bướm.  Khuôn mặt trắng và xanh xao sáng lên trong màu đen của chiếc váy.  Tay bà cầm một tờ báo, chần chừ chưa băng qua đường.  Bà hướng nhìn về phía quán cà phê, bắt gặp cái nhìn tò mò và buồn bã của cô chủ quán đang ngồi sau quầy.

Cuối cùng như xác định được nơi cần đến, bà nhìn vội hai bên và băng qua đường, bước thẳng vào trong quán. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt bà và bà quá đổi ngạc nhiên, vừa mừng, vừa nghi ngại, vừa ngậm ngùi: nơi chiếc bàn chưa có ai ngồi, trên bàn là hai tách cà phê với hai điếu thuốc để trong cái đĩa nhựa nhỏ.

Bà chần chừ một lát rồi ngồi vào chiếc ghế kê sát vách bên chiếc bàn ấy.  Bà nhìn cô chủ quán:

-        Cô ơi tôi có thể ngồi đây được không?

-        Vâng, xin bà tự nhiên.

Bà nhìn hai tách cà phê.

-        Nhưng có ai đang ngồi đây phải không cô?

-        Vâng, nhưng xin bà cứ tự nhiên.  Bà có dùng cà phê không ạ?

-        Vâng.  Cho tôi một tách đen không đường.

Lần này thì cô chủ quán ngạc nhiên.  Có lẽ nào người phụ nữ mà ông ấy chờ là đây?

Tự dưng người đàn bà đứng lên tiến về phía quầy, trên tay vẫn cầm tờ báo.  Bà chìa tờ báo ra trước cô chủ quán.

-        Thưa cô, chúng ta có thể trò chuyện với nhau một tí không ạ?

-        Vâng, thưa bà.

-        Hy vọng cô biết người này.

Bà chỉ vào hình người đàn ông trên trang báo.  Cô nhìn vào và thoáng chút bối rối.  Bên trên bức hình là tựa đề: “Cái chết bí ẩn của một người đàn ông không rõ danh tính”.

Cô thầm nghĩ: “Có phải ông ta không nhỉ?”

Người đàn bà gấp tờ báo lại:

-        Tình cờ tôi đọc bài báo này cách nay non một tuần và cứ đinh ninh rằng chính là ông ấy. Nhưng còn thoáng chút nghi ngờ, nên, cũng qua bài báo, tôi tìm được đến đây. Thực ra thì người phóng viên này cũng khó có thông tin chính xác về “ông ấy”.  Từ cuốn nhật ký đó đã mở ra cho bài viết của phóng viên những thông tin tương đối và có vẽ tấm hình người đàn ông được báo chụp lại.

Người đàn bà đưa tờ báo cho cô chủ quán: Tấm hình dán trong cuốn nhật ký.

-        Chúng ta đến chiếc bàn kia vừa uống cà phê vừa trò chuyện, cô nhé.

Người phụ nữ trải tờ báo lên mặt bàn rồi bưng tách cà phê nhấm một tí.

-        Thực ra xa cách nhau lâu quá, bức hình này không hoàn toàn giống ông ấy, nhưng những nét đặc biệt như khuôn mặt và nhất là đôi mắt thì …

Cô chủ quán nhìn kỹ bức hình và đọc lướt qua bài báo.  Bức hình không giống mấy người đàn ông tâm thần, nhưng những chi tiết tường thuật và nhất là những đoạn trích nhật ký thì …

-        Thưa bà, tôi nghĩ bà có nhầm gì không.  Người đàn ông thường đến đây mỗi buổi sáng, ngồi vào chỗ này, gọi hai tách cà phê không đường và hai điếu thuốc con mèo, người đàn ông đó không mấy giống với người trong bức hình này.

-        Nhưng…

-        Vâng, những chi tiết được viết trong bài báo này gần như đúng hoàn toàn về ông ấy.

-        Nhưng cô có lúc nào trò chuyên hay….?

-        Ông ta lầm lì, u mặc, không trò chuyện với ai, gần như im lặng hoàn toàn.  Nhưng tôi cũng nghe vài người bàn tán về ông. Người ta cho rằng ông bị tâm thần và mắc chứng trầm uất.  Ông ngồi ở đây nhưng tôi có cảm giác ông đang ngồi ở đâu đó xa lắm, vào một thời quá vãng xa xôi nào.  Hình như ông đang chờ đợi một người nào, một người của một quá khứ mù mờ.

Người đàn bà nhớ lại cách nay gần ba mươi năm, cuộc hẹn hò không thành vì chiến trận bỗng bừng ra dữ dội, bà bị đẩy vào dòng chảy hỗn loạn của năm nào, hàng ngàn con người tơi tả, đói khát.

-        Tôi đã hẹn với ông ấy, nhưng không bao giờ gặp được.  Tôi biết ông ấy cũng bị trôi theo dòng chảy cuồng bạo của chiến tranh, chúng tôi không gặp nhau từ đấy. Tôi tin người đàn ông thường đến đây là ông ấy, cô ạ. Ba mươi năm ông đi tìm một cuộc hẹn hò.

Người đàn bà ân cần nắm tay cô chủ quán.

-        Có khi nào cô nghe ông ấy nhắc đến tên một ai đó không?

-        Dạ không.  À, mà hình như có đôi lúc ông ta lẩm bẩm một cái tên nào đó, tôi không nghe rõ.

-        Thưa cô, đúng là ông ấy rồi, người mà không gặp cách đây ba mươi năm, người ấy là…, là tôi đây.  Trời ơi, tội nghiệp ông ấy quá. 

*

*   * 

Hai người nữ đang trầm tư trong một không khí chùng lắng, không để ý đến một người đàn ông đã đến sát bên.  Bóng ông đổ xuống tạo một khoảng tối nhàn nhạt. Đến khi ông xê dịch chiếc ghế gây một tiếng động nhỏ, hai người phụ nữ mới giật mình nhìn lên. Cô chủ quán kinh ngạc đến suýt nữa bật ngửa ra, cô ú ớ trong miệng một lát không thành tiếng.

Người đàn bà chỉ hơi nghiêng người và tỏ ý xin lỗi đã ngồi vào chỗ này.  Người đàn ông chẳng nói gì, ông im lặng ngồi xuống, lấy điếu thuốc trên chiếc đĩa nhựa và châm hút. Ông nhìn cô chủ quán, rồi nhìn người đàn bà:

-        Xin lỗi.

Người đàn bà định đứng dậy nhường chỗ cho người đàn ông, nhưng cô chủ quán vội nắm cánh tay bà:

-        Xin bà cứ ngồi tự nhiên.

Rồi cô nhìn người đàn ông.

-        Người mà bà đi tìm và cho là đã chết đây.  Có phải ông ấy đây không?

Bà quan sát người đàn ông.  Ông ngồi thầm lặng uống từng giọt cà phê, không quan tâm đến hai người phụ nữ đang tò mò nhìn ông.

-        Bà thấy có đúng người quen của bà không, thưa bà.

Không.  Tuyệt nhiên không có một nét nào của người thanh niên cách nay ba mươi năm. Trước mặt bà là một ông lão trầm mặc, u ẩn, tóc đã bạc, da nhăn nheo và trong đôi mắt già nua ấy không thoáng một chút ánh sáng của sự sống. Không! Không phải ông ta.  Người thanh niên trong bộ quân phục màu cứt ngựa ba mươi năm trước, không! Không thể trở thành thế này, đờ đẩn, trầm mặc, còm cõi, tàn tạ.

Cuối cùng, bà dùng hết can đảm mà nhìn vào đôi mắt u buồn của người đàn ông, bà hỏi:

-        Thưa ông, nếu tôi nhầm thì xin lỗi. Ông có phải là ông Dũng.

Người đàn ông hình như không nghe gì, ông quay nhìn cô chủ quán, hình như ông muốn trả tiền cà phê, nhưng cô khoát tay:

-        Thưa ông, lâu nay không thấy đến?

Người đàn ông chớm đứng lên, nhưng lại ngồi xuống, ông nói như không phải để trả lời câu hỏi của cô.

-        Tôi đi tìm suốt một tuần nay, không biết tôi đã đánh rơi cuốn nhật ký ở đâu.

Người đàn bà giật mình choàng tĩnh, bà lắp bắp vội vã.

-        Nhật ký hả? Nhật ký hả?

Bà vội chạy ra xe…

Trong quán, người ta nghe một tiếng rít ghê rợn của một chiếc ô tô thắng gấp và tiếng hét thất thanh của người đàn bà. Cô chủ quán vội chạy ra. Cả thân hình bà nằm dưới gầm xe, cô chạy tới, một dòng máu chảy ra từ ngực bà, nhưng khi cô đến, đôi mắt bà vẫn mở và rất sáng, như một tia hy vọng đã bừng lên.

-        Trời ơi, bà có sao không?

Bà nói, giọng đứt quảng.

-        Cuốn nhật ký trong xe, cô lấy trao cho ông ấy.

Sau khi người ta khiêng người đàn bà đặt vào xe đưa đi cấp cứu, cô cầm cuốn sổ đã sần gáy quay vào quán, nhưng người đàn ông đã bỏ đi từ lúc nào.

27/5/1997 – Đà Lạt.


No comments:

Nhớ màu hoa cũ

NHỚ MÀU HOA CŨ   Rất lẻ loi một đóa hoa vàng Nở muộn bên đường chiều đang sương Có người chợt nhớ mùa thu trước Hoa cài lên tóc còn ươm h...