Saturday, September 12, 2020

Bình thơ: Lê Văn Trung Cát Bụi Phận Người - Như Không

 LÊ VĂN TRUNG : CÁT BỤI PHẬN NGƯỜI

-Như Không-

…Ngồi uống rượu một mình đọc thơ anh vừa tặng. Lúc đó đâu khoảng 11 giờ đêm. Không nhớ đã đọc bài gì nhưng không kìm được, tôi điện cho anh. Lòng cứ thấp thỏm sợ phiền anh vì cũng đã khuya. Chỉ muốn tham khảo ý kiến anh về tựa đề cho bài viết vì càng đọc càng thấy khó, không biết phải nói về anh như thế nào. Thơ có thể rất trừu tượng nhưng thật ra thơ cũng chính là máu huyết, là tinh túy của người viết. Một cảm xúc không thật, một nội tâm không …lắm nỗi “đa đoan" thì thơ cứ nhàn nhạt, vô hồn, bài nào cũng như bài nào. Viết về Lê theo cảm nhận của mình thực không dễ. Thơ anh không có những “trọng tâm" như tình yêu trong thơ Hoàng Lộc. Khác với một Thiếu Khanh chừng mực, câu chữ trang nhã và đằm thắm, cũng không bạt mạng, bất cần kiểu Hồ Chí Bửu hay phảng phất hảo hán như Hạ Quốc Huy. Thơ anh cũng không mang nét phóng khoáng, không còn “nệ" từ ,“nệ" vần như thơ Luân Hoán. “Kiếm chiêu" khác với “kiếm ý", Luân Hoán làm thơ như một cao thủ còn luyến tiếc chút gió bụi giang hồ nên trở lại sân chơi xưa với phong cách rất ung dung. Theo tôi, có lẽ nhà thơ Lê văn Trung gần với Nguyễn Bắc Sơn nhất, anh nhìn thấy, cảm nhận và chiêm nghiệm một cách nhẫn nại và chịu đựng theo cách của anh:
“Đôi khi muốn lột trần truồng
Đời anh
Để tự mình nhìn thấy
Tận đáy
Hư không
Để tự mình nhìn thấy
Một chấm sáng mong manh
Để nhận ra
Điều không thể nhận ra
Nếu còn che đậy
Cái vỏ ảo tưởng của kiếp người
Bé nhỏ
……………………………….
Hỡi ơi da thịt của chiều
Chút hương sắc cũ còn heo hắt về
(Bi khúc – LVT)
Câu thơ "Cái vỏ ảo tưởng của kiếp người...". làm tôi có cảm giác Lê dị ứng với những vòng nguyệt quế các loại các thứ dù thật hay giả. Tôi hình dung một Lê trầm lặng, im lìm chịu đựng những nỗi đời của riêng mình và sẽ cười, sẽ nói rất qua loa khi có người hỏi han. Anh lặng lẽ với mình và với đời. Nhưng trong anh vẫn âm thầm những nhu cầu như bất cứ một người nào khác, nhu cầu được chấp nhận và chia sẻ với những tâm hồn đồng điệu:

“Xa nhau nhỡ một câu chào
Mai sau ta biết tìm đâu dấu người
Chút hương đọng lại bên đời
Vàng phai bóng nguyệt tận trời u mê"

Những truân chuyên trong cuộc sống đẩy anh đi xa. Một ngày về thăm bạn cũ, anh bàng hoàng nhận ra biết bao nhiêu nước đã chảy qua cầu từ ngày xa xứ:

“ Rồi biệt hơn mười năm trở lại
Cây quít ngày xưa cao quá đầu
Bạn ta giờ đã già hơn trước
Mưa nắng thời gian tóc đổi màu
Bạn vẫn nhìn ta cười kiêu bạc
Áo cơm dày dạn cuộc phong trần
………………………………
Giã bạn ta đi lòng nhủ thầm
Mai sau biết có một lần thăm (?)
Chắc gì gặp lại - đời tro bụi
Ai lót cho ai một chỗ nằm.
( Gặp bạn- tặng Hạ Đình Thao-Thơ L.V.T. )

Câu thơ cuối bùi ngùi quá đỗi. Ai đi trước ai, ai “lót chỗ nằm" cho ai làm sao mà biết được! Tuổi đời và cái lẽ vô thường trong cuộc sống làm Lê độ lượng hơn. Anh không đòi hỏi gì nhiều nơi người khác. Với anh đó là một thái độ, một cung cách sống. Đòi hỏi mà làm gì, mà làm sao đòi hỏi được khi mà những kỳ vọng trong đời anh đã va chạm quá nhiều với những vô chừng trong lòng người? Thế nên lòng mong mỏi của anh nơi người khác bỗng dưng khiêm tốn một cách đáng thương nhưng cũng chính sự khiêm tốn đó thể hiện được cái “ngộ" của anh, thể hiện sự độ lượng nơi anh với cuộc đời:

“Em đến cùng ta cho có bạn
Để rót dùm nhau ly rượu buồn
Dù chẳng thương gì tên mạt vận
Còn hơn hoài phí tuổi thanh xuân
………………………………..
Ta nay rượu chỉ vài chung nhỏ
Tình chỉ dăm câu cũng ấm lòng”
(Những bài thơ tình viết muộn- Thơ L.V.T.)

…Nghe giống như người khách đêm nào ghé lại bến sông Tầm Dương chia sẻ nỗi truân chuyên của đời mình trong tiếng đàn Tỳ Bà với người kỹ nữ. Họ cùng với nhau một đêm trên sông, như những mảnh bèo trôi dạt giữa dòng đời, hợp chỉ để rồi tan:

“Đầy vơi mấy chén thăng trầm
Đục trong mấy chén hợp tan bọt bèo"
(Từ Hải mời rượu Thúy Kiều- Thơ L.V.T.)

Lê cũng như người khách ghé lại một đêm trên thuyền. Giữa dòng nước bạc loang loáng màu trăng trên sông, trong tiếng Tỳ Bà dìu dặt, “bốn dây như khóc như than", họ ghé lại đời nhau, chia nhau chung rượu chỉ một đêm tri kỷ, cái ngày mai mù mịt của một đời trôi nổi chẳng biết về đâu:

“Hãy uống cùng ta cho có bạn
Gặp đây hồ dễ gặp ngày mai
Ngày mai ta biết về đâu nhỉ
Ta biết về đâu gió bụi này ?! “
(Rượu giang hồ- Thơ L.V.T.)

Hình như người nào làm thơ cũng đều có chút duyên với rượu. Tương truyền Lý Bạch lên mười tuổi chưa hề mở miệng nói câu nào. Gia đình lo lắng không biết “thằng nhỏ" có bị câm không. Đến khi được người cha làm quan dẫn lên một chiếc đài cao trong cung điện của Vua mới thình lình buột miệng:

“Nguy lâu cao bách xích
Thủ khả trích tinh thần
Bất cảm cao thanh ngữ
Khủng kinh thiên thượng nhân"
(Lên lầu cao trăm trượng
Vói tay hái được sao
Chỉ sợ nói lớn tiếng
Kinh động tiên trên cao )

Lý Bạch suốt đời say sưa trong thế giới của ông, thế giới của thơ và rượu. Như khá nhiều những người làm thơ hậu sinh hôm nay.

Tôi nghĩ rằng những người làm thơ đều có một nỗi bất hạnh chung trong cái thế giới của mình. Họ quá nhạy cảm với những biến động chung quanh. Sự im lặng nhẫn nại của họ cũng là một cách phản ứng, một thái độ trong cuộc sống. Sự im lặng chín muồi để chắt lọc ra những câu thơ gởi gắm hết nỗi lòng mình. Nhưng một lúc nào đó lại đột nhiên nhận ra nỗi trống vắng trong đời mình:

“ Lòng cứ tưởng kiến tha lâu đầy tổ
Ta một đời tha mãi sợi tình không “
(Những bài thơ tình viết muộn – Thơ L.V.T.)
Lê “tha mãi sợi tình không" của mình cũng như Nguyễn Bắc Sơn “tưởng vậy mà không phải vậy":

“ Vì đàn bà người nào cũng như người nấy
Nên ta bảo mình thôi hãy quên em
Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy
Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên"
(Mai sau dù có bao giờ - Thơ Nguyễn Bắc Sơn)

Trong khi Nguyễn Bắc Sơn “sặc máu" trong thơ anh với người cha đi làm cách mạng, với ước mơ cõi đời tốt đẹp hơn thì kết quả ngược lại:

“Bố tôi ước mơ làm loài người sung sướng
Nên thế là ông từ giã tuổi Xuân
Cùng bạn bè đi làm Cách Mạng
Ông càng làm Cách Mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu
……………………………………
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người xấu xa chừng nấy “
(Chuyện hai bố con tôi – Thơ Nguyễn Bắc Sơn)

Thì Lê Văn Trung cũng vậy:

“Cõi tự do- cõi tù đày
Cái vinh cái nhục vơi đầy bể dâu"
(Ta vẫn đợi chờ - Thơ L.V.T.)

Những người làm thơ đều có một hành trình của riêng họ và mỗi người đi theo những cách khác nhau. Tất cả đều khao khát sự toàn thiện, cái đẹp vĩnh cửu trong cuộc đời. Hóa ra đó toàn là những thứ viễn vông xa xỉ:

“Ta đi tìm cái thật gần
Đưa tay chạm cõi phù vân tưởng là
Ta đi tìm cái rất xa
Lời vô âm vọng buồn qua kiếp người"
(Làm sao gặp cái vô cùng – Thơ L.V.T.)

Những người làm thơ suốt đời lận đận với chữ tình. Lê cũng vậy:

“Thơ như chén rượu đời oan nghiệt
Uống mãi mà không cạn nỗi sầu
Ta đi trăm nẻo đường xuôi ngược
Trời đất chưa tàn cuộc bể dâu
Trở lại vườn xưa tìm lối cũ
Thềm rêu mờ nhạt dấu chân người
Sau hè cây khế hoa tàn rũ
Rụng tím như còn thương nhớ ai"
(Tứ tuyệt- L.V.T.)
Nghe phảng phất câu thơ cổ:

“Cử bôi tiêu sầu sầu miên sầu"

mà cũng phảng phất như ngày Kim Trọng về lại chốn cũ để tìm lại người yêu dấu xưa:

“Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người..."
(Kiều- Nguyễn Du)

Trong cuộc đời rất dài mà rất ngắn này, số phận mỗi người mỗi khác. Những người làm thơ,trong đó có Lê cũng chung một mẫu số: Họ tin nơi cái đẹp vẫn còn đâu đó trong lòng người. Những đảo điên thời cuộc hiện nay, vào thời điểm mà sự gian trá làm đảo lộn tùng phèo mọi thứ thì trong Lê vẫn leo lét một niềm tin nhân hậu và thánh thiện:

“Em lẩn khuất khắp thiên đường địa ngục
Ta buồn tênh ngồi đợi giữa trần gian
Cành hoa chết trên tay người buổi ấy
Vẫn còn nguyên dòng lệ ấm vô cùng…”
(Tưởng niệm- L.V.T.)

Dẫu thiên đường hay địa ngục, dẫu “ đóa hoa thạch thảo “ đã chết trong mùa Thu ngày nọ (Thơ Apolinaire) thì “dòng lệ ấm" vẫn còn nguyên với Lê như anh đã tìm thấy trong đời mình.

Tôi có đọc đâu đó có một câu thế này: “Những tác phẩm nghệ thuật chân thực thường có tính kích thích những sáng tạo khác bắt nguồn từ chính tác phẩm nghệ thuật đó". Tôi tin rằng những bài thơ của Lê Văn Trung cùng một số các tác giả khác – tương đối hiếm hoi – hiện nay, vào một ngày nào đó, khi những giá trị chân thực của nghệ thuật được nhìn nhận đúng theo chân giá trị của nó sẽ còn tồn tại lâu dài trong thi ca của chúng ta hiện nay.
Viết tặng nhà thơ Lê Văn Trung như một đồng cảm với những bài thơ và tập thơ mà anh gửi tặng.
Như Không
9/2016.

No comments:

Nhớ màu hoa cũ

NHỚ MÀU HOA CŨ   Rất lẻ loi một đóa hoa vàng Nở muộn bên đường chiều đang sương Có người chợt nhớ mùa thu trước Hoa cài lên tóc còn ươm h...