Hương đêm - Huyền ca 6 – Mưa trong vườn
chiêm bao – Giấc mơ Dã Quỳ - Quá giang – Nếu một ngày không có em – Cho tôi
về lại ngày xưa ấy – Ta về không kịp chuyến trăm năm 1 - Sông chảy về đâu - Ta về không kịp chuyến trăm năm 2 – Ta về trắng cả
hai tay – Trở về - Giấc mơ màu xanh nước biển – Chỉ còn lại thơ – Những dòng
sông em và tôi – Rượu nào chảy mãi chiếc ly không – Nắng mai – Rượu đời ta hay
lệ của người – Mưa Quy Nhơn - Phụ lục
HƯƠNG ĐÊM
Em về sáng một vành trăng
Hồn thu tôi cũng đang rằm vàng ươm
Quỳnh hương! Ồ dạ lan hương!
Hay mùi da thịt chìm sương lụa hồng?
Hồn thu tôi cũng đang rằm vàng ươm
Quỳnh hương! Ồ dạ lan hương!
Hay mùi da thịt chìm sương lụa hồng?
Em về? Ồ không! Ồ không!
Chỉ là mơ, chỉ là mong, ảo huyền!
Chỉ là mây quyện vào đêm
Chỉ là gió nhẹ lay mềm câu thơ
Chỉ là sợi khói giăng tơ
Chỉ là men ủ từ hồ rượu thu
Chỉ là mơ, chỉ là mong, ảo huyền!
Chỉ là mây quyện vào đêm
Chỉ là gió nhẹ lay mềm câu thơ
Chỉ là sợi khói giăng tơ
Chỉ là men ủ từ hồ rượu thu
Em về? Về đâu? Về đâu?
Mà thơ tôi trải nghìn câu ngọc ngà
Bước chân em nhẹ như là
Mùi hương cổ tích mượt mà vườn đêm.
Mà thơ tôi trải nghìn câu ngọc ngà
Bước chân em nhẹ như là
Mùi hương cổ tích mượt mà vườn đêm.
Lê Văn Trung
HUYỀN CA 6
6.
a/
tôi đang mưa với Sài Gòn
em đâu đó có lạnh buồn theo mưa
bây giờ, Quảng Ngãi, sớm, trưa
tóc xưa trong gió đã vừa chớm thu
tóc xưa trong gió đã vừa chớm thu
tôi đang mưa với mịt mù
em đâu đó có đợi chờ ai không
Trần Hưng Đạo hay Quang Trung
ai qua Cống Kiểu có cùng tôi nghe
Trần Hưng Đạo hay Quang Trung
ai qua Cống Kiểu có cùng tôi nghe
tiếng buồn mưa chạm cơn mê
tôi Sài Gòn ướt trăm bề nhớ quên.
b/
Quãng Ngải tôi về mưa rất nhẹ
Đường không xa không cách núi ngăn đèo
Mà xa hút trong bóng chiều quạnh quẽ
Áo vàng thu chìm khuất giữa chiêm bao
Lê Văn Trung
MƯA TRONG VƯỜN CHIÊM BAO
Vàng cả một mùa thu
Mà tình chưa về kịp
Dã Quỳ ơi Dã Quỳ
Đau linh hồn Đà Lạt
Mưa vườn tôi mỏng quá
Nhẹ như chiều đang rơi
Như em về giữa mộng
Mưa mềm thơm đôi môi
Nhẹ như chiều đang rơi
Như em về giữa mộng
Mưa mềm thơm đôi môi
Mưa lay vàng trên lá
Mưa ôm choàng áo hoa
Mưa nhiệm mầu một đóa
Trên da chiều em qua
Mưa ôm choàng áo hoa
Mưa nhiệm mầu một đóa
Trên da chiều em qua
Mưa vườn tôi mỏng quá
Em về như chiêm bao
Bàn chân mưa ngà ngọc
Từng bước tình xôn xao
Em về như chiêm bao
Bàn chân mưa ngà ngọc
Từng bước tình xôn xao
Em qua chiều mưa nhẹ
Tôi mưa hoài trong mơ
Ngàn năm sau còn đó
Giọt mưa tình trong thơ.
Tôi mưa hoài trong mơ
Ngàn năm sau còn đó
Giọt mưa tình trong thơ.
Lê Văn Trung
GIẤC MƠ DÃ QUỲ
Vàng cả một mùa thu
Mà tình chưa về kịp
Dã Quỳ ơi Dã Quỳ
Đau linh hồn Đà Lạt
Thôi thì thôi đành vậy
Xanh giùm tôi thông ngàn
Mùa vàng tôi trở lại
Tạ nhau tình chưa tan
Xanh giùm tôi thông ngàn
Mùa vàng tôi trở lại
Tạ nhau tình chưa tan
Thôi thì thôi đành vậy
Góc quán cafe Tùng
Tôi tìm hoài không thấy
Bóng hồ chiều rưng rung
Góc quán cafe Tùng
Tôi tìm hoài không thấy
Bóng hồ chiều rưng rung
Thôi thì thôi đành vậy
Phượng tím níu tay người
Bài huyền ca trôi mãi
Tận phương chiều xa xôi
Phượng tím níu tay người
Bài huyền ca trôi mãi
Tận phương chiều xa xôi
Vàng cả một hồn thu
Mà tình chưa về kịp
Dã Quỳ ơi Dã Quỳ
Tan giấc mơ hồ điệp.
Mà tình chưa về kịp
Dã Quỳ ơi Dã Quỳ
Tan giấc mơ hồ điệp.
Lê Văn Trung
QUÁ GIANG
Tôi quá giang một nỗi buồn
Cho tôi về tận suối nguồn nhân gian
Cho tôi tắm gió mây ngàn
Cho tôi về thuở chưa tàn giấc mơ
Cho tôi về tận suối nguồn nhân gian
Cho tôi tắm gió mây ngàn
Cho tôi về thuở chưa tàn giấc mơ
Tôi quá giang vài câu thơ
Cho tôi về thuở còn chờ đợi em
Thuở tình chưa gọi bằng tên
Mà bâng khuâng mà nhớ quên bạc lòng
Cho tôi về thuở còn chờ đợi em
Thuở tình chưa gọi bằng tên
Mà bâng khuâng mà nhớ quên bạc lòng
Tôi quá giang chiếc lá vàng
Về trong nắng nhuộm sương tan trắng chiều
Về trong hoang vắng tịch liêu
Nghe tình thu đã ít nhiều phôi pha
Về trong nắng nhuộm sương tan trắng chiều
Về trong hoang vắng tịch liêu
Nghe tình thu đã ít nhiều phôi pha
Xin quá giang một lời ca
Em đang ru mãi thiết tha cõi người
Rồi thôi, ngồi lại mình tôi
Và chôn kín nỗi ngậm ngùi cùng thơ.
Em đang ru mãi thiết tha cõi người
Rồi thôi, ngồi lại mình tôi
Và chôn kín nỗi ngậm ngùi cùng thơ.
Lê Văn Trung
Thơ tôi chỉ là những xác tình rêu phủ
Và hồn tôi là miếu đền hoang phế
Bụi tro tàn chôn úa một màu tang
Nếu một ngày không có em, dẫu địa ngục thiên đàng
Cũng vô nghĩa như trần gian nghìn năm u tối
Sẽ tắt hết những vì sao, những thiên hà tàn rụi
Và mắt tình vỡ lệ chảy trường giang
Nếu một ngày không có em múa trong tim thơ cũng sẽ úa vàng
Như rừng chết trút linh hồn cổ thạch
Như suối chết khô cả giòng tinh huyết
Thơ như chim đại bàng gãy cánh thảng thốt tiếng bi thương
Nếu một ngày không có em đìu hiu một góc giáo đường
Câu kinh nguyện, tiếng chuông chiều vắng lặng
Và em hỡi giữa trùng dương hoang lạnh
Linh hồn thơ trôi giạt đến vô cùng
Nếu một ngày không có em từng viên sỏi cũng cô đơn
Từng sợi nắng cũng lạc loài giữa thu vàng vời vợi
Không có em thơ chỉ là bóng tối
Một ngàn năm hóa thạch lạnh trong mồ
Lê
Văn Trung
CHO TÔI VỀ LẠI NGÀY XƯA ẤY
Cho tôi về lại ngày xưa ấy
Đôi mắt huyền mơ đôi mắt huyền
Cô nhớ không cô vườn xanh ngọc
Tóc vờn trong lá tóc thơm hương
Đôi mắt huyền mơ đôi mắt huyền
Cô nhớ không cô vườn xanh ngọc
Tóc vờn trong lá tóc thơm hương
Cô nhớ không cô chiều tan học
Tay ôm cặp vở lòng đầy thơ
Môi thơm nở thắm nghìn câu hát
Cô hát hay là cô đang mơ
Tay ôm cặp vở lòng đầy thơ
Môi thơm nở thắm nghìn câu hát
Cô hát hay là cô đang mơ
Cô nhớ không cô có một người
Âm thầm buồn, nhìn cô đang vui
Cô vô tư quá, ngây thơ quá
Không thấy chiều rơi trong mắt tôi
Âm thầm buồn, nhìn cô đang vui
Cô vô tư quá, ngây thơ quá
Không thấy chiều rơi trong mắt tôi
Không thấy hồn tôi từng nhịp vỡ
Theo làn tóc nhẹ run trên vai
Không thấy hoa lòng tôi chớm nở
Theo tà áo trắng mây bay bay
Theo làn tóc nhẹ run trên vai
Không thấy hoa lòng tôi chớm nở
Theo tà áo trắng mây bay bay
Cho tôi về với ngày xưa ấy
Cô bé thiên thần trong cơn mơ
Cô nhìn đâu hỡi mà không thấy
Linh hồn tôi đấy một vườn thơ.
Cô bé thiên thần trong cơn mơ
Cô nhìn đâu hỡi mà không thấy
Linh hồn tôi đấy một vườn thơ.
Lê Văn Trung
TA VỀ KHÔNG KỊP CHUYẾN TRĂM NĂM 1
Ta về không kịp chuyến trăm năm
Vườn phủ sương phai cỏ úa vàng
Em bỏ bờ xưa quên bến cũ
Câu thề chưa hẹn, tình sang ngang
Ta biết xa là xa vời vợi
Tình chỉ như mây giạt cuối trời
Tình chảy theo trăm dòng sông lạ
Ta chảy về đâu mà ngậm ngùi
Tình chỉ như mây giạt cuối trời
Tình chảy theo trăm dòng sông lạ
Ta chảy về đâu mà ngậm ngùi
Ta về không kịp, không về kịp
Lòng bỗng chao nghiêng một bóng thuyền
Ta đứng bên bờ trông vòi või
Lặng chìm trong sóng bóng chiều nghiêng
Lòng bỗng chao nghiêng một bóng thuyền
Ta đứng bên bờ trông vòi või
Lặng chìm trong sóng bóng chiều nghiêng
Sông của ngày xưa là sông cũ
Bến của ngày xưa là bến xưa
Sông với ta buồn như sóng vỗ
Bến với ta buồn đêm nguyệt mờ
Bến của ngày xưa là bến xưa
Sông với ta buồn như sóng vỗ
Bến với ta buồn đêm nguyệt mờ
Ta về không kịp, về không kịp
Nghe tiếng trăm năm rụng nhị hồ
Nghe tiếng đời ta sầu lớp lớp
Lặng chìm trong tận đáy hư vô.
Nghe tiếng trăm năm rụng nhị hồ
Nghe tiếng đời ta sầu lớp lớp
Lặng chìm trong tận đáy hư vô.
Lê Văn Trung
SÔNG CHẢY VỀ ĐÂU
Lênh đênh nhánh lục bình đau
Tình trăm năm nhuộm một màu tím trôi
Sáo ơi! Lẽ bạn! Xa đàn!
Tiếng kêu rụng xuống bến hoàng hôn xưa
Cuối cùng! Sông chảy về đâu?
Ngồi nghe sông kể ngàn câu chuyện tình
Lặng trong sóng ngậm ngùi riêng
Chìm trong cát nỗi nhớ quên ngọt ngào
Ngồi nghe sông kể ngàn câu chuyện tình
Lặng trong sóng ngậm ngùi riêng
Chìm trong cát nỗi nhớ quên ngọt ngào
Lênh đênh nhánh lục bình đau
Tình trăm năm nhuộm một màu tím trôi
Cuối cùng! Sông chảy về đâu?
Ngồi nghe sông kể ngàn câu chuyện buồn
Ngồi nghe sông kể ngàn câu chuyện buồn
Sáo ơi! Lẽ bạn! Xa đàn!
Tiếng kêu rụng xuống bến hoàng hôn xưa
Có người trên bến sông mưa
Rót tràn chén RƯỢU GIANG HỒ (*) buồn tênh!
Rót tràn chén RƯỢU GIANG HỒ (*) buồn tênh!
Lê Văn Trung
(*) Tựa một bài thơ của tác giả
(*) Tựa một bài thơ của tác giả
Chìm khuất tuổi xa người
Cơn mơ tình hoạn nạn
Tàn phai cùng tàn phai
Ta trở về không kịp
Ta một đời muộn màng
Trên bến chiều hiu hắt
Giọt nắng buồn chưa tan
Ta trở về không kịp
Năm mươi năm ngậm ngùi
Người mịt mờ xa khuất
Đành đoạn lời chia phôi
Ta trở về không kịp
Con đường vàng nắng thu
Lòng xưa vàng cuối phố
Tình xưa vàng trang thơ
Ôi! Ta về không kịp
Thôi đành! Không kịp về
Đành thôi! Ngàn muôn kiếp
Mây trắng tình trăng bay
Lê văn Trung
TA VỀ TRẮNG CẢ HAI TAY
Ta về trắng cả hai tay
Gánh đời nghiệng nặng bờ vai muộn phiền
Ta về trắng cuộc tình duyên
Phố xa lạ phố, người quên, lạ người
Sầu chao nghiêng mái hiên đời
Sầu rơi như chiếc lá bùi ngùi rơi
Ta về tàn cuộc rong chơi
Chuyến tàu muộn
Không còn ai
Ga buồn
Ta về lỡ cuộc trăm năm
Lối xưa vàng úa tím bầm dấu rêu
Nhói lòng buốt một tiếng kêu
Nghe rơi rụng cả bóng chiều đời ta
Lê Văn Trung (Trích Thu Hoang Đường)
TRỞ VỀ
Không trở về là lỗi với trăm năm
Ta rót nốt chén rượu đời cay nghiệt
Sẽ một mình ta trên chuyến tàu thứ nhất
Một mình ta hun hút dặm trường xa
Về gọi hết những màu thu vàng óng
Ta dệt lời nhung lụa viết nên thơ
Về gọi hết những chiều tơ biếc mộng
Những sợi tình đan thắm suối nguồn mơ
Không trở về là lỗi với trăm năm
Ta rót nốt chén rượu đời cay nghiệt
Sẽ một mình ta trên chuyến tàu thứ nhất
Một mình ta hun hút dặm trường xa
Ta về như kẻ lưu phương tìm kiếm một quê nhà
Tìm kiếm lại một mối tình đã đành cam để mất
Tìm kiếm một hoàng hôn mây chìm trong mắt
Tìm lại vườn xưa xanh biếc tóc hoang đường
Ta trở về tìm kiếm từng giọt sương
Từng sợi nắng ẩn chìm trong áo lụa
Tìm kiếm lại một mối tình đã đành cam để mất
Tìm kiếm một hoàng hôn mây chìm trong mắt
Tìm lại vườn xưa xanh biếc tóc hoang đường
Ta trở về tìm kiếm từng giọt sương
Từng sợi nắng ẩn chìm trong áo lụa
Ta sẽ trở về như một lời tuyên hứa
Khấn trọn đời cho vẹn nghĩa trăm năm
Dù trăng ngày xưa chừ đã phai rằm
Dù áo tình xưa nhạt nhàu năm tháng
Dù bước tình xưa lạc dần vào quên lãng
Khấn trọn đời cho vẹn nghĩa trăm năm
Dù trăng ngày xưa chừ đã phai rằm
Dù áo tình xưa nhạt nhàu năm tháng
Dù bước tình xưa lạc dần vào quên lãng
Ta trở về như định mệnh đời ta
Ta trở về réo gọi giữa bao la
Tìm kiếm khổ đau trong nguồn hạnh phúc
Tìm kiếm bể dâu trong cái còn cái mất
Như mối tình chìm nỗi mấy mươi năm
Ta trở về réo gọi giữa bao la
Tìm kiếm khổ đau trong nguồn hạnh phúc
Tìm kiếm bể dâu trong cái còn cái mất
Như mối tình chìm nỗi mấy mươi năm
Ta trở về tạ lỗi với trăm năm.
Lê Văn Trung
GIẤC MƠ MÀU XANH NƯỚC BIỂN
Ta dệt lời nhung lụa viết nên thơ
Về gọi hết những chiều tơ biếc mộng
Những sợi tình đan thắm suối nguồn mơ
Ôi cơn gió lãng du qua miền tuổi dại
Ta lãng du qua đời em trọn buổi xuân thì
Em xanh quá cho ta nhìn không thấy
Cho ta nhìn không thấy áo hoa bay
Ta lãng du qua đời em trọn buổi xuân thì
Em xanh quá cho ta nhìn không thấy
Cho ta nhìn không thấy áo hoa bay
Em xanh quá ươm màu xanh của biển
Sóng tình ru dìu dặt giấc mơ trầm
Em xanh quá ta mơ hoài không đến
Ta mơ hoài màu - áo - mộng - giai – nhân
Sóng tình ru dìu dặt giấc mơ trầm
Em xanh quá ta mơ hoài không đến
Ta mơ hoài màu - áo - mộng - giai – nhân
Về gọi hết những màu thu huyền thoại
Những lời thu vàng thắm cả chiêm bao
Ta sẽ vẽ lên môi tình mời gọi
Linh hồn thơ đẫm hương mật ngọt ngào
Những lời thu vàng thắm cả chiêm bao
Ta sẽ vẽ lên môi tình mời gọi
Linh hồn thơ đẫm hương mật ngọt ngào
Về đây nhé; cho áo người xanh mãi
Cho tình người xanh suốt cõi trăm năm
Cho lệ người rơi như từng nốt nhạc
Trong hồn ta trầm lặng tiếng dương cầm.
Cho tình người xanh suốt cõi trăm năm
Cho lệ người rơi như từng nốt nhạc
Trong hồn ta trầm lặng tiếng dương cầm.
Lê Văn Trung
CHỈ CÒN LẠI THƠ
Hồn cổ thạch cũng rêu bầm năm tháng
Còn đau gì chuyện bãi bể nương dâu
Có đi tới cuối chân trời vô hạn
Lòng vẫn đau từng giọt máu ban đầu
Còn đau gì chuyện bãi bể nương dâu
Có đi tới cuối chân trời vô hạn
Lòng vẫn đau từng giọt máu ban đầu
Nếu phải vác một nghìn cây thập giá
Nếu phải ngàn lần lên đồi Golgotha
Ôi thi sỹ! Ngươi chỉ là rơm rạ
Ngươi chỉ là giọt lệ nở thành hoa
Nếu phải ngàn lần lên đồi Golgotha
Ôi thi sỹ! Ngươi chỉ là rơm rạ
Ngươi chỉ là giọt lệ nở thành hoa
Nếu phải sống trong vòng tay quỹ dữ
Nếu phải chìm trong giấc mộng yêu ma
Ôi thi sỹ! Ngươi chỉ là cây cỏ
Hãy xanh vì hạnh phúc quá bao la
Nếu phải chìm trong giấc mộng yêu ma
Ôi thi sỹ! Ngươi chỉ là cây cỏ
Hãy xanh vì hạnh phúc quá bao la
Chúa chẳng thể. Ta cũng đành không thể
Ngăn dòng sông mà không vỡ đôi bờ
Chúa không thể. Dù ơn Người! Tận thế!
Chỉ còn thơ. Vĩnh cửu một hồn thơ
Ngăn dòng sông mà không vỡ đôi bờ
Chúa không thể. Dù ơn Người! Tận thế!
Chỉ còn thơ. Vĩnh cửu một hồn thơ
Vườn đá tảng (*) ôi thơ! Vườn đá tảng
Một ngày kia thơ hóa thạch trong mồ
Em dẫu đến, dẫu đi, dù quên lãng
Một ngàn năm THƠ mãi sáng như THƠ
Một ngày kia thơ hóa thạch trong mồ
Em dẫu đến, dẫu đi, dù quên lãng
Một ngàn năm THƠ mãi sáng như THƠ
Lê Văn Trung
(*) Vườn Đá Tảng tên một tác phẩm văn học nước ngoài
NHỮNG DÒNG SÔNG TÔI VÀ EM
Dòng sông nào chảy qua tôi
Là dòng sông chảy ngậm ngùi trong thơ
Bóng tôi và bóng con đò
Bóng trăng lạnh phía mịt mờ bóng chim
Dòng sông nào chảy qua em
Là dòng sông của nhớ quên chập chùng
Bóng em và bóng mây buồn
Cứ trôi phiền muộn qua hồn sông trôi
Những dòng sông chảy qua tôi
Chở vào ảo vọng qua đời tàn phai
Hoang vu lau sậy hao gầy
Có nghe sóng gọi bên này bờ quên
Những dòng sông chảy qua em
Chở vào bèo bọt nổi chìm đời nhau
Sông ơi sông chảy về đâu
Mà chưa qua hết bể dâu cuộc tình
Lê Văn Trung
RƯỢU NÀO CHẢY MÃI CHIẾC LY KHÔNG
Chưa rót mà sao lòng đã cạn
Ta ngồi soi bóng chiếc ly không
Em ướp tàn phai vào viễn mộng
Ta uống tàn phai mà buốt lòng
Ta rót trăm năm! Hề! Dỡ dang
Ta uống trăm năm! Hề! Muộn màng
Ôi hồn ta vỡ như ly vỡ
Ôi lòng ta tan như mây tan
Ta uống trăm năm! Hề! Muộn màng
Ôi hồn ta vỡ như ly vỡ
Ôi lòng ta tan như mây tan
Trăng xưa đã khuyết, vành trăng bạc
Tình ta chưa khuyết đành phôi phai
Rượu chảy qua đời ta hoạn nạn
Rượu chảy qua đời ta thiên tai
Tình ta chưa khuyết đành phôi phai
Rượu chảy qua đời ta hoạn nạn
Rượu chảy qua đời ta thiên tai
Chưa rót, tình ơi! Đừng rót cạn
Ta còn mơ mãi một cơn say
Ta còn đau với ngàn cơn mộng
Tình ơi! Ly vỡ! Rượu chưa đầy
Ta còn mơ mãi một cơn say
Ta còn đau với ngàn cơn mộng
Tình ơi! Ly vỡ! Rượu chưa đầy
Ta rót trăm năm! Hề! Ly không
Ta uống trăm năm! Hề! Đắng lòng
Em có vì ta mà đập vỡ
Ly đời ta, rượu chảy vô cùng
Ta uống trăm năm! Hề! Đắng lòng
Em có vì ta mà đập vỡ
Ly đời ta, rượu chảy vô cùng
Lê Văn Trung
NẮNG MAI
Nắng vội quá! Nhuộm vàng hoa hoàng yến
Tôi ngỡ mùa thu vàng áo giai nhân
Tôi ngỡ áo em bay giữa nắng lụa ngần
Ôi nắng sớm lay mùa thu ngủ muộn
Tôi ngỡ mùa thu vàng áo giai nhân
Tôi ngỡ áo em bay giữa nắng lụa ngần
Ôi nắng sớm lay mùa thu ngủ muộn
Nắng ủ trong sương muôn màu lấp lánh
Nhớ mắt lệ ngời lấp lánh giọt tình tôi
Nắng níu mây qua gió hát bên trời
Nắng ấm môi thơm mật trầm hương ngọc
Nhớ mắt lệ ngời lấp lánh giọt tình tôi
Nắng níu mây qua gió hát bên trời
Nắng ấm môi thơm mật trầm hương ngọc
Từng sợi nắng nở hoa vờn trên tóc
(Ôi tóc thiên thần một thuở rối tình xanh)
Nắng sớm về tỏa ngát sắc hương em
Hồn ướp nắng mà say nồng cơn mộng
(Ôi tóc thiên thần một thuở rối tình xanh)
Nắng sớm về tỏa ngát sắc hương em
Hồn ướp nắng mà say nồng cơn mộng
Hồn ướp nắng mà vàng theo áo mỏng
Áo vàng bay! Vời vợi áo màu thu
Em có về nghe nắng kể cho nhau
Lời tình tự nhiệm mầu câu nhã nhạc
Áo vàng bay! Vời vợi áo màu thu
Em có về nghe nắng kể cho nhau
Lời tình tự nhiệm mầu câu nhã nhạc
Tiếng em hát hay nắng vàng đang hát
Tôi uống từng giọt nắng ướp hương xưa
Ôi nắng vàng! Vàng nhuộm cả cơn mơ
Đừng vội quá! Níu mùa thu ở lại.
Tôi uống từng giọt nắng ướp hương xưa
Ôi nắng vàng! Vàng nhuộm cả cơn mơ
Đừng vội quá! Níu mùa thu ở lại.
Lê Văn Trung (Ngói)
RƯỢU ĐỜI TA HAY LỆ CỦA NGƯỜI
Ôi rượu đời ta em chẳng thể
Uống giùm cho cạn buổi tàn thu
Thì sá gì đâu nghìn giọt lệ
Giam đời ta giữa cõi sa mù
Hạnh phúc chỉ là cơn ảo mộng
Tan như giọt rượu cháy môi tình
Hạnh phúc chỉ là cơn biển động
Ta con thuyền nhỏ giạt lênh đênh
Tan như giọt rượu cháy môi tình
Hạnh phúc chỉ là cơn biển động
Ta con thuyền nhỏ giạt lênh đênh
Ta rót cho đầy ly dỡ dang
Ta uống cho tàn đêm nguyệt tàn
Tình em là một vành trăng ảo
Tình em là một màu mây tan
Ta uống cho tàn đêm nguyệt tàn
Tình em là một vành trăng ảo
Tình em là một màu mây tan
Ta rót cho tràn ly cuối cùng
Ta uống cho cạn dòng tai ương
Mai kia ta gửi hồn sương khói
Rồi cũng tan chìm như khói sương
Ta uống cho cạn dòng tai ương
Mai kia ta gửi hồn sương khói
Rồi cũng tan chìm như khói sương
Em chẳng vì ta mà uống cạn
Ôi đời ta, còn chiếc ly không
Năm mươi năm lòng sầu vô hạn
Năm mươi năm rượu chảy khô dòng
Ôi đời ta, còn chiếc ly không
Năm mươi năm lòng sầu vô hạn
Năm mươi năm rượu chảy khô dòng
Đêm nay ta rót vào vô tận
Rượu đời ta hay lệ của người
Hạnh phúc nổi chìm trong hoạn nạn
Chảy dài trong chén rượu đầy vơi.
Rượu đời ta hay lệ của người
Hạnh phúc nổi chìm trong hoạn nạn
Chảy dài trong chén rượu đầy vơi.
Lê Văn Trung
MƯA QUI NHƠN
Mưa trên môi người như giọt lệ
Mưa trên tóc người như sương phai
Chiều Qui Nhơn mưa như chuyện kể
Mưa hoang đường lụa chảy trên vai
Tôi uống trăm dòng mưa nhớ nhung
Tôi tắm trong dòng mưa ngát hương
Em như cơn gió nghìn phương mộng
Chảy thiết tha trong rượu ướp nồng
Tôi tắm trong dòng mưa ngát hương
Em như cơn gió nghìn phương mộng
Chảy thiết tha trong rượu ướp nồng
Qui Nhơn tàn thu hay vàng đông
Lời mưa như nhạc réo trong hồn
Em rót vào thơ nguồn vi diệu
Em nhuốm tình tôi ngọn lửa hồng
Lời mưa như nhạc réo trong hồn
Em rót vào thơ nguồn vi diệu
Em nhuốm tình tôi ngọn lửa hồng
Mưa ru tình trầm lên vai hương
Mưa thơm tóc chiều mưa Qui Nhơn
Tôi đưa người về mưa rất nhẹ
Mà sao lòng tôi mưa mênh mông.
Mưa thơm tóc chiều mưa Qui Nhơn
Tôi đưa người về mưa rất nhẹ
Mà sao lòng tôi mưa mênh mông.
Lê Văn Trung
PHỤ TRANG
TÌNH BẠN VỚI LÊ VĂN TRUNG
Phạm Văn Nhàn
Vào
trung tuần tháng 7 năm 2017, anh bạn Trần Hoài Thư có ra một thi tập: Vịn
Vào Lục Bát. Trong thi tập này,
phần sau anh Trần Hoài Thư dành riêng viết về những người bạn trong căn nhà ở
Khu Sáu Qui Nhơn với những dòng lục bát, cùng với những người bạn văn nghệ của
anh một thời khốn khó. Trong những bài lục
bát ấy, có Lê Văn Trung …với những câu thơ lục bát rất chân tình. Dù đã trải
qua gần 50 năm. Nhưng, như một kỷ niệm
khó quên mỗi lần nhắc đến. Căn nhà thuê,
chật chội, bẩn thỉu, không ngăn nắp, nhưng đầy ắp tình bạn. Đoạn lục bát trong thi tập mà Trần Hoài Thư
viết về Lê Văn Trung như sau: Em nào hiểu giữa cơn say/ Ta chiêm bao thấy một ngày rất
xa/ Khỏi cần khắc đá lời thơ/ Câu thơ Khu sáu cũng là thiên thu. Hai câu đầu trong bài lục bát này Lê Văn
Trung viết trên vách tường trong căn nhà tôi thuê bằng những cục than hầm từ
ngôi quán của ông ba chủ nhà.
Nói
đến Qui Nhơn trong thời chiến (khoảng năm 1968). Tôi với Trần Hoài Thư là hai
người lính. Anh em cầm bút đổi về Qui Nhơn nhiều cho nên bạn bè cũng khá
đông. Không phải những người lính chúng
tôi quen nhau (hầu hết cầm bút) mà, còn có những người không phải là lính. Như Hoàng Ngọc Châu, Lê Văn Ngân, Nguyễn thị
Thùy Mỵ (Đặng Hòa)… Nhưng không hiểu tại sao giữa tôi với Trần Hoài Thư là hai
người lính bụi lại quen và thân với hai anh chàng văn nghệ: Phạm Cao Hoàng và
Lê Văn Trung. Khi đó Hoàng và Trung là
hai sinh viên của trường Sư Phạm Qui Nhơn đạo mạo, nghiêm chỉnh, vóc dáng của một
người thầy trong tương lại. Không phải chỉ quen qua loa, mà quen thật tình như
anh em trong một nhà. Cái tình thân ấy
ngày càng gắn bó, cho dù hôm nay, đã trải qua gần 50 năm. Tuổi đời chồng chất. Tóc trên đầu đã bạc. Mà, mỗi lần nhắc đến căn nhà trong Khu Sáu ở
Qui Nhơn là phải nói đến những người bạn một thời khốn khó. Ngay cả hôm nay, Thi tập “Vịn Vào Lục Bát” của Trần Hoài Thư
đã phát hành, anh cũng không thể nào quên 4 anh em trong căn nhà thuê ấy. Cùng với những người bạn văn nghệ ghé đến rồi
đi.
Nói
đến nhà thơ Lê Văn Trung, theo tôi thì phải nói đến nhà thơ Phạm Cao Hoàng; Vì
Trung và Hoàng là hai người đồng môn. Học
một khóa Sư Phạm. Khi nói đến Hoàng và
Trung không thể nào không nói đến Trần Hoài Thư. Tôi đã bụi mà Trần Hoài Thư còn bụi hơn
tôi. Hai người lính bụi gặp hai anh
chàng sinh viên Sư Phạm này có lẽ hạp nhãn hay sao mà gắn bó như keo cho đến
hôm nay. Dù người ở bờ Đông. Kẻ ở bờ
Tây. Sau năm 1969, tôi xa ba người bạn của tôi. Phạm Cao Hoàng tôi còn gặp ở
Phan Thiết mỗi lần về phép. Lê Văn Trung đổi ra Quảng Ngãi, Trần Hoài Thư đổi
vô Miền Tây Nam Bộ. Dù xa nhau, nhưng mỗi
khi gặp nhau là nói đến nhau, nói đến căn nhà trong Khu Sáu Qui Nhơn năm nào.
Năm
1970 Lê Văn Trung đổi về Huế. Khi đó
Trung đã lập gia đình. Chị Hiệp. Hai người đã có một cháu gái còn nằm nôi,
trên dãy lầu thuê ở Phú Cam. Tôi đến
thăm. Và Trung là người tham dự ngày vui
của tôi ở Huế.
Sau
này đã trải qua 47 năm (1970 – 2017) Trần Hoài Thư tìm thấy bài thơ: Lời Cảm Ơn
Bạn Bè của lê Văn Trung đi trên Bách Khoa năm 1970 thay mặt tôi để viết nên bài
thơ khi Trung đến dự ngày vui của tôi.
Xin trích đoạn: “Xin cảm ơn bạn bè ta đã tới. Uống chút rượu mừng trong ngày cưới ta. Dù lũ
mày về từ rừng cao núi thẳm. Dù đứa què chân, dù đứa mù lòa…Xin cảm ơn bạn bè
ta lần nữa. Đứa trên đồi cao, đứa dưới chân đèo. Có đứa nào ngày mai làm đám cưới. Không biết bạn bè còn được bao nhiêu”.
Tôi
chưa bao giờ đọc bài thơ này của Trung trong thời gian còn trong quân ngũ. Những người lính như tôi không có nhiều thời
giờ thả rong ở phố thị.
Nhận
được bài thơ từ anh Trần Hoài Thư tìm kiếm trên tạp chí Bách Khoa cũ, lòng tôi
rất cảm động một tình bạn trong căn nhà Khu Sáu Qui Nhơn năm nào. Cùng với bài thơ của Trung, anh Trần Hoài Thư
còn gởi cho tôi một tin vui của bạn bè chúc mừng tôi trên một tạp chí phát hành
ở Sài Gòn: kể từ hôm nay, tôi (PVN) không còn phải ngủ bụi. Tôi vui biết mấy khi có những người bạn văn
nghệ hiểu tôi.
Tháng
9 năm 2001 Thư Quán bản Thảo phát hành. Ba số sau, chúng tôi liên lạc lại được
với các bạn bè cầm bút trong nước viết bài gởi ra cho TQBT. Trong đó có anh Từ Thế Mộng. Bạn bè ai cũng có máy vi tính riêng, anh TTM
thì không. Anh viết thư tay và gởi bài
qua cho tôi (gởi qua đường bưu điện).
Nhiều khi cả tháng tôi mới nhận được thư của anh. Trong những lá thư anh gởi qua, có nói đến Lê
Văn Trung đi làm phụ hồ cho một công ty xây dựng đang công tác tại Phan Thiết. Trung có đến nhà tôi, hỏi thăm tôi. Năm ấy là
năm 2004. Anh Từ Thế Mộng cho Trung biết
gia đình tôi đã đến Mỹ năm 1991.
Thế
rồi, vào năm 2010, lần thứ hai tôi về VN sau đó một năm. Tại nhà Nguyên Minh được tổ chức ra mắt sách
cho ba người: Nguyên Minh, Lê Văn Trung và tôi (PVN). Hai tập truyện và một tập thơ được Nguyên
Minh trình bày trang trọng. Và cũng chính Nguyên Minh là người thuyết minh
trong buổi ra mắt sách hôm đó. Buổi ra mắt
sách gồm khoảng 20 người bạn cầm bút là bạn bè trước 1975.
Lần
đầu tiên sau 1970, tôi gặp Lê Văn Trung cùng với những anh em khác trong đó có
Lê Ký Thương. Chúng tôi ôm nhau từng người. Ứa nước mắt trong ngày gặp lại.
Vào
năm 2014 tháng năm, tôi về thăm nhà và cũng để tham dự ngày giỗ của anh Từ Thế
Mộng, một niềm vui khó tả là ngày đó Thư Ấn Quán in lại tập thơ: Tiếng Thơ Miền
Trung phát hành vào năm 1959, gồm 5 nhà thơ trẻ: Cao Hoàng Nhân, Thanh Nhung,
Thương Nguyệt, Từ Thế Mộng, Võ Thùy Lam.
Tập thơ này tìm được từ một nơi bán giấy vụn mà nhà thơ Lê Ký Thương tìm
và mua lại, gởi qua cho Thư Ấn Quán để tái bản.
Ngày giỗ anh từ Thế Mộng tôi mang về gồm bản gốc và gần 20 tập mới in lại
để trên bàn thờ của anh.
Riêng
tôi rất vui, vì trong ngày giỗ anh Từ Thế Mộng, bạn bè của tôi nghe tôi về, dù ở
xa cũng đến. Như vợ chồng nhà thơ Nguyễn
Dương Quang từ Đà Lạt lái xe xuống. Nhà
thơ Tô Duy Thạch đón xe đò từ Phan Rí vào trước một ngày. Vợ chồng nhà thơ Lê Văn Trung đi xe gắn máy từ
Đồng Nai ra. Ngoài ra còn có bạn bè tại
thành phố biển Phan Thiết: như nhà thơ Nguyễn Như Mây, vợ chồng nhà thơ Nguyễn
Thị Liên Tâm …
Buổi
sáng anh chị em ngồi chờ Lê Văn Trung tại ngôi quán cà phê rất nên thơ. Tôi dám nói ở thành phố tôi ở Houston chẳng hạn,
chưa có quán cà phê nào đẹp và nên thơ như những quán cà phê ở quê nhà.
Trên
đường đi, Trung báo cho tôi hằng phút, hằng giây. Đi tới đâu.
Cây số mấy. Đoạn đường từ Đồng Nai
ra Phan Thiết chắc cũng gần 200 cây số.
Anh em ngồi chờ. Riêng tôi thì rất
háo hức chờ người bạn lâu năm. Hôm nay
phải nói chuyện nhiều với Trung…
Chuyện
nói thì nhiều lắm. Ngồi trước mái hiên nhà xưa cũ, nơi tôi đã lớn lên. Chuyện xưa nói làm sao cho hết. Nhìn Trung,
tôi thấy có một cái gì đó buồn buồn trên gương mặt khắc khổ của anh. Nỗi buồn đó như thời gian làm xói mòn trên từng
viên gạch trong ngôi nhà cổ của chúng tôi, mỗi lần tôi nhìn lên những vách tường
loang lổ. Trung ơi! Sao hôm đó chỉ có tôi với Trung. Sao hôm đó không có đủ bốn người, như dạo nào
ở trong căn nhà thuê Khu Sáu Qui Nhơn. Trung nhắc lại tên từng người, từng người.
Trí nhớ bỗng trở về trên từng gương mặt.
Trần Hoài Thư ơi! Phạm Cao Hoàng ơi!
Tháng
10 năm 2017, tôi nhận tập thơ Thu Hoang Đường gồm 92 bài của Lê Văn Trung, 92
bài thơ Trung viết xuyên xuất về mùa Thu.
Mỗi bài mỗi vẻ. Buồn man
mác. Nỗi buồn ấy như còn vấn vương trên
gương mặt của Trung mà năm 2014 tôi nhìn thấy. Tập thơ của Lê Văn Trung phải
hình thành nói như lời nói của hai người bạn của tôi: anh Trần Hoài Thư và anh
Tô Thẩm Huy. Cảm ơn. Cảm ơn Đất Trời Vô Lượng đã cho tôi có những
người bạn tốt hôm nay.
Houston,
ngày 3 tháng 12 năm 2017.
No comments:
Post a Comment