Friday, April 28, 2023

Bình thơ: MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ THẮP LÁ TRONG TẬP THƠ DẠ KHÚC – THƠ CỦA LÊ VĂN TRUNG - Lê Văn Chung

 
MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ THẮP LÁ TRONG TẬP THƠ DẠ KHÚC – THƠ CỦA LÊ VĂN TRUNG
 
Có rất nhiều bài thơ trong tập thơ DẠ KHÚC của nhà thơ Lê Văn Trung, mà khi đọc chúng thì tôi nhận thấy sự sáng tạo của thi sĩ xuất hiện khi tâm hồn của ông hài hoà được với tự nhiên, với nhịp điệu của vũ trụ, phải chăng đó chính là nguyên nhân chính làm cho những bài thơ của ông có được thăng hoa trong sự tĩnh lặng của nó. Mỗi khi tâm hồn của con người bạn hòa hợp được với nhịp điệu tự nhiên của vũ trụ, bạn sẽ trở thành nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ hoặc vũ công.
 
Nhà thơ Lê Văn Trung cũng vậy, ông đã hoà nhập được vào thiên nhiên, để cho những rào cản tự biến mất. Tâm hồn của ông dường như trở thành cái cây ngọn cỏ, cơn gió... Bóng dáng của thi sĩ biến mất vào trong những CHIẾC LÁ của cây cối. Đọc tập thơ DẠ KHÚC của nhà thơ Lê Văn Trung, chúng ta sẽ thấy trong 149 bài thơ, thì có tới 38 bài thơ thi nhân nhắc đến CHIẾC LÁ, và hai bài thơ tương đối dài thi sĩ viết về CHIẾC LÁ, đó là bài thơ THẮP LÁ – Bài thơ thứ 44 & bài thơ TÔI – CHIẾC LÁ VÀNG RƠI TỪ MÙA THU TRƯỚC
 
Bài thơ thứ 99 trong tập thơ:
 
Năm mươi năm tôi đếm từng CHIẾC LÁ
Nỗi vàng phai rụng xuống buổi xa người
Khi đứng giữa vòng xoay đời xa lạ
Tôi rẽ phương nào cũng chạm LÁ tình phai.
(TRĂNG KHUYẾT)
 
Tôi còn đây phấn hương người
Thơm như da thịt đất trời vừa thu
Mắt chìm đuối cả câu thơ
Hồn tôi CHIẾC LÁ rụng bờ mi cong
(MÙI HƯƠNG CHIÊM BAO)
 
Là câu chuyện của gió của mưa của vòng tay ảo mộng
Của tóc nhung huyền của mắt sương phai
Của rưng rưng từng ngón nhỏ bàn tay
Cầm CHIẾC LÁ thả bay về xa thẳm.
(CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU)
 
Sáng hôm nay, trời trong, rất trong
Lòng tôi như một dải mây hồng
Bay trong sương nắng, vương trên LÁ
Nhuộm xuống vườn xanh, hoa ngát hương
………..
Hình như mùa đông chưa trở về
Hình như tình thu còn đâu đây
Tôi nghe gió hát lời thơ ngọc
Tôi nghe LÁ reo nghìn âm giai.
(NẮNG)
 
Đôi môi đỏ đã thầm thì mở hé
Gió muôn chiều hương tóc chảy theo sương
Hình như LÁ cũng buông lời thỏ thẻ
Cô là hoa hay là mộng của thiên đường
 
(SẮC HƯƠNG RỪNG)
Bất chợt em về nhan sắc lạ
Con dế giật mình gáy dưới sương
Vì sao nào rụng vui trên LÁ
Cả đất trời như xao xuyến rung.
(MÙA XUÂN EM VỀ)
 
Hồn tôi giọt nắng vàng trên LÁ
Còn nhớ tay người như phím đàn
(VỀ ĐI! DUYÊN TÌNH LÀ TRĂM NĂM)
 
Nghe xao xuyến mùi hương chìm trong LÁ
Lời của chim ngái ngủ gọi như mơ.
Lời của khúc tình xưa về ru rất nhẹ
Lời của nghìn năm ngà ngọc câu thơ.
(NẮNG CHIỀU ĐÔNG)
 
Đôi mắt huyền mơ đêm thần thoại
Mưa vàng theo LÁ LÁ vàng mưa
Ai đem thơ nạm vào trong mắt
Thấp thoáng tình xanh lạnh mấy mùa.
(TẶNG CÔ BÉ NGÀY XƯA CỦA TÔI)
 
Đường hoa, ai lót mùa thu cũ
Để LÁ vàng tôi trải xuống chiều
Để gió hồn tôi tan nhè nhẹ
Lên màu son phấn của tình yêu
(EM VỀ NGÀ NGỌC GIẤC MƠ TÔI)
 
Xin em xanh lại từ đầu
Đừng vàng LÁ úa mà đau nụ hồng
(LỜI CỦA VÔ CÙNG)
 
Nắng trinh nguyên nắng mới tinh
Nắng reo trên LÁ nắng in bóng người
(NẮNG ĐÀ LẠT)
 
Trước hết bạn cần nhận ra sự khác biệt giữa Ý thức (đơn thuần) và bản ngã (ý thức về cái tôi).
 
Bản thân ý thức vốn không chứa đựng ý niệm về cái TÔI nào hết, tức là nó không mang bản ngã. Trong ý thức không hề có sự phân ranh giữa con người với sự tồn tại. Ý thức là nguồn sống bất tận, phong phú, không có rào cản, hay bất kỳ một giới hạn nào; nó với tồn tại là một. Không hề có mâu thuẫn giữa cá nhân và toàn thể. Cái cá nhân hoà mình vào cái tổng thể, và cái tổng thể tuôn chảy vào cái cá nhân. Điều đó cũng giống như việc hít thở vậy: Khi hít vào, cái tổng thể đi vào trong bạn; khi thở ra, bạn đi vào cái tổng thể. Đó chính là sự lưu chuyển và chia sẻ không ngừng. Cái tổng thể không ngừng luân chuyển vào bạn và bạn cũng không ngừng trao cho cái tổng thể. Sự cân bằng đó không bao giờ mất đi. Nhưng với một người mang bản ngã thì lại khác. Anh ta nhận vào nhưng lại không bao giờ cho đi, chỉ biết thu vén cho mình và không chịu chia sẻ với ai. Anh ta không ngừng dựng lên lớp lớp TƯỜNG RÀO quanh mình, trưng lên những tấm biển báo: KHÔNG ĐƯỢC VƯỢT QUA GIỚI HẠN, để chính bản thân anh ta và mọi người khác không ai có thể xâm phạm được. Dần dần anh ta trở thành một nấm mồ, một sinh vật sống mà như đã chết vì cuộc sống thiếu đi sự chia sẻ.
 
CHIẾC LÁ, với nhà thơ LVT, là một biểu tượng của sự sống, mà sự sống được biểu hiện ở mức độ sâu sắc nhất đó là Ý THỨC (thuần khiết, đơn thuần). Chúng ta thấy không hề có sự phân ranh giữa chiếc lá cây với sự tồn tại, nó với tồn tại là một, không hề có sự mâu thuẫn giữa CHIẾC LÁ và cái toàn thể. CHIẾC LÁ hoà mình vào cái tổng thể, và cái tổng thể tuôn chảy vào CHIẾC LÁ. CHIẾC LÁ nhận vào và cho đi một cách hết sức hài hoà, nhịp nhàng. Nó nhận vào mình nước, không khí (CO2)… từ cái tổng thể và nó đã nhả ra oxy, màu xanh mát rượi… cho tổng thể. Cái tổng thể không ngừng luân chuyển vào CHIẾC LÁ và CHIẾC LÁ cũng không ngừng trao cho cái tổng thể. Sự cân bằng đó không bao giờ bị mất đi trong suốt hành trình sinh sống của CHIẾC LÁ.
 
Sau đây xin mời các bạn hãy đọc bài thơ THẮP LÁ – Bài thơ thứ 44 trong tập thơ DẠ KHÚC nhé!
 
THẮP LÁ
Em từ buổi trăng về cuối hạ
Tôi ngỡ vàng chiều đã nhuộm hương thu
Lòng khuê phụ, hồn sương chia mấy ngả
Áo tình xanh chìm mấy bãi sa mù
Con đường cũ, con đường hồng xưa đã
Áo hoàng hôn trắng một góc sân trường
Con đường cũ con đường tình hoa nở
Đã mấy lần hoa rụng dưới mưa sương
Con đường cũ, con đường tình năm cũ
Em qua chiều vời vợi giấc chiêm bao
Tôi cứ ngỡ màu trăng mùa thiếu nữ
Theo nhau về cho vẹn nghĩa thương đau
Em có gọi mùa thu về cuối hạ
Mà mưa tôi chìm phủ một hồn chiều
Nhớ dòng tóc chia hai đường ngôi rẽ
Để tình buồn chia mấy ngả liêu xiêu
Em từ buổi mùa sương hồn phố cũ
Đèn hoàng hôn tôi THẮP LÁ thu vàng
Xin cúi nhặt hồn tôi từng chiếc LÁ
Nằm im lìm như giọt lệ chưa tan.
 
THẮP LÁ là gì  Phải chăng là một ẩn dụ mà nhà thơ muốn thắp lá cho tâm hồn của chính con người, muốn cho tâm hồn của con người được xanh lại, tươi trẻ lại, sau những nhọc nhằn, gian khó mà cuộc đời đầy bão tố đã dành cho mình. Bài thơ bắt đầu từ một kí ức hết sức đau buồn của con người:
 
Em từ buổi trăng về cuối hạ
Tôi ngỡ vàng chiều đã nhuộm hương thu
Lòng khuê phụ, hồn sương chia mấy ngả
Áo tình xanh chìm mấy bãi sa mù
 
Và trong suốt toàn bộ bài thơ, chúng ta đều thấy chỉ có duy nhất một thế giới trầm buồn, đau thương – Đó chính là thế giới của cái TÔI – CÁI BẢN NGÃ. Bản ngã rất hay phỉnh lừa chúng ta. Nó chỉ nghe những gì nó muốn nghe, nó chỉ hiểu theo cách nó muốn hiểu. Cho nên khi EM TỪ BUỔI THEO TRĂNG VỀ CUỐI HẠ. Cái TÔI – Bản ngã của con người đã làm cho tâm hồn của con người biến thành:
 
VÀNG CHIỀU NHUỘM HƯƠNG THU
LÒNG KHUÊ PHỤ, HỒN SƯƠNG CHIA MẤY NGẢ
ÁO TÌNH XANH CHÌM MẤY BÃI SA MÙ.
 
Con người sống trong cái TÔI – BẢN NGÃ, thường sẽ ẩn mình sau một bức màn vô hình, và bức màn này sẽ làm cho con người luôn luôn sống trong cái thế giới hư ảo (ảo tưởng) – Thế giới của dĩ vãng, của quá khứ:
 
Con đường cũ, con đường hồng xưa đã
Áo hoàng hôn trắng một góc sân trường
Con đường cũ con đường tình hoa nở
Đã mấy lần hoa rụng dưới mưa sương
Con đường cũ, con đường tình năm cũ
Em qua chiều vời vợi giấc chiêm bao
Tôi cứ ngỡ màu trăng mùa thiếu nữ
Theo nhau về cho vẹn nghĩa thương đau
 
Hai khổ thơ, chỉ có tám câu thơ mà cụm từ CON ĐƯỜNG CŨ, được lặp đi, lặp lại đến năm lần, trong đó ba lần là nguyên văn & hai lần có một chút biến thái thành:
 
CON ĐƯỜNG HỒNG XƯA ĐÃ
CON ĐƯỜNG TÌNH NĂM CŨ.
 
Những gì con người còn níu giữ sẽ lưu giữ trong giấc mơ
 
EM QUA CHIỀU VỜI VỢI GIẤC CHIÊM BAO
TÔI CỨ NGỠ MÀU TRĂNG MÙA THIẾU NỮ
THEO NHAU VỀ CHO VẸN NGHĨA THƯƠNG ĐAU.
 
Cái tôi – bản ngã đã suy nghĩ suốt ngày, suốt tháng. Dòng suy nghĩ ấy đã tiêu tốn một nguồn năng lượng rất lớn của con người, nó sẽ làm cho tâm hồn của con người bị CHÌM PHỦ MỘT HỒN CHIỀU, bị NGÃ LIÊU XIÊU…
 
Cho đến khi kết thúc bài thơ tình trạng đó cũng không có gì thay đổi:
 
Em từ buổi mùa sương hồn phố cũ
Đèn hoàng hôn tôi THẮP LÁ thu vàng
Xin cúi nhặt hồn tôi từng chiếc LÁ
Nằm im lìm như giọt lệ chưa tan.
 
Đó chính là sự thật về CÁI TÔI – CÁI BẢN NGÃ.
Vì vậy, người mang ý thức về cái tôi được xem như là đã chết – Đang trong trạng thái u mê. Và chừng nào không còn bản ngã, nghĩa là chừng nào cái tôi nhỏ bé biến mất, bạn sẽ đạt đến cái tôi thực sự, còn được gọi là SIÊU NGÃ.
 
 
THẮP LÁ phải chăng là muốn hướng tới nội tâm của chính mình, để có thể gạt bỏ được cái TÔI, gạt bỏ bản ngã của chính mình. Chừng nào bạn còn mang cái TÔI – CÁI BẢN NGÃ, bạn vẫn còn nếm mùi thất bại, sự yếu đuối, và bạn sẽ vẫn NẰM IM LÌM NHƯ MỘT GIỌT LỆ CHƯA TAN.
 
Chỉ khi con người ta gạt bỏ được cái TÔI, cái bản ngã nhỏ bé của chính mình, thì nguồn sức mạnh vô hạn sẽ bắt đầu tuôn chảy vào bạn. Chính nhờ vào sự gạt bỏ được bản ngã, mà bạn sẽ trở thành dòng sông cuồn cuộn tuôn trào - Bạn thật sự được sống.
 
Mọi sự sống đều thuộc về Toàn thể. Nếu bạn cố tìm cách sống riêng một mình thì thật là ngu xuẩn. Như vậy chẳng khác nào CHIẾC LÁ trên cây tìm cách sống riêng lẻ; không chỉ có thế, nó còn tìm cách chống lại cái cây, chống lại những CHIẾC LÁ khác, chống lại bộ rễ và nghĩ rằng tất cả đều là kẻ thù của mình. Tất cả chúng ta chỉ là những chiếc lá nhỏ trên cây đời vĩ đại có tên là Thượng đế, Toàn thể, hay bất cứ một tên gọi nào mà bạn thích. Bạn không cần phải chiến đấu. Cách duy nhất để trở về nhà, về với cội nguồn là TRAO GỬI, LÀ DÂNG HIẾN. Cho nên trước bài thơ THẮP LÁ này, bạn đọc chúng ta đã bắt gặp bài thơ DÂNG HIẾN – Bài thơ thứ 14 trong tập thơ như sau:
 
DÂNG HIẾN
Tôi xin mở rộng lòng mình
Như lòng xuân cũng mông mênh đất trời
Tôi xin trải vẹn niềm vui
Trong tim em – trong tim người tôi yêu
Tôi xin XANH LẠI từ đầu
Nhuộm vào thơ phút nhiệm mầu tinh khôi
Tôi và hoa nở rạng ngời
Tôi và hương ướp lụa người áo mây
Tôi xin làm cốc rượu đầy
Cho môi tình ái nồng say ái tình.
 
Chỉ với 5 câu lục bát thôi, chúng ta thấy CÁI RỐN VŨ TRỤ nhỏ bé là cái TÔI – CÁI BẢN NGÃ, không còn nữa. Khi đó con người đã hướng đến trung tâm của sự tồn tại. đột nhiên bạn trở nên vô hạn, không còn bị giam giữ trong cái lồng do bản ngã tạo ra và sức mạnh vô biên bắt đầu tuôn đổ qua bạn. Bạn sẽ trở thành cây sáo để thần Krishna thổi nên giai điệu du dương, bạn sẽ trở thành một kênh thông suốt, không có rào cản nào. Đó mới chính là ý nghĩa thực sự mà cái gọi là THẮP LÁ hướng đến
 
TÔI XIN XANH LẠI TỪ ĐẦU
NHUỘM VÀO THƠ PHÚT NHIỆM MÀU TINH KHÔI.
 
THẮP LÁ là một thông điệp rất lớn, rất rộng, nên nó không thể chỉ nằm trong phạm vi một bài thơ có tựa đề là THẮP LÁ, mà nó sẽ nằm dải rác trong nhiều bài thơ khác nhau của cả tập thơ. Bài thơ THẮP LÁ trên mới chỉ nói được một chút về thế giới của CÁI TÔI – CÁI BẢN NGÃ nhỏ bé mà thôi, nó chưa thực sự nói được tư tưởng của THẮP LÁ. Các bạn muốn tìm thấy chiều sâu của tư tưởng THẮP LÁ mà thi nhân muốn gửi gắm thì xin mời các bạn hãy tiếp tục đọc những bài thơ khác nữa trong DẠ KHÚC nhé.
 
Bạn sẽ còn bắt gặp những thông điệp của THẮP LÁ trong rất nhiều bài thơ khác trong DẠ KHÚC. Tôi xin tạm dừng bài viết ở đây, xin hẹn với bạn đọc trong một bài cảm nhận về một bài thơ khác của DẠ KHÚC, cũng có sự liên quan đến thông điệp của THẮP LÁ.
 
LÊ VĂN CHUNG

No comments:

Nhớ màu hoa cũ

NHỚ MÀU HOA CŨ   Rất lẻ loi một đóa hoa vàng Nở muộn bên đường chiều đang sương Có người chợt nhớ mùa thu trước Hoa cài lên tóc còn ươm h...