Thursday, April 27, 2023

Bình thơ: MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ SỰ LẮNG NGHE CỦA NHÀ THƠ LÊ VĂN TRUNG - Lê Văn Chung

 
MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ SỰ LẮNG NGHE CỦA NHÀ THƠ LÊ VĂN TRUNG
 
Biết tôi là một người rất yêu thích THƠ CA, cho nên các nhà thơ rất quý mến, mỗi khi họ xuất bản một tập thơ nào đó thì họ đều muốn gửi tặng cho tôi một quyển để làm kỷ niệm. Nhà thơ Lê Văn Trung cũng vậy, hôm 2/3/2023, ông đã gửi tặng cho tôi tập thơ DẠ KHÚC, một tập thơ khá dầy với gần 150 bài thơ dài ngắn khác nhau. Khi mới cầm tập thơ thì cảm thấy hơi ngại, vì nghĩ rằng chẳng biết mình có thời gian để đọc hết tất cả các bài thơ trong DẠ KHÚC hay không. Nhưng một khi đã đọc được một hai bài thơ rồi thì tự nhiên tập thơ như có một phép lạ đã thực sự cuốn hút tôi đọc tiếp, đọc tiếp cho đến hết tất cả 148 bài thơ, và có rất nhiều bài tôi đã đọc đi, đọc lại đến ba, bốn lần. Và đến giờ phút này tôi đã có đến 4 bài viết về sự cảm nhận của tôi về DẠ KHÚC, đăng trên trang Facebook cá nhân của tôi. Thấy tôi, viết nhiều như vậy, có một bạn đọc vốn yêu quý những bài viết của tôi, đã có một chút suy tư Thơ và người làm Thơ đôi khi không trùng khít với nhau:
 
 NGƯỜI MỘT ĐẰNG THƠ MỘT NẺO!
 
Nhưng xin thưa với tất cả các bạn rằng: Mặc dù không làm được cái công việc NGHỆ THUẬT VỊ NGHỆ THUẬT như các văn nghệ sĩ, nhưng tôi vẫn luôn luôn là một tín đồ hết sức trung thành với tôn giáo: NGHỆ THUẬT VỊ NGHỆ THUẬT. Theo đó, với tôi, nghệ thuật đã trở thành một thứ tôn giáo & người nghệ sĩ trở thành nhà HUYỀN MÔN.
 
Bạn không cần thiết phải đồng quan điểm với một bông hoa đẹp, bạn không cần phải đồng quan điểm với một bầu trời đầy sao, nhưng bạn vẫn có thể công nhận những vẻ đẹp tuyệt vời của nó. Tôi luôn phân định rạch ròi giữa việc đồng ý, đánh giá đúng THƠ CA của một người với việc đồng ý, đánh giá đúng những quan điểm của tác giả. Theo sự cảm nhận của tôi, nếu bạn không thể phân định sự rạch ròi đó, thì bạn vẫn còn đang sống giữa buổi hồng hoang của tâm thức nhân loại. Khi bạn đọc một bài thơ của một nhà thơ nào đó thì bạn chỉ có thể đồng ý với một từ, một câu, một tứ thơ mà nhà thơ đó đã đưa ra là tuyệt đẹp hay không đẹp (theo sự cảm nhân chủ quan của cá nhân bạn) do đó bạn sẽ đánh giá cao, hay thấp những lời nói của ông ấy thông qua những câu từ đó mà thôi. Bạn không thể đồng ý, và đánh giá được những trải nghiệm của chính bản thân nhà thơ, có chăng bạn chỉ là võ đoán khi đưa ra những lời cảm nhận rất chủ quan của mình về những trải nghiệm nào đó của nhà thơ mà thôi. Bạn có thể yêu mến nhà thơ nào đó, thông qua những câu thơ, bài thơ của ông ấy, nhưng bạn lại chưa được sống như chính nhà thơ ấy đã sống, đã trải nghiệm khi viết lên những câu thơ, bài thơ đó. Cho nên bạn không thể đồng ý hay đánh giá đúng về những quan điểm của ông ấy được. Những người đọc chúng ta chỉ có thể ca ngợi những người đã sáng tác THƠ CA, ca ngợi những người đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, ca ngợi một người, vì ông ấy biết yêu thương. Ca ngợi một người vì nhờ có ông ta mà thế giới thêm tươi đẹp hơn.
 
Đọc những câu thơ của Lê Văn Trung, bạn sẽ nhận thấy nhà thơ dường như là một người rất tinh nhạy, có một khả năng cảm thụ rất cao, ông là một người rất giàu trí tưởng tượng. Ông có thể nhìn thấy sức sống đang căng tràn trong cỏ cây, uống lấy màu xanh sự sống này và thấm hút nó như một miếng bọt biển.
 
Chẳng hạn, các bạn hãy đọc bài thơ ĐƯỜNG CÓ NHIỀU HOA XUYẾN CHI – Bài thơ thứ 99 trong DẠ KHÚC:
 
Trên những con đường có nhiều hoa xuyến chi
Tôi bắt gặp mùa thu phơi sương trắng
Những sớm mai lòng tôi chưa kịp nắng
Và tình em chưa kịp trải lụa vàng
Những đoá hoa xuyến chi rạo rực nở và náo nức toả hương
Hương của đất nghìn năm còn ủ mật
Hương của em thiên thu còn cháy khát
Ái ân người rằm suốt một mùa trăng
Tôi bước đi trên những con đường có nhiều hoa xuyến chi
Hoa dung dị như mối tình mới nở
Hoa hồn nhiên như mối tình bay trong gió
Để lụa là chảy mượt mấy dòng thơ
Hoa nở trắng
Như người về trắng giấc sương mơ
Ôi nhẹ quá, lòng tôi như cánh bướm
Ôi nhẹ quá, đôi cánh tình rất mỏng
Tôi bay cùng hoa trắng một mùa sương.
 
Tôi cũng đã ít nhất đôi ba lần bắt gặp hoa Xuyến Chi rồi, nhưng không thể nào có thể viết được nhưng câu thơ tuyệt diệu, về một loài hoa rất đỗi bình thường (thậm chí còn bị coi là loài hoa dại) - Hoa Xuyến Chi, như nhà thơ LVT. Tôi cảm thấy, ông ấy đã nuốt lấy cả vũ trụ nhân sinh và để cho những gì mà ông đã thấm nhuần được tuôn trào vào trong trí tưởng tượng của mình, biến hoá thành những câu thơ tuyệt vời như thế.
 
 HƯƠNG CỦA ĐẤT NGHÌN NĂM CÒN Ủ MẬT
 HƯƠNG CỦA EM THIÊN THU CÒN CHÁY KHÁT
 ÁI ÂN NGƯỜI RẰM SUỐT MỘT MÙA TRĂNG.
 
Vậy, đâu là bí quyết của thi sĩ? Phải chăng chính là sự LẮNG NGHE?
 
Bạn có thể nghe theo hai cách. Một là cách máy móc: Bạn có hai tai nên bạn có thể nghe, nhưng đó sẽ chỉ là nghe, chứ không phải là lắng nghe. Hai là lắng nghe, bạn có thể nghe một cách ý thức: Toàn bộ ý thức của bạn có đó, nó ở phía sau đôi tai của bạn. Lắng nghe là một trong những bí quết giúp chúng ta đi vào ngôi đến của Thượng đế. Lắng nghe nghĩa là quên đi toàn bộ cái tôi, cái bản ngã của bạn, chỉ như vậy thì bạn mới có thể lắng nghe. Khi bạn chăm chú lắng nghe một ai đó, bạn sẽ quên mất bản thân mình. Nếu bạn vẫn còn quá chú tâm đến bản thân, bạn không thể lắng nghe thật sự mà chỉ giả vờ nghe mà thôi. Có thể bạn gật gù, có thể thỉnh thoảng bạn ừ hữ góp vài tiếng nói tham gia vào câu chuyện của người đang nói, nhưng bạn không thật sự lắng nghe.
 
Nếu một người đang LẮNG NGHE, thì người đó sẽ trở thành một kênh truyền dẫn, một kênh tiếp nhận. Người đó sẽ trở nên âm tính và điềm đạm hơn. Bạn không thể tìm đến với Thượng đế với bộ dạng hùng hổ của một kẻ xâm lăng, chinh phục. Bạn chỉ có thể đến với Người… đúng hơn là Người chỉ có thể đến với bạn khi bạn ở trong trạng thái tiếp nhận, điềm đạm nhất mà thôi.
Nhà thơ LVT là như vậy, với ông chúng ta cảm nhận thấy ở ông một điều kỳ diệu về sự LẮNG NGHE.
 
Chẳng hạn, bài thơ NẮNG CHIỀU ĐÔNG – Bài thơ thứ 19 trong DẠ KHÚC:
 
Nghe xao xuyến lời của chiều gió rối
Lời của mây về đậu giữa hoàng hôn
Lời của nắng vàng phai tà áo mới
Lời của sương như lệ ngát môi nồng
Nghe xao xuyến mùi hương chìm trong lá
Lời của chim ngái ngủ gọi như mơ
Lời của khúc tình xưa về ru rất nhẹ
Lời của nghìn năm ngà ngọc câu thơ
Em đâu đó mà nghe vàng câu hát
Chiều mùa đông trải nhẹ nỗi chờ mong
Em đâu đó mà lòng tôi xanh ngát
Tình trăm năm tha thiết bến Trà Giang
Nghe câu hát mà lòng tôi ươm nắng
Nắng hoàng hôn vời vợi nắng chiều đông
Em đâu đó mà chiều rơi rất lặng
Chiều rơi vàng thương nhớ giữa mênh mông
Tôi ngồi nghe cả đất trời xao xuyến
Bước chân tình xa vắng như chiêm bao
Giọt nắng chiều đông thơm mùi hò hẹn
Dòng nắng tình ơi chảy mãi về đâu.
 
Đọc bài thơ, các bạn có nhận thấy sự kỳ diệu của sự LẮNG NGHE mà nhà thơ đã mô tả hay không? Với ông lắng nghe đã trở thành một nghệ thuật siêu thực: Khi ông lắng nghe, cái tôi, cái bản ngã của ông dường như biến mất, chỉ còn lại tâm hồn của ông dường như hoà nhịp được với những con sóng nào đó của Đại dương tồn tại, hiện hữu ở đâu đó trong vũ trụ nhân sinh này. Những con sóng đó có thể là: Lời của Gió; của mây; của nắng; của sương; của chim ngái ngủ; của khúc tình xưa; của nghìn năm ngà ngọc câu thơ; của chiều rơi rất lặng; của bước chân tình xa vắng; của giọt nắng chiều đông thơm mùi hò hẹn và của đất trời xao xuyến…
 
Ở đây, có lẽ chúng ta cũng cảm nhận được một phương cách của sự LẮNG NHE mà nhà thơ đã gửi gắm trong những bài thơ trong DẠ KHÚC, đó là: Bước đầu tiên là sự đón nhận, bởi vì cái tôi, cái bản ngã không thể tồn tại khi bạn đang trong trạng thái đón nhận mà nó chỉ tồn tại khi có sự đối kháng, vướng chấp. Trong trạng thái cảm thụ đầy sự tinh tế này, khả năng tưởng tượng của con người sẽ trở nên cực kỳ mạnh mẽ. Và một khi đã đạt đến trạng thái hoàn toàn đón nhận, thì đến bước thứ hai là bạn hãy tưởng tượng mình chính là những con sóng đó, hãy hoà cùng với những con sóng, hình dung mình (hoặc người yêu của mình là những con sóng đó).
 
Chính sự tưởng tượng đó là một năng lực phi thường, có thể đưa bạn đến gần Thượng đế nhất, mà Thượng đế trong thơ của Lê Văn Trung chính là người yêu trong hiện tại, hoặc trong quá khứ của ông:
 
Em đâu đó mà nghe vàng câu hát
Chiều mùa đông trải nhẹ nỗi chờ mong
Em đâu đó mà lòng tôi xanh ngát
Tình trăm năm tha thiết bến Trà Giang
Nghe câu hát mà lòng tôi ươm nắng
Nắng hoàng hôn vời vợi nắng chiều đông
Em đâu đó mà chiều rơi rất lặng
Chiều rơi vàng thương nhớ giữa mênh mông.
 
Sự việc con người đến gần với Thượng đế nhất (hoặc gần nhất với người mình yêu thương) không xảy trong thực tế nhưng nó lại diễn ra bên trong tâm thức của thi nhân, trong một PHƯƠNG, một CHIỀU hoàn toàn khác – Chiều của THƠ CA, của TƯỞNG TƯỢNG & MƠ MỘNG. Chính nhờ sự LẮNG NGHE những tiếng sóng của một đại dương tồn tại, hiện hữu, nhờ biết đón nhận, mà thi nhân đã mở được cánh cửa cho khả năng tưởng tượng của mình. Trí tưởng tượng của ông ta đã bùng nở như một đoá sen với một nghìn lẻ một cánh.
 
Hai câu thơ cuối:
 
Giọt nắng chiều đông thơm mùi hò hẹn
DÒNG NẮNG TÌNH CHẢY MÃI VỀ ĐÂU.
 
Cảnh tượng đó quá đẹp, thật không dễ gì một thi sĩ trẻ tuổi, ít sự trải nghiệm sự LẮNG NGHE có thể tưởng tượng ra cảnh: Giọt nắng mùa đông lại có mùi thơm của sự hò hẹn & DÒNG NẮNG TÌNH chảy mãi về đâu, trong tâm thức của thi nhân.
Xin cảm ơn và chúc mừng nhà thơ Lê Văn Trung, về những cảnh giới tuyệt diệu này mà ông đã đạt được nhé.
 
LÊ VĂN CHUNG

No comments:

Nhớ màu hoa cũ

NHỚ MÀU HOA CŨ   Rất lẻ loi một đóa hoa vàng Nở muộn bên đường chiều đang sương Có người chợt nhớ mùa thu trước Hoa cài lên tóc còn ươm h...