Friday, December 27, 2019

Bình thơ: Lê Văn Trung với Cát Bụi Phận Người -Trần Yên Hòa


Lê Văn Trung với Cát Bụi Phận Người
-Trần Yên Hòa-

*https://www.banvannghe.com/a980/tho-ban-quang-nam-xuan-thao-le-van-trung
                                                  
Lê Văn Trung

Cách đây khoảng 2 năm, một người bạn văn Quảng Nam của tôi, anh Nguyễn Đức Bạn, nhắn tôi ra cà phê Factory để gởi cho tôi một tập thơ, một một người làm thơ quê Quảng Nam, có ra một tập thơ in trong nước, gởi ra tặng tôi. Đó là tập “Cát Bụi Phận Người” của Lê Văn Trung. Tôi nhớ lại, Lê Văn Trung, một bạn Quảng Nam, đã có thơ đăng trên một số tập san văn nghệ ở Sài Gòn, miền Nam Việt Nam trước bảy lăm, nay ở trong nước, cũng tiếp tục theo nghiệp thơ, không nản chí.

Thú thật, trước bảy lăm, tôi chưa đọc một bài thơ nào của Lê Văn Trung, có thể những ngày trong quân đội tôi quá bận rộn, với súng đạn, với ba lô nón sắt, hơn là thơ văn, nên tôi không có dịp để đọc nhiều, tôi đành xin lỗi Lê Văn Trung là chưa biết tên anh. Sau này, qua những sách của Thư Quán Bản Thảo ấn hành, tôi mới biết Lê Văn Trung làm thơ cũng rất lâu, và có nhiều bài đăng trên các tập san văn học giá trị.

Lê Văn Trung được giới thiệu trong Thư Quán Bản Thảo số 34 tháng 12 năm 2008, được viết như sau: “Số 34 kỳ này có chủ đề về nhà thơ Lê Văn Trung. Một nhà thơ lớn lên trong cuộc chiến, đã có thơ đi trên nhiều tạp chí văn học của Sài Gòn năm xưa, anh và gia đình rời quê nhà miền Trung phiêu dạt về vùng đất trích kinh tế mới thuộc tỉnh Đồng Nai đến tận bây giờ.”

Vài hàng về Lê Văn Trung

Lê Văn Trung là tên thật của nhà thơ. Sinh năm 1947 tại Quảng Nam.
Năm 1969 tốt nghiệp sư phạm Quy Nhơn. Dạy học tại Quảng Ngãi.
Sau tháng tư năm 1975, anh đã trải qua những năm tháng tù tội dưới chế độ CSVN, và sau đó, là những năm “cuốc đất dọn cỏ” trên vùng đất kinh tế mới Xuân Đông, Xuân Lộc Đồng Nai mà anh gọi là “đất trích” cho đến mãi bây giờ (27 năm).



Theo sự mô tả của một số bạn bè đến thăm thì nơi anh ở là vùng đất “hẻo lánh, thôn dã, thô lậu”.
Về lãnh vực văn chương, trước năm 1975, Lê Văn Trung có thơ thường xuyên đi trên Bách Khoa, Khởi Hành, Ý Thức, Thời Tập, Thời Nay.

Tập thơ đầu tay của anh: “Cát Bụi Phận Người” theo lời anh tâm sự “sau nhiều gian nan và truân chuyên” mới được phép xuất bản.


*
Hoàn cảnh sau ba mươi tháng tư năm bảy lăm của Lê Văn Trung cũng rất khổ sở. Dù là chỉ giáo viên, nhưng Lê Văn Trung cũng bị “mất dạy” và bị tù, không biết vì lý do gì?
Tác giả Phạm Văn Nhàn đã kể về hoàn cảnh anh lúc đó như sau: (khoảng năm 72 Lê Văn Trung và vợ đổi về dạy học ở Huế):



“Mãi cho đến cuối năm 1982 - sau khi ra khỏi trại tù cải tạo - Mượn chiếc xe đạp cà tàng của đứa em, đạp xe lên huớng nhà thờ Phú Cam, tìm đến dãy lầu mà anh chị đã thuê năm 1972 - hy vọng anh chị còn sống nơi đó - Dựng xe gốc cây trứng cá già, nhìn lên dãy lầu mà tôi còn nhớ, ngơ ngác tìm kiếm. Một ông thợ hớt tóc đang hớt tóc, thấy dáng điệu ngơ ngác như muốn tìm kiếm ai, ông hỏi tôi:

“Ông tìm ai trên đó?”.

“Tôi tìm anh chị Lê Văn Trung.”

Nghe tôi nói giọng Nam, ông biết tôi ở xa đến. Ông kéo tôi ra gốc cây trứng cá nói nhỏ:

“Ông không biết gì sao?”

“Không.”

“Ảnh đi tù rồi. Ông đi đi, đừng đứng nơi đây nữa.”
...Nói xong, ông ta đi ngay. Tôi đạp xe về nhà. Trên đường, lòng buồn quá đổi. Hình như thời buổi ấy, ai nghe nói đi tù...cũng sợ.


*
Cát Bụi Phận Người

Theo Nguyễn Lệ Uyên thì thơ Lê Văn Trung “ẩn dấu đằng sau là những u uất bất tận, những u uất nhuốm mầm, những u uất tròn bóng, những cảm hoài về quá khứ xa xôi, và tâm cảm dằng xé đến nát lòng. Thơ anh như kẻ cô đơn trong tận cùng nỗi đau, như con thú hoang trong cánh rừng già không bóng thú, muôn năm là kẻ lữ hành cô độc trong cõi nhân sinh, trong chốn tình yêu không lối thoát, luôn luôn là những tìm kiếm trên những con đường đi hoài không đến, phía trước là mây bụi mịt mờ xa, thấp thoáng phận người heo hắt.

Sau đây là 2 bài thơ của Lê Văn Trung:


phương trời hiu quạnh

tôi tìm em đứt mòn hơi
hai mươi năm dấu chân người mờ phai
tìm em suốt cuộc tình dài
đường vô tận
bến chờ
ngoài nẻo không
còn gì sau cuộc phù vân
lệ tình em ướt đẫm phần mộ tôi

tôi tìm em
một phương trời
một phương TÔI
một phương người
quạnh hiu.


ta đau lòng
nhận ra hắn là ai

đừng bao giờ yêu những đứa làm thơ
càng không thể kết nghĩa tình chồng vợ
cái ngữ ấy ta đã từng ngửi thấy
thơ văn chi cơm áo có ra gì


thà em quên quách mẹ tiếng thị phi
bỏ mặc hắn xác xơ cùng số phận
nòi thi sĩ hắn không hề oán hận
chỉ âm thầm nhận lấy cái đau thương
chỉ lặng câm uống hết chén đoạn trường
nên đành có nhẫn tâm mà phụ rẫy
dù thiên cổ trước sau gì cũng vậy
bởi vì em, ơn Chúa! đã sinh ra

vốn là em, em cũng là đàn bà
sống không thể thiếu lụa là gấm vóc
mà những đứa làm thơ
cứ chuyện trời chuyện đất
chuyện trăng sao nông cạn vơi đầy
chuyện biển dâu mờ mịt đông tây
cứ đuổi mãi theo những điều không thật
những cái thế gian cho là trật lất
hắn muộn phiền trăn trở mấy mươi năm
hắn héo khô xơ xác đời tằm
cố kéo mãi những sợi tình phù phiếm
hắn quanh quẩn trong những vòng tìm kiếm
cõi con người tăm tối giữa vô minh

hắn băng qua sa mạc đời mình
cát bỏng cháy - lửa nhân tình thêu đốt
thì em hỡi sá gì đâu thân xác
của một người lạc lõng giữa đời em
của một người lạc lõng giữa trần gian
chuyện cơm áo đã ba chìm bảy nổi

thơ với rượu một cõi sầu vời vợi
Thượng đế đành quên có một linh hồn
Thượng đế đành tâm khép cửa thiên đường
hắn ngồi giữa đất trời cười ứa lệ
ôi ngàn năm chưa hết vòng dâu bể
năm mươi năm thà như một sát na
sá gì đâu không! có một quê nhà
chốn phải đến là nơi không có thực
cái quí nhất là cái vừa vụt mất
để một đời đau đáu một đời thơ

chốn phải về mù mịt giữa hư vô
hắn nhận hết bi thương cùng số phận
trái tim hắn đã đành là vỡ rạn
vẫn nghìn đời yêu quá cõi nhân gian
vẫn nghìn đời đâu há dễ em quên
dù trọn kiếp trói trong vòng hệ lụy
dù trọn kiếp đã khô mòn xương tủy

hắn là ai mà đau đáu một đời thơ
dù em nhẫn tâm quên mất nẻo về
hắn vẫn đứng nhìn dòng sông nước chảy
giọt nước mắt rơi buồn em có thấy

ta bỗng đau lòng nhận ra hắn là ai.
                    Lê Văn Trung

*
Hôm nay giới thiệu hai bạn thơ Xuân Thao và Lê Văn Trung - Lê Văn Trung với tập Cát Bụi Phận Người - tôi như tìm gặp lại những chặng đường đã đi qua của đời mình. Những kỷ niệm đầy ắp của ngày đi dạy học ở Quảng Ngãi - Quảng Tín, những ngày làm lính ở trung đoàn 6 BB, với bao địa danh Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Gia, Đồng Ké, Nghĩa Hành, Thạch Trụ...với câu ca dao ai đặt cho đám lính Sư Đoàn 2 BB thuở đó, nghe hay hay, buồn cười và cũng đúng chút chút: «Muốn huy chương về Thạch Trụ, muốn đ...về Nghĩa Hành."

*

Sau này Trần Hoài Thư với Thư Quán Bản Thảo, đã ấn hành thêm cho Lê Văn Trung một tập thơ có tên Bi Khúc. Đó là một trường thi dài. Những khúc buồn, cho thân phận, cho quê hương, cho cuộc đời và cho tình yêu.
Còn Xuân Thao cũng sẽ được Thư Quán in cho tập: Thơ Xuân Thao...
Xin chúc mừng hai bạn.


Trần Yên Hòa
      2008

Wednesday, December 25, 2019

Bình thơ: Nguyễn Âu Hồng - Hai Nhà Thơ Họ Lê Và Bob Dylan


-NGUYỄN ÂU HỒNG-
HAI NHÀ THƠ HỌ LÊ VÀ BOB DYLAN

Hai nhà thơ họ Lê đây là Lê Văn Trung và Lê Phương Nguyên.  Một ông, Lê Văn Trung, uống sương như trăng, uống trăng như rượu.

Ta đang say ngất rượu trăng vàng

Một ông, Lê Phương Nguyên, thiếu trăng, nhớ trăng

Đêm nao thoáng thấy trăng rằm
Qua nhanh như sợ ai cầm lấy tay…

Mới lướt qua tưởng hai ông ở “hai đầu xa cách”, chừng đọc kỹ mới hay hai nhà thơ họ LÊ này có nhiều điểm gặp nhau, rất tâm đắc nữa là khác.

Ôi tôi biết làm sao mà vẽ được
Một màu mây trong mắt đẫm sương chiều
                                    (Lê Văn Trung)

Có vì sao ở thật xa
Dịu dàng màu mắt như là cố nhân
                  (Lê Phương Nguyên)

Ông kia, Bob Dylan, không có màu mắt không có trăng rằm nên cứ mặc cho Gió cuốn đi (Blowing In The Wind) Như Hòn Đá Lăn Vô Định (Like a Rolling Stone) hoặc nương theo tiếng trống Tambourine mà dấn thân.  Tôi sẵn sàng để úa tàn (I’m ready for to fade).  Tại sao tôi chọn hai bài thơ họ Lê và Bob Dylan?

Tại sao anh chọn em
Nào anh có chọn
Em là mặt biển xanh chờ đó, xưa kia anh sống trên rừng
Giữa bầy bộ lạc phiêu lưu
 (Thơ Thanh Tâm Tuyền)

Tôi cũng vậy. Nào tôi có chọn. Hai nhà thơ họ Lê và Bob Dylan là mặt biển xanh chờ đó…

Khi đọc những câu thơ khao khát tự do của Lê Phương Nguyên với sức mạnh thi ca thao thiết như ngọn lửa trào, tôi đã nhớ đến những lời ca khắc khoải của Bob Dylan:

Vách bên có tiếng thở dài
Biết anh đã lỡ mộng đời tự do
Mấy phòng liên tiếp cùng ho
Là lời nhắn nhủ dặn dò gì nhau
Thấy lòng ấm giữa đêm sâu
Biết đời còn những nhịp cầu tri âm
(Ô Cửa Nhìn Đời – Lê Phương Nguyên)

 Nhà thơ Lê Phương Nguyên

Phải bao nhiêu năm một ngọn núi sừng sững giữa trời
Trước khi nó bị cuốn trôi theo biển sóng cồn
Và phải bao nhiêu năm một dân tộc sinh tồn
Trước khi người dân được hưởng tự do?
Câu trả lời, bạn hỡi, đang bay theo gió
Câu trả lời để gió cuốn bay đi!
(Blowing In the Wind – Bob Dylan)

 
Những ca từ Viết Cho Tai Nghe của Bob Dylan có sức mạnh thi ca phi thường.  Khi đọc những câu thơ diễm lệ về mùa thu tàn phai của Lê Văn Trung trong tập THU HOANG ĐƯỜNG do Nhà Thư Ấn Quán xuất bản tôi lại cũng nhớ đến những lời sầu ca nỉ non về mùa thu nhàu úa của Bob Dylan:

Em ướp tàn phai vào viễn mộng
Ta uống tàn phai mà buốt lòng
Ta uống hoàng hôn ngày bóng xế
Nước mắt người hay giọt rượu cay!
Tôi đốt thơ, xác bụi thơ tàn
Người nhớ gom tro vào trong máu
Cho dòng lệ biếc cũng thơm hương
(Thu Hoang Đường – Lê Văn Trung)

Ở Colorado,

Khi tôi ngủ yên dưới mộ thu tàn
(Hắn ta ngủ yên dưới mộ thu tàn)

Thì ở Kentucky,

Em giật mình nhìn bước thu phai,
Để rồi nhiều năm từ chỗ tôi nằm
(Từ chỗ hắn ta nằm)
Em học cách yêu người
(Em biết yêu người)
(Man of Constant Sorrow – Bob Dylan)

Càng đi hai thi nhân họ Lê càng gần nhau và gần với Bob Dylan hơn.

Ta sẽ thâu gom từng vỏ đạn
Từng mảnh bom cuối rạch đầu ngòi
Từng mảnh xương người, manh vải mục
Từng dòng uất nghẹn cháy khôn nguôi
(Đợi Chờ Đến Cuối Cuộc Tang Thương – Lê Văn Trung)

 Thi sĩ Lê Văn Trung

Vâng, phải bao nhiêu lần ngước nhìn lên
Trước khi một người có thể thấy được bầu trời
Và phải bao nhiêu đôi tai gom lại trên đời
Trước khi hắn ta nghe được tiếng người dân kêu khóc?
Vâng, và phải thêm bao nhiêu tang tóc
Cho đến khi hắn biết được là đã có quá nhiều người bị giết
Câu trả lời, bạn hỡi, đang bay theo gió
Câu trả lời để gió cuốn bay đi!
(Blowing In the Wind – Bob Dylan)


Quê nhà đây? Thực hay mơ?
Khu vườn xưa đã bây giờ nghĩa trang!
Nằm kia người của xóm làng,
Lạc nhau từ thuở giặc tràn về đây
(Hai Mươi Năm Sau Trở Lại Vườn Nhà Cũ – Lê Phương Nguyên)
Nhà thơ Lê Phương Nguyên

… Ai cướp đời ta cả tiếng nói
Ta về đây vườn trống nhà không
… Ai ném đời ta qua biển sóng
Máu xương nào cũng máu xương thôi
…Ai đã biến ta thành kẻ lạ
Giữa trái tim người rỉ máu đen
…Ai bắt đời chim quên giọng hát
Lời chim rịn máu đỏ mây chiều
…Ai vắt khô rồi dòng suối cạn
Và vắt đời khô giọt lệ bầm
(Đợi Chờ Đến Cuối Cuộc Tang Thương – Lê Văn Trung)

Những câu thơ này của lê Văn Trung có sức mạnh thi ca quặn lòng! Ai? Ai đã gây ra những thảm cảnh đó? Ai? Ai đã gây ra những nỗi niềm đớn đau đó? Còn ai vô đây, ngoài những Bậc Thầy Của Chiến Tranh, những tội đồ chống nhân loại mà Bob Dylan đã lột mặt nạ, gọi đích danh và vạch rõ từng tội ác:

Khi mà số người bị giết cứ cao dần lên
Ông ẩn mình trong căn nhà kiên cố
Mặc cho máu của tuổi trẻ tiếp tục đổ
Máu từ cơ thể phun trào
Và bị chôn trong bùn nhão
…Đến cả Chúa Jesus
Cũng không bao giờ tha thứ được những việc ông làm.
Tôi mong ông chết
Và ngày chết của ông sẽ đến sớm thôi
Tôi sẽ theo sau linh cữu
Trong buổi chiều nhạt nhòa
Và tôi sẽ đứng nhìn người ta hạ huyệt
Đặt ông nằm dưới đáy mộ sâu
Và tôi sẽ đứng trên mộ ông thật lâu
Cho đến khi tôi chắc là ông đã chết
(Masters of War – Bob Dylan)

(Bob Dylan, một nghệ sĩ người Mỹ đã đoạt giải NOBEL văn học năm 2016, vì đã tạo ra những cách biểu đạt mới đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ).

Những Bậc Thầy Của Chiến Tranh, các ông làm ra súng lớn, làm ra máy bay thần chết, làm ra các loại bom; các ông ẩn mình sau các bàn giấy.  Tôi muốn nói cho các ông biết, tôi nhìn xuyên suốt mặt nạ của các ông.  Các ông chẳng làm gì ngoài hủy diệt, coi thế giới này là đồ chơi, ông đặt súng vào tay tôi… (Masters of War – Bob Dylan).

Bob Dylan đứng trên mộ của bạo chúa gây chiến tranh thật lâu cho dến khi biết chắc là hắn ta đã chết.  Bạo chúa chiến tranh, những kẻ gây tội ác chống lại loài người, tàn sát, diệt chủng; những kẻ kích động bạo lực, nuôi dưỡng công lý báo thù… Những kẻ gây chia rẽ và thù hận chủng tộc, chia cắt các quốc gia; xâm chiếm các nước yếu, chà đạp các dân tộc, chà đạp nhân phẩm, giết hại trẻ thơ cùng góa bụa.  Những kẻ dựng lên những trại tập trung, trại cải tạo, dựng lên pháp trường, tạo ra nạn đói nhân tạo, bày trò ấu tố… Họ biến những rừng cây ngát hương thành bãi chiến trường, rải quân như vãi đậu, tắm máu những dòng sông, tắm máu những cánh đồng, tắm máu lên cả sa mạc…Họ, những kẻ cuồng tín hô hào kháng chiến, lợi dụng lòng yêu nước, lợi dụng niềm khát khao tự do, lợi dụng cả tình nghĩa vợ chồng, lợi dụng niềm tự hào dân tộc…để xé nát những mảnh đời, chia rẽ tình duyên, xé nát những mái ấm, xé nát tình làng nghĩa xóm, ngăn cấm thờ phượng, phá nát các truyền thống, phá nát lòng người…

Hình ảnh Bob Dylan cầm guitar đã được Saturday Evening Post chọn làm ảnh bìa số ngày 2-11-1968


Boob Dylan nhìn thật kỹ người ta hạ huyệt bạo chúa gây chiến tranh, chờ cho huyệt mộ được lấp đầy, lên đứng trên đó thật lâu cho đến khi tin chắc là hắn ta đã chết.  Nhưng cho dù các Masters of War đã chết, thì di hại của những gì các bậc thầy tội ác ấy gây ra vẫn còn mãi.  Vì các Master of War không bao giờ hành động một mình mà luôn mượn một ngọn cờ hoặc một chủ thuyết nào đó.  Chủ nghĩa phát-xít còn mãi di họa thù hận chủng tộc trong đầu óc những người tự cho mình là da trắng thượng đẳng; chủ nghĩa cộng sản còn mãi di họa trong thói thị huy thị quyền, coi mạng người như cỏ rác, coi nhân dân như gà vịt, huênh hoang rỗng tuếch, ích kỷ hẹp hòi, tự cao tự đại, thích ngồi trên đầu thiên hạ, đập ngực tự xưng: “Ta là lương tâm thời đại, là đỉnh cao trí tuệ loài người” mà quên mất một điều: đã là ếch, thì dù ngồi đáy giếng hay đứng trên đầu nhân loại, bầu trời đối với chúng cũng chỉ bằng cái nắp vung…

Bất chấp những di hại còn “tồn tại”, các nhà nghệ sĩ vẫn gởi đi những thông điệp tràn đầy hy vọng.  Các văn bản cho thấy, cả ba ông: Lê văn Trung, Lê Phương Nguyên và Bon Dylan đều muốn hòa trái tim mình với trái tim nhân loại và cùng khao khát một mùa xuân thiên đường:

Bờ môi mặn giọt đoạn trường,
Vẫn xanh mơ ước con đường nở hoa…
Có vì sao ở thật xa,
Dịu dàng màu mắt như là cố nhân,
Nhìn nhau tha thiết ân cần
Cùng tương tư một mùa xuân thiên đường.
(Ô cửa Nhìn Đời – Lê Phương Nguyên)

…Cho tôi uống vẹn dòng tinh khôi ấy
Tôi ôm ghì khát vọng đóa nguyên xuân
…Là hồn tôi trên lối cũ tàn rêu
Lòng cháy khát những mùa xuân ảo mộng
Lòng cháy khát thuở tình phơi áo mỏng
(Thu Hoang Đường – Lê Văn Trung)
thi sĩ Lê Văn Trung

Thôi hãy vì nhau mà giữ lại
Chút tàn tro: bí tích nhiệm mầu
Một mai dựng lại thiên đường mới
Trời đất muôn loài thương mến nhau…
(Đợi Chờ Đến Cuối Cuộc Tang Thương – Lê Văn Trung)

Một ông Lê Văn Trung, Ta hôn lên mắt ngời khát vọng rồi vừa làm thơ vừa cày ruộng Đất và Thơ Hòa Lệ Máu Dâng Đời; một ông, Lê Phương Nguyên, từ trong nhà tù nhìn ra Cửa đời nhỏ tựa bàn tay, vẫn nhìn thấy ánh sao mai rạng ngời… Ông kia, Bob Dylan, thưa với mẹ, dẫu phải lên máy chém, “Mẹ ơi, nếu những dòng suy nghĩ của con bị lộ.  Người ta có thể chém đầu con rời khỏi cổ.  Nhưng dẫu thế cũng chẳng sao, Mẹ ơi, con chỉ chảy máu thôi.  Nhưng dẫu thế cũng chẳng sao. Đó là đời, con cũng chỉ vì đời thôi! – It’s all right, Ma, I’m only bleeding!” Bài hát này gợi nhớ đến nhạc sĩ Orpheus trong thần thoại Hy Lạp.  Âm nhạc của Orpheus quyến rũ được thú hoang và sỏi đá.  Đến vua của cõi U minh là Hades cũng phải nhỏ lệ trước lời ca của ông. Orpheus chết dưới bàn tay kẻ thù, người không được âm nhạc thần thánh của ông cảm hóa, đầu ông trôi ra biển vẫn không ngừng ca hát…

Nhân dịp Bob Dylan đoạt giải Nobel văn học, các nhà phê bình cho rằng ông đã có công làm cho thơ sống lại, làm cho thi ca được phục sinh.  Nhận định rằng thơ càng ngày càng èo ọt thiếu máu, thiếu hơi thở cuộc sống và xa cách công chúng.  (Thi sĩ – nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh cũng đã viết: - Thơ như đang bay trong chân trời tuyệt lộ.  Tuyệt lộ ngay chính chỗ đang bay, tuyệt lộ trên đôi cánh và tuyệt lộ cả cõi về).

Bob Dylan

Nhận định tiếp rằng, Bob Dylan đã đem lại sức sống cho thơ, đưa thi ca đến gần công chúng, đem máu thịt và nhịp đập của trái tim thi sĩ hòa vào mạch sống của thời đại mình. Ở tầm nghĩ hạn hẹp, tôi không dám quyết là hai ông nhà thơ họ Lê có đem lại sức sống cho thơ hay không, nhưng tôi tin chắc là hai ông đã sáng tác với tất cả tâm huyết, và có ước vọng đem máu thịt và nhịp đập của trái tim thi sĩ hòa vào mạch sống của thế hệ mình, xứ sở mình, thời đại mình. (Chẳng phải thi sĩ Lê Văn Trung đã tự bạch Đất Và Thơ Hòa Lệ Máu Dâng Đời đó sao!).

Cả ba ông đều vì một khao khát cháy lòng, nếu có thể nói như vậy: Mong cho mặt đất vĩ đại này của chúng ta trở thành một nơi tuyệt vời để sống. (We could make this great land of ours a great place to live – Bob Dylan)

Đầu Xuân 2019

Nguyễn Âu Hồng


















Monday, December 23, 2019

Bình thơ: Vài Cảm Nhận Thơ Lê Văn Trung - Viên Hướng

Ngữ ngôn anh quanh quất ẩn chìm, phiêu du trong hoa lá chấp chới men nồng như trái tim xoãi gió miên man theo từng ngày phương xa ngóng đợi. Anh mãi nâng niu đóa quỳnh rực ngời trong phiêu bạc thi ca hay cảm khái một tình yêu hồn nhiên linh hiển mênh mông giữa đất trời vô tự.  

Vẽ Những Cơn Mơ

Tôi vẽ hồn tôi lên phiến lá
Cho vừa kịp buổi mùa đang xanh
Mai mốt em về trăng chớm hạ
Nở thắm hồn nhiên một đóa quỳnh

Tôi vẽ bàn tay thơm cỏ hoa
Bầy chim về hót dưới hiên nhà
Giọt nắng vàng rung trên tóc rối
Và tóc trôi dài như suối mơ

Tôi vẽ chiều rơi những sợi im
Trên môi hồng ướp một màu sen
Da thơm tình ái mềm như lụa
Nhẹ tỏa theo từng hương nguyệt tan

Tôi vẽ màu đông rắc phấn sương
Trăng em vừa hé nụ hoa rằm
Đôi tà mây trắng bay trong gió
Và gió thơm lừng hương ái ân

Tôi ngồi vẽ mãi những cơn mơ
Vẽ gió yêu thương mây hẹn hò
Vẽ những màu sương mù hư ảo
Vẽ nỗi ngàn năm những đợi chờ.
Lê Văn Trung

Biết bao lần buông ánh nhìn lơ lững tầng cao, mây trôi theo gió bàng bạc xa lắc phiêu bồng, chợt thấy hành trang đời nhẹ hẫng đôi vai khi vòm xanh đang nằm trong khoảng lặng của tâm giới huyền không tự tánh.



Mây về đâu mà lang thang vô định như cõi người vô tận phù sinh, nhưng mây cũng là ảnh hình cõng cả bầu trời hà sa vạn kiếp tượng trưng cho hạnh nguyện vân trình của một người đã hội ngộ chân như, luôn thong dong cười mỉm mặc cho hợp âm thế sự cheo leo hay giao hưởng gầy guộc hanh hao những chập chùng thi vị.


Dẫu người ở lại phương này hay cô thân dặm đường mê mãi, mỗi vết cứa trần gian là một ngoảnh đầu nhìn lại mái nhà xưa. Bao nhiêu khúc du ca xác xơ hoang hoải là bấy nhiêu hoàn mỹ thuần khiết về nguồn. 


Tịnh Khúc



111*
Thăm thẳm ngàn xanh

Sao trên rừng Phương Bối
Ướt trang kinh
Lão du sỹ
Giật mình
Ai gọi?

112*
Mây trắng bay
Mây trắng bay
Ngàn năm mây trắng bay
Chỉ phương này
Một người 
Ở lại.

120*
Nhẹ như mây
Vì đâu đọng lại
Thế gian này 
Mãi mãi.

Dẫu cuộc tang hồ đã rong rêu như kiếp rừng dã thảo, vạch thời gian đã loang lỗ những nốt trầm hoài niệm tuổi hoàng hôn, dẫu mái tóc còn lung linh trắng ngần nơi dặm nguồn cô liêu bến đợi, nhưng chuyến đò xưa còn nhấp nháy tiếng còi đêm. Tình yêu tri âm tri kỷ quyện hồn nhau, cho tơ đàn mãi lãng du trong khoang đời bầm lệ và sinh ly vẫn mang một nét đẹp diệu kỳ.

Ôi, bài thơ lãng mạn tím lòng mà thanh thoát biến hóa nỗi nhớ nhung thành ân điển sắc son cổ tích.


Người vẫn ngồi chờ gót thiên di qua bao nhiêu năm tháng, ngộ hạnh nào tuy chênh chao khắc khoải như chiếc cầu vồng mê cung ẩn hiện cuối trời xa, nhưng hương yêu mãi say sưa vốn dĩ gởi riêng người.

Người Trở Về Hẹn Tiếp Cuộc Ra Đi

Không gì đẹp bằng hơi thở rong rêu trên thềm gạch cũ
Khi người trở về với bước chân đã ngàn dặm phiêu bồng
Mỏi Mệt và Hân Hoan
Khổ Đau và Hạnh Phúc

Không gì đẹp bằng màu năm tháng úa phai trên chiếc áo sờn rách trăm nẻo đường xuôi ngược
Người trở về lời hát mặn trên môi
rơi bầm như giọt lệ
Người trở về đăm đắm mắt hoàng hôn bóng quê nhà xa khuất

Không gì đẹp bằng bước chân lãng du như màu mây viễn xứ
Cứ trôi hoài không kịp chuyến đò ngang
Người trở về dòng sông xưa đã khô nhưng lòng nhau xin đừng cạn
Ôi không có gì đẹp bằng bóng một người ngồi đợi cuối bờ dâu
Tóc trắng bạch vân mà lòng dâu xanh biếc
Người trở về như con tàu réo vang hồi còi thiên cổ đánh thức lòng đêm
Còn ai chăng giữa sân ga không đèn
Tóc buông xỏa suốt mấy mùa thu chảy tràn hồn thiếu phụ
Ôi có gì đẹp bằng đôi mắt màu trăng mùa nguyệt lặn
Chìm trong mây còn níu bóng lụa vàng

Không gì đẹp bằng hơi thở rong rêu trên thềm gạch cũ
Người trở về hẹn tiếp cuộc ra đi.
Lê Văn Trung


Sunday, December 22, 2019

Truyện ngắn: Không thể tiễn đưa nhau - truyện ngắn Lê Nam Phương (Lê Văn Trung)


Không Thể Tiễn Đưa Nhau

Truyện ngắn Lê Nam Phương (Lê Văn Trung)


Anh ngồi nhìn những giọt mưa rời rã mỏi mệt bên thềm sân ga lạnh lẽo, xa lạ và cô đơn. Những giọt mưa không gieo một âm vang, nó lặng câm nhỏ xuống như thể giọt nước mắt ngậm ngùi của Trâm lăn âm thầm thấm vào lòng anh xót xa hai mươi mấy năm về trước, khi nàng đứng tội nghiệp trơ trọi trong cảnh chiều mùa đông phi trường Liên Khương sương mù.
Bây giờ trên sân ga nhỏ ở một thị trấn nhỏ miền Trung, sau những ngày mưa bão tơi bời, bầu trời vẫn còn đang nặng nề và dai dẳng mưa, anh lại mong ước, một cách nhiệm mầu nào đó, Trâm, trong màu áo mưa tím nhạt, chiếc ô màu hoa khế, chạy đến ôm chầm lấy anh, mắt nhòa lệ và nói với anh lời chia tay tràn yêu thương.


Hai mươi mấy năm trôi qua, bao biến động của lịch sử, bao đổi thay của vòng đời, bao va chạm của những xung đột, bao nổi trôi lận đận của kiếp người, không biết rồi Trâm có còn nhớ đến anh, có còn giữ lại chút hương đời dịu ngọt của một thời hoa dại ngày xưa, hay rồi nàng cũng chỉ, như bao người con gái khác, rũ bỏ những khát vọng tuyệt vời lãng mạn, để bị cuốn vào những lo toan, những mưu cầu trần gian nhất, rồi tự bằng lòng với những gì có được của một đời sống bình thường, nếu không muốn nói là quá tầm thường, và tự tô hồng nó bằng chút màu sắc ảo mộng kiếm tìm trong đó chút hạnh phúc mỏng manh của đời người vốn bao giờ nỗi phiền muộn cũng nhiều hơn niềm hoan lạc.

Điều đẹp nhất bao giờ cũng luôn còn ở phía trước, hoặc là nó đã mất ở đâu đó rồi, con người trong hiện tại vẫn hoài niệm quá khứ và khát khao tìm kiếm ở tương lại.  Nhưng trong lòng anh bây giờ, khi ngồi nhìn mưa rả rích nơi sân ga tỉnh lẽ này, nhìn những con người di động như những cái bóng, lặng lẽ cam đành, dáng vẻ người nào cũng như đang lục tìm, chạy trốn, âu lo, anh lại nhớ đến Trâm, nhớ đến những ngày sôi nổi của tuổi trẻ, những đêm lửa trại cầm tay nhau hát điên cuồng, những ngày xuống đường bừng bừng nhiệt huyết kêu gọi hòa bình tự do no ấm; 



những đêm đốt đèn cầy đọc thơ phản chiến, những ngày chạy trốn và những tuần lễ nằm trong trại giam, rồi lại vẫn tiếp tục, vẫn chuyển cho nhau tấm lòng khao khát về một thế giới tràn ngập yêu thương.  Nhưng điều đẹp nhất đó chỉ là những ước mơ trong quá khứ.  Và cho đến bây giờ, nó cũng chỉ nằm lại ở đó: ở quá khứ!

***

Giờ đây, anh, một lần nữa, không biết bao nhiêu lần trong đời mình đã qua, thực hiện một chuyến đi, có điều khác biệt là ngày xưa, cho dù ở sân ga bến cảng nào, cho dù vào thời khắc nào, những chuyến đi cũng mang đầy những ước vọng, mang đầy lòng thương yêu, những vòng tay ôm giã từ, những nụ hôn thắm thiết và những lời hẹn hò.  



Bây giờ, một mình, một túi xách với vài cuốn sách, anh cũng đi, cũng trên sân ga, nhưng, một mình, không một người đưa tiễn, không một cái bắt tay, không một lời từ biệt. Và anh, người hành khách cô đơn này, sẽ lên chuyến tàu chiều nay, để lại làm một chuyến đi vô vọng và hoài nghi. Có thể anh không chỉ là người hành khất duy nhất mang đầy tâm trạng như thế. Những bóng người di động trên sân ga, chắc cũng có kẻ như anh. Mà không biết đâu chừng đây là chuyến tàu chung, chuyến tàu của thế hệ anh, chuyến tàu của những người thua cuộc, bó tay bất lực trước định mệnh nghiệt ngã của lịch sử.


Hình như cũng có một vài người, ở nơi góc sân ga này, nơi góc phòng đợi kia, hoặc đi tới đi lui dưới màn mưa trên sân ga, với nét mặt u hoài và âu lo. Họ tiển đưa nhau? Hay là họ đang vĩnh biệt nhau?

Bây giờ có thể Trâm đang ở một nơi nào đó rất xa, chắc nàng sẽ không bao giờ tưởng ra nổi anh đang đứng đây, nơi sân ga tỉnh lẽ này dưới màn mưa rả rít này, để tiếp tục cuộc hành trình còn lại của đời mình, đơn độc, lẻ loi, với một ước vọng tội nghiệp: có một người để chào từ biệt.

Anh đưa mắt nhìn một cách thân thiện nhưng người đi ngang qua anh, những mong nhận lại một ánh nhìn cảm thông, để anh tự ủi an lòng mình, ít ra cũng có một người thầm lặng từ giã anh.

***


Và rồi anh như chợt sững sờ, kinh ngạc và xao động, nhịp đập trái tim anh tê buốt như dừng lại, anh đưa tay bấu chặt vào ngực mình, cái túi xách nơi vai tụt xuống, anh mở to mắt nhìn dán vào chiếc áo mưa màu tím và chiếc ô màu hoa khế đang đứng bất động cuối sân ga.  Thật không thể tin được.  Chẳng lẽ là Trâm?  Điều mầu nhiệm anh mơ ước đã hiển linh thật rồi. Anh ngửa mặt lên trời, đưa tay làm dấu và tiến về cuối sân ga.  Khi còn cách chỗ chiếc áo mưa màu tím dăm bước, anh dừng lại, không nén được nỗi xúc động và nguồn vui dâng trào, anh buộc miệng gọi:

-        Trâm!

Chiếc áo mưa màu tím quay về phía anh, nhưng khuôn mặt còn khuất dưới chiếc ô màu hoa khế.  Không kìm lại được, niềm hân hoan và nỗi đớn đau buốt giá vỡ òa trong anh, anh bước tới vài bước, toan đưa tay nắm bàn tay trắng như hoa sứ đang cầm chặt cán chiếc ô màu hoa khế.  Một cơn gió nhẹ đẩy chiếc ô lệch về sau một chút lộ rõ khuôn mặt thanh tú có đôi mắt u buồn của cô gái. Anh lúng túng:

-        Xin lỗi, tôi nhầm, xin lỗi cô.

Cô gái nở một nụ cười hiền dịu để lộ hàm răng trắng sáng như ngọc bên trong đôi môi tím nhạt vì mưa lạnh.

-        Không có gì cả.  Không sao anh ạ.

Tiếng nói của cô ngọt và nhẹ len vào anh như một làn hương làm cho niềm thất vọng tưởng chừng quặn buốt trong lòng được vỗ về và xoa dịu.

-        Xin lỗi.  Xin lỗi.  Tôi… Cô cũng đi chuyến chiều nay?

Cô gái quay hẳn về phía anh, ánh mắt không dấu nổi bồn chồn và buồn bã:

-        Không.  Em đi tiển một người bạn.  Anh đi chuyến tàu chiều nay?

-        Vâng tôi đi chuyến chiều nay.

Nghe giọng nói lạ của anh, không nhìn anh, cô hỏi:

-        Hình như anh không phải người vùng này?

-        Tôi từ xa đến, được vài hôm.  Trên đường đi tôi dừng lại đây hy vọng tìm được người bạn cũ rất lâu không gặp nhau.  Nhưng không may, anh ấy không còn ở đây.  Còn cô?

-        Gia đình bố mẹ em chuyển về đây gần mười năm rồi.

Tiếng cô gái dễ thân thiện và gần gũi, lòng anh ấm lại và hạnh phúc. Anh nhớ đến Trâm qua hình ảnh cô gái đứng bên anh trên sân ga dưới màn mưa nhẹ, se lạnh. Anh thèm được nắm bàn tay cô gái, hôn lên năm ngón tay mềm mại và tội nghiệp, để được cám ơn cô, cám ơn trời đất cho anh gặp cô trong buổi chiều cô đơn nơi xa lạ này.


-        Nếu anh ấy đến, anh nhìn cô gái và nói, chúng tôi sẽ làm quen nhau, tôi sẽ có một người đồng hành, chuyến đi chắc đỡ quạnh hiu hơn.


Cô gái vẫn nhìn hun hút về phía xa, nơi con đường dẫn về sân ga, xe cộ qua lại thưa thớt và vài bóng người vội vã che ô đi ngược về phố.


-        Vâng, em sẽ giới thiệu hai anh với nhau.  Tha hồ hai người tâm sự trên chuyến đi này.

Cô gái thoáng buồn và xa xôi:

-        Chuyến đi chẳng có một dự báo gì rõ ràng ở phía trước.


Anh như thấy được tâm sự u uất nơi cô gái và cảm thấy, hình như, người bạn đồng hành chiều nay với anh cũng chẳng là một hành khách bình thường.

-        Hai người có hẹn với nhau ở đây.

Anh thấy mình hơi ngớ ngẩn khi hỏi cô như thế, song anh chẳng dám hỏi gì hơn ngại đi sâu vào riêng tư của cô và người bạn chưa đến của cô.  Anh hỏi cốt để được nghe tiếng nói của cô và biết đâu cô gái sẽ bộc bạch cùng anh.




Trong những chuyến đi đã qua trong đời mình, có lần anh đã để Trâm đợi chờ vô vọng trên sân ga mùa đông ở Huế.  Lần đó anh hẹn nàng sẽ đến Huế trong chuyến tàu đêm từ Sài Gòn, nhưng anh đã bị cảnh sát giữ lại trên đường từ cư xá đến Bình Triệu.  Tình hình Sài Gòn bấy giờ vô cùng bất ổn, chính quyền tăng cường đàn áp và bắt bớ.  Các phe nhóm đối lập, khối Phật Giáo Ấn Quang, các tướng tá cơ hội, công khai hay bí mật ráo riết lao vào cuộc chạy đua chính trị cho tình hình thủ đô miền Nam bấy giờ đã bất an càng náo động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Anh và một số anh em lần lượt bị bắt và phong trào có cơ tan rã.


Lúc ấy Trâm đã chờ anh trên sân ga mùa đông Huế với nỗi tuyệt vọng và buồn giận, sau này nàng đã tỏ lại với anh như thế và anh đã để nàng khóc trong tay anh với niềm thương yêu vô bờ.

Cô gái có nghe anh hỏi nhưng không trả lời, cô đưa tay nhìn đồng hồ, nét mặt hiện rõ nỗi lo âu bồn chồn.  Hình như cô đang khóc.  Đôi mắt cô ướt long lanh.  Nhìn đôi mắt của một cô gái đang khóc, anh thấy đẹp lạ lùng, vẻ đẹp của nỗi đau dồn hết lại nơi hai giọt lệ ứa ra từ hai khóe mắt.

***

Tiếng loa thông báo cho hành khách chuẩn bị lên tàu vang lên trong màn mưa bụi, mọi người vội vã tiến về phía cửa sau phòng đợi.  Anh cho tay vào túi xem tấm vé tàu còn không, chưa vội vã từ giã cô gái.

-        Còn những hơn mười lăm phút nữa tàu mới chạy.  Chúng ta cố chờ anh ấy.

Cô gái đưa mắt nhìn anh như thầm cảm ơn.

-        Không biết anh ấy có gặp gì bất trắc không.

-        Chắc không đâu cô.  Có lẽ trục trặc xe cộ gì đó thôi.

Tiếng loa phóng thanh lại vang lên lần nữa.  Cô gái quay hẳn về phía anh:

-        Anh lên tàu đi kẻo trễ.  Em đứng đây chờ anh ấy đến, em sẽ báo có anh, à mà anh, gọi anh là gì nhỉ?

-        Hoàng. Tên tôi, Hoàng.

-        Em là Trang.

-        Tạm biệt Trang.

Anh đưa tay muốn bắt tay từ biệt cô gái, nhưng cô gái hình như không để ý, mắt vẫn hướng về con đường dẫn đến ga.

Anh lầm lũi bước đi về phía cửa ra tàu, lòng buồn rười rượi, thầm mong cho cô gái gặp được người bạn, và anh cũng nôn nao chờ người thanh niên xa lạ chưa một lần gặp đó, kẻ đồng hành với anh trên chuyến tàu chiều nay, chuyến đi mà, như cô gái đã nói: “Không có dự báo gì rõ ràng”.

Đi chỉ là đi. Không thể đứng lại là đi. Không thể đọng lại như ao tù mà phải chảy như dòng sông.  Không thể tụ lại mà phải lang thang như mây trời.  Đi chỉ là đi. Không như những chuyến đi mấy mươi năm về trước.  Và cũng không thể như mấy mươi năm về trước đi vì những khát vọng sáng ngời, vì những thôi thúc lên đường của tuổi trẻ đẹp như hoa cỏ mùa xuân.  Bây giờ, ra đi vì không chịu đựng nổi những vây khốn của đời sống, vì những ức chế như bị giam cầm, vì chán chường và mỏi mệt, vì suy kiệt cả xác lẫn hồn.  Đi vì không thể quanh quẩn trong những phân vuông đầy những chất thải của cả một hệ thống cà lăm nhai nhãi suốt ngày từ những hố rác này đến hố rác nọ. Dù biết rằng đi đâu rồi cũng vậy. Nhưng thà lăn đi để biểu tỏ một thái độ, một cách sống, còn hơn nằm chết đi cam đành, mục rữa.


Anh chưa vội bước lên tàu.  Con tàu đen và dài như một con sâu khổng lồ gầm gừ phun khói lên trời và thét một hồi còi xé rách không gian ẩm ướt. Người đi kẻ tiển nắm tay nhau chưa muốn rời.  Có những đôi mắt ứa lệ và những nụ cười méo xệch. Anh nhìn hút về cuối sân ga.  Cô gái vẫn đứng cam đành, màu tím chìm trong mưa bụi.  Anh nhớ Trâm và thương cô gái vô chừng.

Tàu sắp chuyển bánh rời ga.  Anh quay lại nhìn về cuối sân ga.  Chiếc áo mưa màu tím vẫn bất động ở đó. Anh nói thầm trong miệng: “Thôi, từ biệt Trang”.  Anh đến bên cửa tàu, một tay nắm tay vịn, chân bước hờ lên, lòng buồn vô hạn. Có bàn tay ai đó vỗ nhẹ vào lưng anh:

-        Này anh gì ơi, anh lên cho người khác lên, hay làm ơn tránh ra…

Anh buông tay vịn, bước hẳn xuống, không nhìn người vừa nói, anh quay vội ra sân ga.  Một hồi còi rú lên nghe ghê rợn và tiếng động cơ xình xịch sau anh. Anh chạy băng về cuối sân ga.  Sân ga vắng ngắt.  Chiếc áo mưa màu tím cũng không còn ở đó.  Anh dáo dác đi tìm và tự dưng một nỗi ân hận vô cớ dâng ứ trong lòng.  Anh tự trách mình sao không quyết định sớm hơn để ở lại với Trang rồi ngày mai đi cũng có sao đâu.  Biết đâu ngày mai tốt hơn cho anh, ít ra cũng hy vọng gặp người bạn của cô gái, hay ít ra khi còn ở bên Trang anh thấy đỡ lẻ loi hơn.  Tâm trạng lẻ loi và cô đơn trong buổi chiều mùa đông mưa rả rích trên sân ga này anh nhớ Trâm vô bờ và anh thấy giờ phút gần bên Trang chiều nay thật cần thiết.

***

Thời tiết trở nên âm u hơn.  Anh buồn rủ ngồi xuống.  Hình ảnh cô gái chập chờn trong đầu.  Không biết tìm nàng ở đâu.  Điều anh biết duy nhất chỉ là tên của nàng, màu tím của chiếc áo mưa và cái ô màu hoa khế. Anh đốt một điếu thuốc và nghĩ tới cái phòng trọ bình dân bẩn thỉu đêm nay với những cô gái làm tiền chưa quá hai mươi, ăn mặc lôi thôi, mặt mài nhễ nhại phấn son rẻ tiền, căn phòng đầy chuột bọ tối om với những mảng tường vôi nham nhỡ viết đầy những câu tục tỉu.

Bây giờ ở lại nơi cái thị trấn tỉnh lẽ này, thật vô nghĩa nếu không gặp lại cô gái.  Tàu thì đã đi xa.  Anh thầm rủa mình và tự mỉm cười chua chát.  Anh toan đứng lên đi về phía con lộ dẫn vào trung tâm thị trấn với hy vọng tìm ra cô gái, nhưng một tiếng gọi thật khẻ sau lưng anh:

-        Anh!

Anh quay lại.  Chiếc áo mưa màu tím đang đứng trước mặt anh, mắt đỏ hoe, chiếc ô màu hoa khế gấp lại cầm nơi tay, đầu tóc cô ướt nước mưa.  Anh bàng hoàng như mình đang chiêm bao, không nói gì với cô gái, anh lấy cái ô nơi tay cô bung ra và che mưa cho cô.

-        Sao anh còn ở đây?

-        Tôi không nỡ đi được Trang à.

Cô gái cảm động cầm tay anh.

-        Cảm ơn anh, nhưng lỡ chuyến đi của anh rồi.

-        Không sao, những chuyến đi không có dự báo gì ở phía trước, như cô nói đó, thì trễ một ngày hay sớm một ngày cũng chẳng thay đổi gì.  Chẳng thay đổi được gì đâu, Trang à. Nhưng cô ở đâu từ hồi giờ, tôi loay hoay trên sân ga, thất vọng.


Trang buông tay anh ra, đi sát vào người anh.  Mùi hương con gái nơi nàng thoảng vào anh nhẹ như làn hơi thở mong manh và tinh khiết.


-        Tàu sắp chạy, cô nói, anh ấy không thấy đến, em nghĩ phải vào gặp anh để nói cái gì đó, không biết anh lên cửa nào, em dáo dác chạy dọc theo tàu cho đến khi tàu chuyển bánh, chẳng thấy anh đâu.  Em đứng nhìn theo con tàu mà khóc.  Thất thểu ra về thì gặp anh đây.  Không biết em cảm ơn anh hay ân hận vì em mà anh lỡ chuyến đi.


-        Cô đừng bận tâm. Tôi vô cùng cảm ơn là đã được gặp Trang ở đây.  Tôi thấy được an ủi trong chuyến đi đơn độc này.


Dù trong lòng hai người cùng đang nặng trĩu và lo buồn nhưng họ cũng cảm thấy ấm lại phần nào khi đi bên nhau dưới làn mưa rắc lạnh này.

-        Anh định đi tận đâu?

Cô gái e dè hỏi.

-        Cũng chưa có một chốn dừng chân cụ thể, Trang à. Tôi đi chỉ là muốn thoát ra khỏi cái nhàm chán thường ngày, muốn chạy trốn cái thành phố dày đặc rác bẩn và bụi bặm.  Đi để tự đánh lừa mình về một sự đổi thay dễ chịu hơn.

-        Ở đâu rồi cũng vậy anh à.

-        Vâng, ở đâu rồi cũng vậy.

-        Anh ấy cũng đã nói với em như anh, luôn luôn cảm thấy tù túng.  Bọn em, phụ nữ dễ an phận.  Không biết đến bao giờ thì chúng ta mới an tâm sống bên nhau.


Hai người đi tới một ngã tư, Trang lưỡng lự chậm bước lại.  Trời đã thôi mưa, nhưng đường đầy nước đọng từng vũng.  Thị trấn nhỏ bé và nghèo nàn, những hàng quán hai bên đường thưa thớt người. Anh gấp cái ô lại trao cho cô gái:

-        Nhà Trang về ngã nào?

Nàng cầm cái ô và nhìn anh.

-        Hay là đêm nay em mời anh về nhà em.  Ba mẹ em cũng không sao đâu.

-        Thôi được, cám ơn Trang. Tôi sẽ ghé thăm.  Nhưng bây giờ ta tìm anh ấy ở đâu?

Cô gái chưa trả lời thì một tiếng kêu hớt hãi sau lưng:

-        Chị! Chị Trang!

Cô giật mình quay lui.  Một thanh niên chừng hai mươi hăm hai, dáng cao gầy, lao chiếc xe đạp về phía hai người, chiếc xe lạng quạng rồi dừng lại.  Đôi mắt anh mở to nhìn người đàn ông xa lạ đứng bên cô gái, rồi nhìn cô. Trang, sau phút giây bối rối, bước đến bên người thanh niên, một tay vịn vào ghi đông xe, một tay vẫn cầm chiếc ô:

-        Có gì không em? Nàng nói với người thanh niên.  Anh Tuyên đâu?

Người thanh niên lại nhìn người đàn ông đang cố ý nhìn tránh đi nơi khác để cho hai người nói chuyện.  Cô gái hiểu ra:

-        À, đây là anh Hoàng.

Quay về phía anh cô gọi nhỏ:

-        Anh Hoàng, Anh Hoàng, đây là Sơn, em họ em.  Nhưng anh Tuyên đâu?

Người thanh niên tên Sơn dẫn chiếc xe đạp vào lề:

-        Anh Tuyên gởi lời xin lỗi chị, anh ấy không thể lên tàu ở ga chính này được.  Em phải chở ảnh bằng xe đạp gần hai chục cây số để đến một ga nhỏ.  Ảnh đã lên tàu rồi.  Ảnh buồn lắm.  Không lên ga này được.  Có hai người bạn của ảnh đã bị bắt.

-        Nhưng tại sao?  Anh Tuyên có làm gì hả?

-        Em không biết.  Ảnh chỉ nhắn xin lỗi chị và nói: “Cậu cố gắng săn sóc Trang, anh đi chưa biết khi nào quay về được”.

Trang, hai con mắt rơm rớm, nàng nhìn anh, nàng nhìn như cầu cứu, như dò hỏi, đớn đau.

Anh nhìn Trang, nhìn Sơn, rồi nhìn bầu trời ẩm đục đang tối dần.

Hình ảnh con tàu đang vút đi trong màn mưa đêm, mang trên mình nó một người khách đang trốn chạy vì bị rượt đuổi, lòng vẫn mang hy vọng trở về. Anh không biết Tuyên là ai, đang đeo đuổi những mục đích gì, nhưng anh vẫn thầm cám ơn những con người ấy, ít ra họ cũng biểu tỏ một thái độ, một nhân cách sống, không đầu hàng. Anh thầm nhủ trong lòng: “Tuyên, anh không đơn độc đâu, trên những chuyến tàu xuôi ngược đó, vẫn còn, vẫn còn những người như anh, tiếc là chúng ta chưa có cơ hội để gặp nhau”.

Anh đưa tay bắt tay Sơn, nhìn Trang:

-        Như vậy là anh ấy đã lên tàu bình an rồi.  Cô đừng lo lắm. Chúc chuyến đi của anh ấy may mắn.

Trang nhìn anh, hai giọt nước mắt long lanh như hai giọt sương:

-        Em xin lỗi, anh đã vì em mà lỡ chuyến tàu.

-        Đừng bận tâm.  Những chuyến đi của chúng tôi chưa dừng lại, còn đi mãi, cho đến một ngày …

Anh bỏ lững câu nói, nhìn Sơn:

-        Thôi xin tạm biệt.  Đừng buồn.  Hãy hy vọng.

Anh vội vã bước đi về phía trung tâm thị trấn.  Ánh đèn đường bệnh hoạn hắt xuống hiu hắt.  Phố xá vắng hoe. Anh vừa đi vừa quay lại, giơ tay vẫy chào.  Chiếc áo mưa màu tím chìm trong ánh sáng mờ mờ.  Anh thấy một cánh tay của nàng đưa lên rồi buông thỏng xuống.  Nàng vẫn chưa chịu bước đi.

Anh dừng hẳn lại, lòng dâng lên một mối thương cảm vô bờ.  Một làn gió nhẹ lan qua lạnh buốt. Anh định bước về phía nàng.  Nhưng Trang đã quay đi, lặng lẽ.  Màu tím chiếc áo mưa tối lại như một cái bóng trôi đi trong mưa.

Lê Nam Phương

Nhớ màu hoa cũ

NHỚ MÀU HOA CŨ   Rất lẻ loi một đóa hoa vàng Nở muộn bên đường chiều đang sương Có người chợt nhớ mùa thu trước Hoa cài lên tóc còn ươm h...