Thursday, July 7, 2022

Binh thơ: HUẾ CỦA PHƯƠNG, MỘT PHƯƠNG TÌNH VIỄN MỘNG - Lê Văn Trung

 
HUẾ CỦA PHƯƠNG,
MỘT PHƯƠNG TÌNH VIỄN MỘNG
                     - Lê Văn Trung -
 
Để nói về một con người - một con người mà đấng quyền năng đã tạo dựng nên - một cách đầy đủ và trọn vẹn, trung thực và chân thành, thật không dễ! Lại càng không dễ khi con người đó lại mang một sứ mệnh mà không phải bất cứ ai trên cõi đời này được chọn lựa và trao gởi. Người đó là thi sĩ, là nghệ sĩ. Cho dù họ mang một sứ mệnh thiêng liêng là khám phá và tuyên xưng cái đẹp, nuôi dưỡng và phát huy nhân văn nhân bản, sáng tạo và rao truyền nghệ thuật. Họ có thể là người không hoàn hảo về thể chất nhưng lại toàn bích về tinh thần.
 
Xin thưa! Đó chính là những thi sĩ – những con người vượt không gian và thời gian. Không gian của họ là một tổ quốc chung không biên giới, thời gian của họ là quá khứ trong tương lai.
 
Để nói về họ đầy đủ thật không dễ gì.
 
Cho nên, trong bài viết ngắn này, tôi xin chỉ nói về một mảng màu như trong một bức tranh sắc màu: Một Phương Trời Viễn Mộng Tình Yêu Trong Thơ Phương Tấn.
 
Chúng ta sẽ nhắc lại đôi nét đời thực về thi sĩ Phương Tấn.
 
Chàng trai thi sĩ Phương Tấn Nguyễn Tấn Phương nguyên quán thành phố cảng tuyệt đẹp Đà Nẵng. Anh có niềm đam mê văn chương rất mãnh liệt và tài năng phát tiết rất sớm.  Cộng vào đó là tình yêu quê hương dân tộc trong anh cũng vô cùng mãnh liệt.
 
Vào khoảng thập niên 60, chàng trai trẻ Phương Tấn đã có những việc làm đáng trân trọng và ngưỡng mộ. Về mặt xã hội, anh đã thành lập một nhóm thịện nguyện gồm anh chị em cùng trang lứa. Anh em của anh đã tự đi bán sách báo để lấy tiền mua gạo, thực phẩm, áo quần... cứu trợ đồng bào nghèo, hay sau này anh tự xuất bản, tái bản tập bút ký “Hòa Bình Ta Mơ Thấy Em” của anh để lấy tiền cấp học bổng toàn niên Trung học cho học sinh nghèo hiếu học, cứu giúp đồng bào cùng khổ trong các trại tị nạn và thực hiện nhiều công tác xã hội. Tuổi trẻ bấy giờ thật lý tưởng.
 
Anh bước vào khu vườn văn chương rất sớm, cái thời còn là một học sinh trung học tại một ngôi trường danh tiếng ở Đà Nẵng. Trường Phan Chu Trinh. Sự nghiệp văn chương, báo chí của anh khá đồ sộ và có một chiều dài bằng cả cuộc đời anh. Tôi ấn tượng nhất về anh là đã quy tụ được một số anh em văn nghệ rất trẻ in ấn và xuất bản một số tạp chí có giá trị như Sau Lưng Các Người, Cùng Khổ, Ngôn Ngữ cùng các thi tuyển Rừng, Vỡ... đặc biệt là những bài thơ trong tập thơ “Di Bút Của Một Người Con Gái” ký bút hiệu Thái Thị Yến Phương trong thân phận một cô gái làm điếm đã gây tiêng vang lớn trong làng báo làng văn lúc anh chỉ vừa 14, 15 tuổi.  Anh là con chim đầu đàn trong nhóm anh em văn nghệ Đà Nẵng lúc bấy giờ. Anh đã tham gia viết cho hầu hết các báo ở miền Nam trước 1975, từ nhật báo, tuần san đến nguyệt san...
 
Thơ Phương Tấn xoay quanh hai chủ đề Tình Yêu và Quê Hương.
 
                                                  ***
 
Thơ là tiếng gọi vọng từ thiên cổ, băng qua thảo nguyên đồi núi đồng bằng đời người, băng qua chập chùng dâu biển tang thương, xiển dương niềm hạnh phúc và cả nỗi khổ đau, để hóa giải thành một dòng nhân sinh dù qua muôn vàn bất trắc vẫn tụ về trong biển chân thiện mỹ. Và tình yêu trong thơ là một mặc định cho chân lý vĩnh hằng đó.
 
Với anh, Phương là một bài thơ. Phương là nỗi khát khao cháy bỏng của thơ. Phương là một khung trời viễn mộng. Phương là nỗi buồn và niềm vui đẹp như đóa hoa vừa nở vừa đón chờ tàn phai.
 
“Không mắt nào buồn
Buồn hơn mắt Phương”
 
Phương là hương là nhụy là sắc màu trên một bức tranh có cả bình mình và hoàng hôn.
 
“Gót lẫn trong sương sầu bay áo não
Trời cũng trầm trầm thơm ngát da Phương”
 
Phương là da là thịt đất trời. Phương là sương là tuyết, là nỗi nóng chảy lửa chiều, là băng giá lạnh căm của ước mơ mộng ảo mà nghe: “Hồn reo từng bữa” và để thấy: “Thơ hồng thắp sáng thân Phương”.
 
Phương là lụa trắng, là ngọc ngà, là chim ca, là lá reo, là  nắng xuống vai gầy”.
 
Tình yêu trong thơ Phương Tấn là sóng vỗ miên man dội vào muôn trăng biển cát. Cát là Phương, bờ bãi là Phương. Tình yêu trong thơ Phương Tấn biến tấu muôn ngàn giai điệu.  Khi trầm lắng, khi dữ dội, lúc u buồn, lúc tươi vui. Đủ biết tâm hồn của thi nhân mênh mông lãng mạn đến cùng.
 
“Yêu Phương của anh bằng nước mắt này
..........Anh chăn từng sợi tóc”
 
Như mục tử chăn đám chiên lành.
 
Với anh, Huế của Phương là một Phương tình viễn mộng. Phương của anh là một nhành liễu. Phương của anh là đóa sen hồng. Phương của anh là một nàng tôn nữ. Phương của anh là mấy cửa nội thành, là “Áo em trắng quá nhìn không ra (HMT)”. Phương của anh là Đông Ba Gia Hội, là bến Ngự Phủ Cam, là Đồng Khánh Thương Bạc...
 
“Ôi Huế buổi mai buổi chiều nhớ chi nhớ lạ
Má lúm đồng tiền bảo chi không thương”
 
Nỗi buồn tình yêu trong thơ Phương Tấn đẹp đến se lòng. Cảm xúc của anh bén nhạy quá:
 
“Sao lệ anh rơi dù chưa kịp khóc
Sao mây bay bay cho anh tưởng tóc”
 
Nỗi buồn trong thơ tình Phương Tấn là một nỗi buồn đẹp, đẹp vì như đóa hoa nở giữa mùa thu:
 
“Phương nghe đó trời thu lên lành lạnh
Lòng cũng vàng theo lá ở trong cây
Vui cũng bay theo gió ở trong ngày
Một chút lệ, thêm chút buồn vừa chín”
 
Chút buồn vừa chín” là một tín hiệu của mối tình đạt đến ngưỡng cửa tuyệt đối: Đó là hạnh phúc của một nỗi buồn.
 
“Buồn chị lạ, buồn không ai buồn hộ”
 
Là lời kêu cầu khát khao tuyệt đích trong tình yêu.
 
Xin cảm ơn anh, thi sĩ Phương Tấn.
Cảm ơn bài thơ “ Ở Huế nhớ Phương”.
 
Lê Văn Trung
Quê nhà, 25.6.2022

 

 

 

Tuesday, July 5, 2022

Bình thơ: Lê Văn Chung bình thơ Mặt Trời Không Còn Mọc ở Phương Đông của Lê Văn Trung

MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ
KHÔNG BAO GIỜ MẶT TRỜI CÒN MỌC Ở PHƯƠNG ĐÔNG
 
Bài thơ của nhà thơ LÊ VĂN TRUNG (Trung Le)
Bài thơ KHÔNG BAO GIỜ MẶT TRỜI CÒN MỌC Ở PHƯƠNG ĐÔNG, của nhà thơ LVT, dường như là một sự giác ngộ của nhà thơ về một điều rất quan trọng trong cuộc sống của con người đó là MẶT TRỜI & TÌNH YÊU.
 
Mặt Trời, là một biểu tượng cho cuộc sống nồng nàn, nóng bỏng, say mê, khao khát , phiêu lưu, hướng ngoại, trải rộng khắp vũ trụ. Khi Mặt Trời mọc, cũng là thời điểm mọc của tất cả năng lượng trong tồn tại, trong đó có năng lượng của TÌNH YÊU, cho nên trong khổ thơ đầu tiên tác giả đã viết:
 
Khi thức dậy tôi vẫn tưởng mặt trời đang mọc ở Phương Đông
Và chim vẫn hót ở chùm mận đỏ
Tôi cứ mãi tin em là thiên thần trong truyện cổ
Và mặt trời vẫn mọc ở phương em.
Và sân nhà em vẫn nở một nhành lan
Cùng sương trăng em mở lòng hương phấn.
 
Giống như việc con người đã quá đồng nhất cái Tánh Biết của mình, cái TA HIỆN HỮU của mình với cơ thể Vật Lý của mình. Như thể một người đã tự lừa chính mình khi tin rằng những bức tường của nhà anh ta là nhà của anh ta. Thực tế các bức tường của ngôi nhà không phải là ngôi nhà, bạn phải đi sâu vào một chút, để tìm thấy cái cốt lõi bên trong nhất của con người bạn - Và lõi trong cùng đó đó là vô hình. Cốt lõi trong cùng đó mới thực sự là Mặt Trời & Tình yêu của bạn. Thông thường mọi người chúng ta chỉ biết một loại TY thể xác, đó là tình dục- Sự mê đắm của cơ thể. Nó không có chiều sâu, nó sâu chừng mức có liên quan tới cơ thể vật lý. Đó là những gì bạn gọi là tình yêu theo nghĩa thông thường nhất, thực chất nó chỉ là một loại TY mà thôi, chỉ nên coi đó là sự rơi vào TY. Thế rồi, có một loại tình yêu thứ hai, tình yêu của thân phúc lạc, đa số các bạn không biết về nó. Nó không phải là rơi vào. Đó là một sự tĩnh lặng, sự đọng lại. Bạn không rơi vào ai cả, thay vào đó bạn trở nên bén rễ, được tiếp đất. Bạn mất đi mọi dao động, bạn mất đi mọi con sóng, bạn trở thành một vực sâu im lặng. Đó mới thực sự là những gì nên có nghĩa là TY.
 
Tất nhiên, khi con người ta còn trẻ, sự trải nghiệm còn nhiều hạn chế, thì đa số chúng ta là tìm kiếm Mặt Trời & TY từ xa cho những gì kề bên, đa số mọi người chúng ta không có khả năng đi vào bên trong bản thể của mình, họ bắt đầu với MT & TY bên ngoài, cho nên:
 
Tôi cứ tưởng mặt trời đang dạy muộn
Khi Em và Tôi thức dạy đón ngày lên
………..
Tôi tưởng lòng tôi dậy muộn với lòng em
Và mặt trời còn mãi ngủ quên
Sẽ thức dậy cùng tình tôi đã chìm trong quên lãng
Sẽ thức dậy cùng em mở lòng em hương phấn
 
Thế giới bên ngoài là rất bao la – Bạn có thể tiếp tục, và tiếp tục, bạn có thể tìm kiếm (hoặc chờ đợi) trên khắp trái đất, trong cõi trăm năm – đó là cõi người & kiếp người. Cụm từ CÕI TRĂM NĂM, là một sáng tạo rất thú vị của tác giả, nó hàm chứa trong đó cả không gian và thời gian. Cõi là không gian, trăm năm là thời gian.
Cũng như mọi người, thi sĩ đã đi tìm kiếm và chờ đợi MẶT TRỜI & TÌNH YÊU, suốt cả kiếp người, cho đến khi gần hết kiếp người, gần hết cõi trăm năm, mới nhận ra một điều rằng:
 
Ôi! Mặt Trời không còn mọc ở phương Đông
Con chim nhỏ không về khoe tiếng hót
Trước hiên nhà em nhánh lan ngày xưa bây giờ đã khác
………
Ôi ! Mặt Trời không mọc ở Phương Đông
Tôi thức dậy kiếm tìm tôi lạc lõng
Tôi thức dậy, Ôi! Mặt Trời phương em cũng chỉ là ảo mộng
 
Không bao giờ Mặt Trời còn mọc ở Phương Đông.
Bài thơ có năm khổ thơ thì có đến hai lần, ở hai khổ thơ tác giả lên tiếng kêu ÔI MẶT TRỜI! Lần thứ nhất, ở khổ thơ thứ ba:
 
Ôi! Mặt Trời không còn mọc ở phương Đông.
 
Vẫn có từ CÒN, trong tiếng kêu đó, nhưng sang đến lần thứ hai, ở khổ thơ thứ cuối cùng(khổ thơ thứ năm): Ôi ! Mặt Trời không mọc ở Phương Đông, không có từ CÒN đó nữa. Nó chứng tỏ một điều rằng: Ta đã nhận ra một sự rõ ràng, trong sáng. Ta đã lang thang đủ trong cánh rừng vô thức, trong đêm tối của tâm hồn, khi chạy theo ảo tưởng:
 
Tôi tưởng lòng tôi dậy muộn với lòng em
Và mặt trời còn mãi ngủ quên
Sẽ thức dậy cùng tình tôi đã chìm trong quên lãng
Sẽ thức dậy cùng em mở lòng em hương phấn
 
Con người bắt đầu ngày càng nhận biết nhiều hơn về ánh sáng, về mặt trời, bình minh buổi sáng không còn ở những phương trời cũ, những thiên kiến đám đông rằng: Mặt Trời là phải mọc ở Phương Đông, còn tình yêu, hạnh phúc thì phải đi tìm kiếm ở bên ngoài bản thể của mình. Và một khi bạn đã tận hưởng và nếm trải một chút tự do, thoát khỏi những thói quen của cuộc sống thường ngày, thoát khỏi sự máy móc của nó, thì không ai có thể buộc bạn quay trở lại nhà tù. Bạn sẽ mở đôi cánh của bạn, và bạn sẽ bay về Phương mà Mặt Trời Tình yêu của bạn mọc.
 
Tôi thức dậy, Ôi! Mặt Trời phương em cũng chỉ là ảo mộng
Không bao giờ Mặt Trời còn mọc ở Phương Đông.
 
 
Chúng ta hy vọng sau khi nhận ra được MẶT TRỜI KHÔNG MỌC Ở PHƯƠNG ĐÔNG, thì con người sẽ nhận ra được một chân lý vĩnh hằng đó là: Phương Đông là trong bạn! Nó không phải ở Thái Lan, nó không phải ở Ấn Độ, nó không ở phương Tây & nó cũng không phải ở PHƯƠNG EM, và bạn cũng sẽ không tìm thấy nó ở bất cứ đâu. May mắn nhất, nếu bạn vô tình gặp một người giác ngộ, người đó sẽ ném bạn tới chính bạn. Không phải là người đó sẽ trao nó cho bạn, không ai có thể trao nó cho bạn, kể cả người đó là Phật Thích Ca Mô Ni. Mặt trời đó đã ở trong chính bản thể của bạn rồi, không cần phải trao nó, người ta gọi nó là MẶT TRỜI TÂM THỨC.
 
Sau đây, mời các bạn cùng đọc lại bài thơ :
 
KHÔNG BAO GIỜ MẶT TRỜI CÒN MỌC Ở PHƯƠNG ĐÔNG, của nhà thơ Lê Văn Trung nhé.
 
Không Bao Giờ Mặt Trời Còn Mọc Ở Phương Đông
 
Khi thức dậy tôi vẫn tưởng mặt trời đang mọc ở phương Đông
Và chim vẫn hót trên chùm mận đỏ
Tôi cứ mãi tin em là thiên thần trong truyện cổ
Và mặt trời vẫn mọc ở phương em
Và sân nhà em vẫn nở một nhành lan
Cùng sương trắng em mở lòng hương phấn
Tôi cứ tưởng mặt trời đang dậy muộn
Khi em và tôi thức dậy đón ngày lên
Ôi mặt trời không còn mọc ở phương Đông
Con chim nhỏ không về khoe tiếng hót
Trước hiên nhà em nhành lan ngày xưa bây giờ đã khác
Tôi tưởng lòng tôi dậy muộn với lòng em
Và mặt trời còn mãi ngủ quên
Sẽ thức dậy cùng tình tôi đã chìm trong quên lãng
Sẽ thức dậy cùng em mở lòng em hương phấn
Tôi đợi chờ trong suốt cõi trăm năm
Ôi mặt trời không mọc ở phương Đông
Tôi thức dậy kiếm tìm tôi lạc lỏng
Tôi thức dậy, ôi mặt trời phương em cũng chỉ là ảo mộng
Không bao giờ mặt trời còn mọc ở phương Đông.
 
LÊ VĂN CHUNG

Nhớ màu hoa cũ

NHỚ MÀU HOA CŨ   Rất lẻ loi một đóa hoa vàng Nở muộn bên đường chiều đang sương Có người chợt nhớ mùa thu trước Hoa cài lên tóc còn ươm h...