Friday, November 19, 2021

Bình thơ: Biệt Khúc của Lê Văn Trung - Đặng Toản


Đọc Biệt Khúc của Lê Văn Trung 

Đặng Toản (thi sĩ Bích Thượng Thổ)

 

Anh Lê Văn Trung là một người đồng hương hơn tôi 13 tuổi. Nói rằng hơn 13 tuổi chưa thực sự chính xác phải nói anh là người sống trước tôi một thế hệ. Người thầy dạy Anh văn của tôi (cũng là chủ nhiệm lớp 9 TQT/QN niên khóa 1974/1975 là thầy Doãn Lê bây giờ đang ở Hội An cũng chỉ hơn tôi 10 tuổi). Và tôi đoán không lầm anh LVT cũng làm thầy giáo.


Nhờ duyên văn nghệ, thơ phú mà được hân hạnh quen biết nhau qua trang FB và có khi thỉnh thoảng được góp bài chung trong cùng một số của Thư Quán Bản Thảo. Mỗi lần như thế tôi lại thấy lòng lâng lâng vì chỉ với một bài thơ mà mình, kẻ hậu bối được xếp ngồi chung chiếu với những người trưởng thượng. 

Tuy nhiên càng bất ngờ hơn khi tháng 10/2020 vừa qua, một hôm buổi chiều đi làm về tôi nghe điện thoại reo khi đang lái xe. Chú Phạm Văn Nhàn gọi nhắn lại nhà lấy tập thơ biếu. Lúc ấy tôi vẫn đinh ninh là chắc thơ của hải ngoại, vì chú Nhàn và chú Thư cũng hay in thơ cho các tác giả quen biết, kể cả người viết mới nổi lên ở bên này.


Tôi cầm tập thơ Biệt khúc trên tay mà lòng xúc động đến rưng rưng vì anh LVT dù ở xa nửa vòng trái đất, bằng những phương tiện hạn hẹp của đời sống anh vẫn nhớ đến tôi, một đứa em làm thơ nghiệp dư nhỏ nhít này. Biệt Khúc cùa anh LVT viết không biết lúc nào nhưng được ra đời vào năm 2020 lúc này Việt Nam đang vào giai đoạn đầu của nạn dịch Covid 19 mà mọi người còn gọi là Corona Vũ Hán. Lúc bấy giờ VN chủ trương cách ly và thực hiện khá thành công nên rất ít ca nhiễm và cũng rất ít người chết.


Thi phẩm Biệt Khúc gồm 200 trang khổ 20x14 rất vừa cầm trên tay, nhẹ nhàng khi nằm xem. Đọc thơ tôi rất thích nằm để đọc, nhiều khi say mê quá nhưng do vì làm nhiều công việc khác của đời sống tôi nằm xem đến khi thiếp đi, tập thơ rơi tuột xuống và ngủ quên luôn. Cho nên nếu không vì lý do gì đặc biệt những tập thơ nên in vừa phải, hay mỏng để nằm xem. Tư thế nằm là tư thế thư giản nhất để mình có thể cảm thụ chất thơ từ những bài thơ,  tuy nhiên đây chỉ là ý kiến cá nhân, không chắc đúng với mọi người.


Biệt Khúc gồm có 102 bài thơ dài ngắn và trung bình đủ cỡ, viết bằng nhiều thể loại nhưng thể hiện nhiều nhất là thơ thất ngôn (bảy chữ).


Biệt khúc, ôi cái tên như một điềm báo chẳng lành, càng nghiệm sâu vào tựa đề tập thơ tôi cảm thấy buồn và lạnh. Đọc tới đọc lui mà chưa dám viết lời bình. Nhất là trong giai đoạn ấy tôi phải học bài để thi quốc tịch Hoa Kỳ (qua Mỹ 18 năm mới thi quốc tịch bằng tiếng Việt với một thông dịch viên người Việt giúp, anh này đã định cư đã 35 năm, nói ra hơi xấu hổ chút).


Biệt khúc là gọi tắt của khúc ca biệt ly.
Biệt ly ít nhất có mang hai nghĩa:

a- tuyệt đối: đồng nghĩa với cái chết.
b- tương đối: là sự chia ly, chia tay, chia cách. 

Trong những cuộc chia ly nơi cuộc sống này, hình ảnh chia ly hay được nhắc đến ở một sân ga, phi trường, một quán vắng v…v. và trong chúng ta bất cứ người nào cũng từng là sân ga, cũng từng đóng vai con tàu, có khi chia ly cũng được mô tả bằng một dòng nước, vài cánh bèo trôi lạc dựa một chân cầu và một vài đợt sóng: Thôi đành trả lại xưa sau – Dòng tôi sóng chạm chân cầu lãng quên (Chân cầu lãng quên trang 76), ôi thân phận của con người là thế!


Ấy vậy mà cái tên Biệt Khúc này đã vận vào một người bạn thân của tác giả là anh Hạ Đình Thao, đã vĩnh viễn rời bỏ cõi trần tạm bợ này năm 2021. Anh Hạ Đình Thao (78 tuổi) cũng quen với tôi trên trang FB anh là một người hiền lành và cực kỳ dễ mến, nhưng dường như anh HĐT không qua đời vì nhiễm Covid19. Rồi đến đợt 2 lây nhiễm của biến chủng Delta vào cuối tháng 7/2021 về sau này Sài Gòn cũng thực hiện giãn cách nhưng không còn hiệu nghiệm như lần trước. Số lượng người chết tăng nhanh chưa từng có, và cả những người nghệ sỹ nổi tiếng cũng đã qua đời như ca sĩ Phi Nhung. Tôi càng lại thấy buồn và lạnh. Chợt nhớ đến một nhà văn nào đó người Tây phương đã nói: Thi sĩ là một tiên tri thấu thị (Voyage).


Mở đầu tập thơ là bài “Bài cuồng ca buồn bã” được viết với thể loại thơ thất ngôn dài 23 đoạn 4 câu (23x4 =92 câu), bài cuối là bài “Kẻ ăn mày sự thật” viết với thể loại tự do dài 2 trang (191 – 192) và kết thúc bằng một bài viết tựa đề “Tình yêu , phận người và con đường thi ca qua thơ Lê Văn Trung” bài viết này dài 8 trang của Viên Hướng có lẽ là một nhà tu hành. (Không hiểu bắt đầu từ khi nào thói quen này trong tôi hình thành là khi cầm một tập thơ trên tay tôi hay xem liền bài đầu và bài cuối, rồi lại chọn đại một bài giữa và sau đó mới đọc theo thứ lớp, vì tôi nghĩ tác giả có thể gửi gắm rất nhiều tâm sự trong những bài này).


Bài cuồng ca buồn bã, đọc kỹ cái đề thấy có một cái gì hơi vướng vướng. Vướng bởi vì cuồng thì không thể buồn bã, cuồng có thể điên, có thể loạn, có thể đập phá chứ nhứt quyết không buồn bã, buồn bã là kết quả, là thuộc tính của trớ trêu, của ngậm ngùi, của oan khiên, của bất công, của trái khoáy, của bất như ý …v…v. Cuồng có tính cách chủ động và tích cực trong khi buồn bã chỉ có tính cách thụ động và tiêu cực. Nhưng tại sao tác giả lại cố tình đặt cái tựa bài đầu tiên như một thách thức sự phê phán. Tôi nghĩ tác giả có một hậu ý rất sâu xa chứ không phải là không biết, bởi có những điều nói trong văn xuôi không được nhưng nói trong thơ được, cho nên khi đọc thơ chúng ta phải đọc qua lăng kính của thơ chứ không thể đọc theo lối đọc văn xuôi. Chính vì vậy thơ có nhiều cái đột ngột nhất, nghịch lý nhất mà cũng mang tính sáng tạo cao nhất.


Thay vì phê bình chúng ta hãy đọc một số phân đoạn trong bài 92 câu bảy chữ này:

Đất nẻ gió khô mùa hạ cháy  
Bò trâu gặm đá trọc đồi trơ
Ta nuốt tình em cho quên đói
Dòng lệ khô bầm đôi mắt thơ (khổ 4 câu thứ 2 trang 5)


Em đây có thể là một người vợ hiền, tảo tần chịu khó lặn lội cam khổ cùng chồng ra đồng, vì thấy cảnh tượng xơ xác của gò đồi, làng mạc người nông dân với phương tiện mưu sinh chỉ có đất đai và gia súc mà lâm vào hoàn cảnh như vậy thực nghẹn ngào. Người vợ hiền nếu đời sống có đầy đủ phương tiện vật chất thì cũng xinh đẹp lượt là như ai, nhưng phải theo chồng qua cảnh khổ mà vẫn thủy chung thế mới biết và thấm thía cái câu: Quân tử lúc cùng còn thẹn mặt / Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay… Em đây cũng có thể là em bé chăn trâu bò vì có câu cuối: Dòng lệ khô bầm đôi mắt thơ, đáng lẽ ra giờ này bé phải đang ngồi trong lớp nghe cô thầy giảng bài và giờ nghỉ ra chơi cùng chúng bạn mà bây giờ phải ở đây, trên khu đồi trọc này với đàn trâu bò ốm đói vì cây cỏ cũng không còn.


Thôi giận ta chi: mơ đại cuộc
Thánh nhân lạc buổi nhiễu nhương này
Rát mặt mài gươm cơn gió thốc
Giáo gươm còn sao cụt chân tay (khổ thứ 3 cùng trang 5)


Mài gươm để mong rửa một mối oan cừu nào đó trong quá khứ và mối oan cừu này không thuộc về lĩnh vực cá nhân mà chỉ vì đại cuộc mà thôi. Gươm, giáo là chuyện tưởng tượng nhớ đến ngài Đặng Dung cũng có câu mài gươm nổi tiếng câu cuối của một bài thơ khẩu khí Đường luật (Thuật Hoài): Dưới trăng bao độ tuốt gươm mài. Mài gươm mà lại ra thơ ngộ chưa, mà lại là thơ hay, ở đời cũng nhiều khi có những chuyện bất ngờ như vậy.


Thôi giận ta chi chiều đã tận
Chờ nhau dẫu bỏ xác quê người
Sách vở bùng lên nguồn lửa hận
Tro tàn bay mù mịt đất trời (khổ 4 trang 6)
 

Đấy vừa nói đấy, cuồng là không thể nào buồn bã mà, đến khổ thứ tư này đã lòi ra chữ hận, mà lại hận trong (và chỉ trong) sách vở mà thôi, uất hận cháy bùng thành ngọn lửa, có lẽ là lửa đốt bằng những thanh củi ký ức và cháy bằng mồi lửa lý trí.

Có kẻ đi ngang thành quách cũ
Một màu hoang phế lạnh căm căm
Chẳng có nhang trầm xin xá tội
Đốt cành khô nhận chút thành tâm
Có kẻ lạc xiêu dăm buổi chợ
Cuồng ngâm nỗi xót nhục suy tàn
Nghe trái tim còn thoi thóp đập
Như lời đòi đoạn của trăm năm (khổ số 7 & 8 trang 6&7)


Ôi sao giống như là hận Đồ Bàn thế này, và cũng có lẽ có chút gì liên quan đến hậu Hận Đồ Bàn, cái nghèo khổ và nhục yếu đến mức thoi thóp được mô tả trong thơ vô cùng bi tráng.

Có kẻ đi quanh mồ tử sĩ
Đọc thấy tên mình trên mộ bia
Hỡi ơi những mất còn dâu biển
Chẳng lẽ đời ta lạc chốn này
Có kẻ giải buồn dăm chén rượu
Ta nay một giọt đã đắng lòng
Người xưa: “tam bôi thông đại đạo”
Mời nhau rượu đục tấm lòng trong
Có kẻ bỏ làng lên núi thẳm
Khát uống nước suối đói rau rừng
Ta bỏ đời ta không chỗ trú
Không còn một dúm đất dung thân
Có kẻ nghêu ngao ngoài góc phố
Khóc cười bất chợt hỏi vì đâu
Ta bỗng dưng thành người thất thố
Ngó lại đồi xưa mây bạc đầu
Có kẻ đêm ngày che kín mắt
Sợ nhìn rõ mặt đứa vô lương
Ta muốn giam mình trong tịch cốc
Dối lòng chẳng bận gió muôn phương
Ma quỷ lộng hành đền miếu đổ
Thánh thần xiêu lạc bãi gò hoang
Có kẻ đêm nay buồn dưới mộ
Đau từng giọt máu từng đốt xương (trang 7& 8)

Thơ tượng hình rất cao và phong phú, nhiều thành phần trong xã hội được nhắc đến như một bức tranh buồn và rất là sinh động.


Lần mò đọc thêm vào trong giữa tác phẩm có rất nhiều bài hay, nhiều câu thơ hay đến mức độ tài hoa tỷ như bài Chân Trời khát vọng (trang97) có đoạn 2 như sa: 

Ta về âm vọng hồn trăng cũ
Thuở tóc còn xanh mộng rất hồng
Để biết qua muôn ngàn dâu bể
Vẫn còn hiu hắt nỗi chờ mong

và đoạn 4 câu cuối của bài này:

Ta về lạ lẫm trăng huyền sử
Phố chợ lao xao tháng tiếp ngày
Bên đàng rộn rã chân trời mới
Đường nào nhân loại hướng tương lai

Ta thấy âm hao của bài Ta về của nhà thơ Tô Thùy Yên, ý của các phân đoạn không hề trùng với Ta về của TTY nhưng chỉ lập lại từ ta về và ý từ rất phóng khoáng xin trích thêm một vài đoạn nữa trong bài Đợi chờ đến cuối cuộc tang thương (bài này khá dài từ trang 99 đến trang 107 gồm 36 đoạn 4 câu tức 144 câu) như sau hãy đọc hai, ba đoạn 4 câu gần cuối bài để thấy nét tài hoa lộ rõ:

Ta về tay níu hoài khung cửa
Gọi xót xa từng nỗi nhớ quên
Gọi những lòng đi không trở lại
Gọi những tình xanh đã úa vàng
Ta về tay níu niềm hoang phế
Thương vách tường rêu lạnh nỗi niềm
Hỡi em nhan sắc chìm dâu bể
Hỡi ta nghìn dặm những lênh đênh


Và … Ta về tay níu nhành lan úa / thương tóc đêm rằm lộng phấn hương/ chừ biết tìm đâu hồn nhung lụa /một thuở tình mây áo nguyệt vàng.

Và đoạn kết của bài:

Ta về? ta níu ta! một bóng
Nghe gió oan khiên thổi buốt lòng
Đời nhau? Còn chỉ từng con sóng
Vỗ mãi về đâu những tiếc thương!


Thế đấy cứ không biết vỗ mãi về đâu những tiếc thương trên cuộc đời này khi mà cả ta và mọi người đều: Uống nhầm ly rượu của thiên tai (cũng là tựa đề của một bài thơ bảy chữ trang 37 và 38).


Đến đây bất giác ta tự nhủ cái tựa này là lạ bởi vì Uống nhầm, tại sao lại phải uống nhầm nhỉ? Lại còn ly rượu của thiên tai? Uống nhầm là có quyền chọn nhiều ly mà lại chọn nhầm nếu chỉ có một ly mà bắt buộc phải uống thì không gọi là nhầm nữa mà có lẽ là “nhằm “ còn ly rượu của thiên tai là sao ?

Thiên tai là một từ Hán Việt ta dịch lại là tai trời và như trong dân gian hay có một từ kép kèm theo đó là ách nước đúng vậy tác giả chơi chữ thật bí hiểm, vậy là đã rõ “tai trời ách nước”, đã là ách nước tức là ly rượu thiên tai này của cả một dân tộc phải uống, cái này là chỉ có một ly một nên từ nhầm có vẻ không hợp. Nhưng cả dân tộc phải uống nhầm chỉ có một ly rượu mà là tai trời ách nước thì có lẽ chắc có một vĩ nhân nào đó đã chọn giùm cho cả dân tộc VN này và bắt phải uống. Và vĩ nhân đó đã chọn nhầm, chứ cả dân tộc VN chỉ có nhiệm vụ uống mà không có quyền chọn.


Vấn đề đã rõ, chỉ có một cái tựa thôi đọc mà không suy gẫm thì rất uổng công người viết biết là chừng nào. Bởi hằng ngày chúng ta xem trên mạng biết bao nhiêu là bài thơ, vì nhiều quá mà phải đọc lướt hoặc đọc hết một lần đàng hoàng để rồi like nhưng đụng nhầm bài thơ có cái tựa như thế này cũng cứ cho qua thì thật là một thiếu sót lớn lao.


Tỷ như một bài lục bát: Khi về thăm lại làng xưa (trang 124).

Hai câu đầu: Ta về quẩn trước quanh sau/ Nhìn đâu cũng tiếc một màu quê hương. Ôi màu quê hương là màu gì mà sao lại tiếc nhỉ, dù không biết màu quê hương cụ thể là màu gì nhưng đã viết như thế thì phải biết là quê hương đã mất rồi! Tiếp sau bài LB ấy là bài Mùa cạn (trang 125- 126).

Có đoạn kết rất buồn trong một bài thơ đẫm buồn:

Vung tay vạch một đường sinh tử
Dẫu chết bên này hay bên kia
Ta ngồi đọc hết trang cuồng sử
Máu biển xương rừng khóc mộ bia


Ôi sao sử mà có thể gọi là cuồng được nhỉ? Người ta hay nói sử xanh, chính sử, hùng sử hay huyền sử chưa thấy một ai nói hay dám nói là cuồng sử! Có lẽ LVT là người dùng chữ cuồng sử đầu tiên chăng?


Hay có lẽ cuồng sử là sử được làm nên bởi một đám người cuồng tín về một chủ nghĩa nào chăng? Lại còn Máu biển xương rừng khóc mộ bia, khóc vì nằm xuống mà tủi thân vì không có mộ bia hay là quá nhiều mộ bia, ôi những câu hỏi lớn phát sinh trong đầu của chúng ta và máu biển là biển nào vậy? Xương rừng là rừng nào vậy? hay máu đổ nhiều như biển và xương chất đầy rừng như cây củi?  VN ta là nước nhược tiểu nên chỉ có biển đông và rừng Trường Sơn mà thôi, vậy là câu trả lời đã rõ.


Thơ Biệt Khúc được viết với tinh thần bi tráng cuồn cuộn, đây là nêu lên những ý tiêu biểu những nét mạnh nhất của tác phẩm, dĩ nhiên cũng có những câu thơ rất trữ tình ví dụ khi ta đọc bài: Mười hai bài lục bát từ trang 132 đến 138 chọn ngẫu nhiên một bài số 5 trang 134.


Ngày xa ngày đã xa rồi/ Lòng tôi mây trắng cuối trời còn bay/ em giờ bãi vắng sông dài / tình trăm năm rót có đầy ly không?/mây tôi một cõi bềnh bồng / ngàn năm bạc trắng mấy dòng bể dâu/ tấm lòng em có xưa sau / xin đem tóc bạc tạ màu thanh xuân (*)


Không thấy có một chút trách móc, giận hờn nào, thơ nhẹ nhàng và thanh thản tuy rằng đây là một vài mảnh nhỏ của sự an bình trong tác phẩm.


Nói đến Biệt Khúc khi ra mắt cuộc đời trong đợt dịch Covid 19 là nói đến sự chết tuyệt đối của cuộc chiến tranh trước đó bao nhiêu năm mà ảnh hưởng còn chưa phai nhạt và lại còn ăn theo không khí ngột ngạt của dịch bệnh của những ngày cách ly và dịch bùng đợt 2 sau tháng 7 / 2021, trong hoàn cảnh ấy không còn dòng thơ tình lãng mạn nào chảy nổi. Cũng như chúng ta tưởng tượng các con sông sẽ bốc hơi khi chảy đụng vào dòng dung nham nóng rực và sền sệt của núi lửa đang phun.


Cũng chỉ là giới thiệu đôi dòng về tác phẩm Biệt Khúc những đau thương vô bờ tràn lấp được nêu ra trong rất nhiều bài thơ những nỗi niềm ai oán không tả xiết, nhưng tựu trung tác giả là người có căn bản rất sâu xa về văn minh Đông Phương nên khái niệm “Sinh ký , tử quy” dường cũng đã ăn sâu vào tâm địa nên xin mượn một vài đoạn của bài: “Thôi khóc cười chi cuộc tử sinh” để nêu lên một điều nổi bật là tính giải thoát của tư tưởng tác giả trong tác phẩm như sau:

Ta về níu gọi cơn mơ cũ
Nghe tiếng chim kêu hạ cuối vườn
Mảnh gương ngày ấy vùi trong đất
Cùng ta soi lại dấu tang thương
Ta về tay vịn rêu bờ giếng
Thấy bóng mây mù trong đáy sâu
Bay mãi còn ta sầu đứng ngóng
Ôi mây ngày cũ bay về đâu?

…và đoạn kết

Ta về chơi cuộc cờ thương hải
Xé lụa phù hoa vá cuộc tình
Ta về vẽ bức tranh vân cẩu
Thôi khóc cười chi cuộc tử sinh


Những câu thơ đã nói thay lời kết.

Vâng! Thôi khóc cười chi cuộc tử sinh.

Xin thêm một lần được nhắc lại chính câu thơ.

 

Houston ngày 18/11/2021

Đặng Toản (thi sĩ Bích Thượng Thổ)

 

Saturday, November 13, 2021

Thơ Lê Văn Trung - Nhã Thanh phổ nhạc

 KHÔNG VỀ - Thơ Lê Văn Trung và Nhã Thanh - Nhã Thanh phổ nhạc



Nhã Thanh phổ nhạc bài thơ ĐỜI NHƯ NGỌN SÓNG



ĐỜI NHƯ NGỌN SÓNG

Thà ví đời ta như ngọn sóng
Vỗ buồn vào bờ bãi hoang vu
Còn hơn bèo bọt trôi đi mãi
Cuối cõi nhân gian vẫn mịt mù
 
Ta vỗ bờ ta nghe tiếng vọng
Tiền kiếp ta về khóc dưới trăng
Ta vỗ bờ em nghe lá rụng
Bên mộ đời ta lạnh chỗ nằm
 
Ta vỗ bờ lau bông trắng xóa
Thiên địa càn khôn cũng bạc đầu
Ta vỗ triền dâu xanh biếc lá
Thương hải còn đau chuyện bể dâu
 
Thà ví đời ta như ngọn sóng
Để biết ngàn năm chuyện lở bồi
Vỗ mãi lòng chưa tàn cơn mộng
Bao giờ bèo bọt sẽ ngừng trôi???
Lê Văn Trung

https://www.youtube.com/watch?v=AA90DkGdSPM

ĐỜI NHƯ NGỌN SÓNG - Ca Khúc Mới 2021






Lời Tình Buồn Hồn em như lá mỏng Mà tình tôi vàng phai Đã chìm trong biển động Đã rơi vào thiên tai Đời chia tình mấy nhánh Lòng chia buồn muôn phương Sông đời tôi hoạn nạn Chảy qua miền tai ương Ôi thời xanh mắt ngọc Trôi buồn như chiêm bao Ôi mùa thu biếc tóc Nằm ru tình trên vai Em bây giờ đâu đó Phai chùng áo tiểu thư Trăng úa hồn khuê nữ Mây tôi chìm trong thơ Thuở tình xanh như lá Mà vàng cả giấc mơ Thuở tình mềm như lụa Mà đau từng câu thơ Em bây giờ xa vắng Chìm trong câu kinh buồn Tôi bây chừ như sóng Đã tan vào mênh mông. Lê Văn Trung


https://www.youtube.com/watch?v=JOIlayI_VDo

PHỤC SINH THƠ - Ca Khúc Mới 2022










Nhớ màu hoa cũ

NHỚ MÀU HOA CŨ   Rất lẻ loi một đóa hoa vàng Nở muộn bên đường chiều đang sương Có người chợt nhớ mùa thu trước Hoa cài lên tóc còn ươm h...