Thursday, July 30, 2020

Bình thơ: Lê văn Trung - Bi Khúc Một Đời Thơ - Vương Trùng Dương

Lê Văn Trung,  Bi Khúc Một Đời Thơ

Lê Văn Trung



Kể từ lúc rời xa phố cổ Hội An đến nay đã hơn nửa thế kỷ, không có dịp gặp nhau. Trung khoác áo nhà giáo, tôi khoác áo nhà binh. Sau tháng 4 năm 1975, tôi cởi áo lính khoác áo tù… và cũng như những người bạn khác, những tưởng bạn tôi vẫn đứng trên bục giảng và yên bề gia thất, nào ngờ lại bất hạnh!

Tháng 8 năm 1990, tôi rời Đà Lạt đi Mỹ. Tá túc ở Sài Gòn chỉ thời gian ngắn, còn thọ tang thân mẫu rồi ra đi nên ít gặp lại bằng hữu. Chỉ nghe phong phanh Trung cũng khoác áo tù như tôi và sau đó bị  đày đi vùng kinh tế mới ở Phương Lâm, Đồng Nai. Sau khi đổi đời, lũ chúng tôi, mỗi đứa rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, và trong tận cùng bi thảm của cuộc đời, có cái mất, cái còn. Albert Schweitzer cho rằng "Bi kịch cuộc đời là những gì chết đi bên trong một người khi anh ta còn sống" thì bi kịch của cuộc đời nhà thơ Lê Văn Trung gởi cho tha nhân qua hàng trăm bài thơ trải dài bốn thập niên. “Lũ chúng ta, lạc loài dăm bẩy đứa. Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”, hai câu thơ trong bài Phương Xa của Vũ Hoàng Chương là hình ảnh chúng tôi vào thuở đó.

“Thương ta thương nỗi đời lưu lạc
Lưu đày trên chính đất quê hương
Bạn bè dăm đứa còn hay mất
Một kiếp mười phương vạn nẻo đường”
(LVT - Lênh Đênh Qua Những Phận Người, 1985)


LVT1

Sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, Phùng Quán bị đày đi “cải tạo lao động” nhiều nơi. Hai câu thơ của Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng. Tôi vịn câu thơ và đứng dậy…”. Lê Văn Trung cũng vậy, trong những lần trò chuyện với bạn bè ở Little Saigon, cùng cảm nghĩ, nếu LVT có được cuộc sống cuối đời cũng nhờ làm thơ mà đứng dậy. Với tâm hồn nhà giáo đã ảnh hưởng phần nào trong tâm tư tình cảm nhà thơ để mở rộng vòng tay đón nhận hình bóng đã xé nát cõi lòng.


Ra đi với hai bàn tay trắng, sống trên mảnh đất tự do, có cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng với tôi, trót thích làm báo nên đành “phóng lao theo lao” tạm ổn để con cái học hành. Năm tháng trong nước, lý lịch như tảng đá lớn đè trên đầu con cái không ngóc đầu trên bước đường học vấn, nơi xứ người mới là môi trường tiến thân cho đến khi thành đạt.


Tháng 9 năm 2001, (Trần Hoài Thư và tôi cùng ở trong Ban Biên Tập SVSQ của nguyệt san Thủ Đức giữa thập niên 60), ra đời tạp chí Thư Quán Bản Thảo và lập ra Thư Ấn Quán để tự xuất bản sách, trong đó có số tác phẩm bạn bè ở quê nhà. Khi rời quân trường Thủ Đức, THT là nhà giáo, cận thị nặng lại phục vụ tại Đại Đội Thám Kích 405 của Sư Đoàn 22 BB ở Quy Nhơn, trở thành nhà thơ bạt mạng gặp Lê Văn Trung. Sau khi ra tù, THT vượt biên và định cư ở Mỹ với hoài bảo muốn làm sống lại văn học miền Nam VN nên chịu khó sưu tầm là liên lạc với anh em cầm bút bị bỏ quên ở quê nhà. TQBN số 34, tháng 12-2008, qua bài viết của Phạm Văn Nhàn nói về Lê Văn Trung:

“Anh bạn Trần Hoài Thư đề nghị với tôi số 34 kỳ này làm số chủ đề về nhà thơ Lê Văn Trung. Tôi không do dự chi cả, và nói ngay với anh Thư: đồng ý…


Trong bài viết của nhà thơ Phạm Cao Hoàng về Lê Văn Trung, hai anh (PCH và LVT) lo cho chúng tôi là phải; vì chiến trường Bình Định như thế nào chắc ai cũng biết. Và, với LVT, lúc nào cũng trầm ngâm, ít nói. Cùng lắm là chỉ nói vài câu với giọng rặt Quảng Nam (Đà Nẵng). Ngoài ra Trung rất chững chạc và đứng đắn trong lối ăn mặc với cái nhìn của tôi về một người thầy trong tương lai. Lúc ấy, quen anh, khi anh còn là một giáo sinh Sư Phạm cùng khóa với Phạm Cao Hoàng. Quen nhau như thế nào, lúc nào, ở đâu thật khó nhớ cái mốc thời gian năm ấy. Nhưng lạ, cái tình bạn thân nhau chưa một lần "xích mích" và biết "tôn trọng" nhau, giữ mãi cho đến hôm nay, dù có "luân lạc" trong cuộc sống sau tháng tư năm 1975.

Năm 1969 tôi rời khỏi Bình Định. Phạm Cao Hoàng và Lê Văn Trung cũng ra trường mỗi người đi mỗi nơi. Tôi nhớ: Phạm Cao Hoàng về Bình Thuận. Lê Văn Trung về Quảng Ngãi. Trần Hoài Thư sau đó cũng rời khỏi Bình Định về Ban Mê Thuột và vào Nam. Căn nhà, có quá nhiều kỷ niệm ở cuối đường Nguyễn Thái Học, khu sáu năm nào, cũng chẳng biết ra sao. Nhà của chủ trả lại cho chủ. Chỉ còn những kỷ niệm khó quên của một thời gian khó quên của tuổi trẻ chúng tôi, còn giữ lại…


… Năm 1969, Qui Nhơn tôi không trở lại cho mãi đến hôm nay. Nhưng những chuyến xe lam chạy quanh thành phố mà nhà thơ Phạm Cao Hoàng viết lại làm tôi nhớ từng gương mặt của các bạn. Giờ hầu như, qua Thư Quán Bản Thảo anh em cũ đã họp mặt gần đầy đủ.


Dù từ năm ấy, các bạn của tôi đã thuyên chuyển đi các nơi khác (Trong bài viết của Phạm Cao Hoàng). Nhưng, vào năm 1972, tôi về Huế thăm nhà, lại gặp Lê Văn Trung. Anh không còn dạy học ở Quảng Ngãi nữa, anh đổi về Huế. Tôi đến thăm anh với chị Hiệp cùng đứa con gái đầu lòng còn nằm trong nôi. Một bữa nhậu nhỏ nhưng thật ấm cúng không còn ngày nào lạng bạt ở Qui Nhơn, do chị Hiệp sửa soạn trên căn phòng của lầu 2 mà anh chị thuê, trên dãy lầu của nhà thờ Phú Cam. Buổi chiều, Huế lạnh. Trước dãy hành lang của dãy lầu hai, những hàng cây trứng cá vẫn đứng im trong cái lạnh của Huế, và tôi cũng chia tay anh để trở lại đơn vị từ ngày đó.


Mãi cho đến cuối năm 1982 - sau khi ra khỏi trại cải tạo - tôi về Huế thăm nhà. Mượn chiếc xe đạp cà tang của đứa em, đạp lên hướng nhà thờ Phú Cam, tìm đến dãy lầu mà anh chị đã thuê năm 1972 - hy vọng anh chị còn sống nơi đó - Dựng xe nơi gốc cây trứng cá già, nhìn lên dãy lầu mà tôi còn nhớ, ngơ ngác tìm kiếm. Một ông thợ hớt tóc đang hớt tóc, thấy dáng điệu ngơ ngác như muốn tìm kiếm ai, ông hỏi tôi:
- Ông tìm ai trên đó?
- Tôi tìm anh chị Lê Văn Trung.
Nghe tôi nói giọng Nam, ông biết tôi ở xa đến. Ông ta kéo tôi ra gần gốc cây trứng cá, nói nhỏ:
- Ông không biết gì sao?
- Không.
- Ảnh đi tù rồi. Ông đi đi, đừng đứng nơi đây nữa.
- Còn vợ anh ấy đâu, cho tôi gặp?
- Đã dọn vào Long Khánh hết rồi.
Nói xong, ông ta đi ngay. Tôi đạp xe về nhà. Trên đường, lòng buồn quá đỗi. Hình như thời buổi ấy, ai nghe nói đi tù... cũng sợ!...
… Cuộc đời của anh có quá nhiều nỗi khổ. Khổ từ trong trại cải tạo không nói làm gì. Khổ ngoài đời kiếm sống để nuôi vợ, nuôi con mới quan trọng. Lao tâm. Khổ trí. Nhìn anh qua những tấm hình mà bạn bè gởi qua cho tôi. Tôi ngỡ ngàng. Không phải một Lê Văn Trung ngày nào khi chúng tôi còn ở Qui Nhơn. Một Lê Văn Trung chững chạc, thì hôm nay bệ rạc thế sao? Ngẫm mà buồn!


Rồi tôi có nghe người bạn thân nói lại, cũng vì lao lực, lao tâm quá nhiều nơi vùng "kinh tế mới" Đồng Nai. Anh ngã bệnh nặng. Tưởng rằng không thể gượng dậy nỗi. Đọc: Thời Gian Nhìn Lại anh viết tặng chị Hiệp (vợ anh). Đọc những câu thơ như anh đã trút hết vào đó những gì 60 năm anh đã có cái hình hài này:


“Sáu mươi năm những bọt bèo vô nghĩa
Câu thơ nào em viết xuống đời anh
Xin đủ ấm một góc chiều mộ địa
Anh nằm nghe lá úa rụng bên mình...”



Từ năm 1972 cho đến hôm nay, tôi không gặp anh và chị. Nhưng trên TQBT lúc nào cũng có những bài của anh. Đọc thơ anh, tôi nghĩ đã có anh bên cạnh rồi. Nhất là tập thơ thứ hai của anh. Tập Tịnh Khúc, dù anh viết tay, chưa có đủ điều kiện để cho đứa con tinh thần của anh ra chào đời. Nhưng qua điện thư anh gởi cho chúng tôi. Khi nào "Tịnh Khúc" ra đời, tôi sẽ gởi ra tặng hai anh (Tôi và THT). Một câu nói đầy tình nghĩa của bạn bè năm xưa, vẫn còn nhớ đến nhau. Mà mỗi khi rảnh rỗi, ngồi một mình suy ngẫm. Biết khi nào tôi về để gặp các bạn đây? Sao người ta cứ đi về hoài, dễ quá! Còn tôi thì vẫn lặn hụp trong mù sương”
(Phạm Văn Nhàn)


Trước năm 1975 thơ Lê Văn Trung đã xuất hiện trên Bách Khoa, Văn, Ý Thức, Thời Tập… Sau năm 1975, ngoài thơ, với bút hiệu Lê Hoài Nam qua các truyện ngắn được đăng trên Thư Quán Bản Thảo và Khởi Hành của Viên Linh. Tôi phụ trách tờ Tân Văn nên chọn một số thơ, văn của bạn cho tờ báo.


Có lẽ năm 2006. Lê Văn Trung thoát cảnh “bỉ cực” nên ấn hành tập thơ Cát Bụi Phận Người với 62 bài thơ. Ngay tựa đề thi phẩm cũng nói lên niềm đau và thân phận bi thương của tác giả.

Ta Cho Nhau Cái Sau Cùng
(tặng Hiệp)

“ta đi trăm núi ngàn sông
để chia nhau cái khốn cùng đời nhau
để cho nhau cái cơ cầu
cho nhau cả những tình sâu nghĩa đầy
có em trong cuộc đời này
là ta có đủ vơi đầy nông sâu
sá gì đâu cuộc bể dâu
ai không lận đận qua cầu tang thương
cụ Nguyễn Du khóc đoạn trường
ba trăm năm …
ta khóc buồn ngàn năm
hãy vì nhau dẫu mất còn
gởi cho nhau chút phai tàn hỡi em
để sau bao thác bao ghềnh
bao nhiêu lừa lọc đảo điên phận người
ta dành một chút tình vui
tiếng đàn tan hợp ngậm ngùi Kiều xưa”.
(Trên Tàu Bắc Nam 15.02.2002)


Hai câu thơ cuối của bài thơ nầy, chỉ có bạn bè thân của LVT mới cảm nhận “tan hợp” của nhà thơ khi rơi vào hoàn cảnh khốn cùng! Ngày xưa thi hào Nguyễn Du (1766–1820) đặt tên cho tác phẩm là Đoạn Trường Tân Thanh vì “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” mà thi hào Pháp Alfred de Musset (1810-1887) cũng cùng quan điểm “Khúc đoạn trường là những khúc ca hay nhất”. Sau khi thi hào Nguyễn Du mất, trong Quốc Văn Tùng Ký gọi là Kim Vân Kiều, Truyện Kiều, câu nói của Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn, chúng ta còn…” trở thành phổ thông cho tác phẩm nầy.


Sau tập thơ Cát Bụi Phận Người đã in ở trong nước, thi tập Tịnh Khúc gồm 130 khúc viết năm 2008 (tôi có nhận được file Microsoft word nhưng không thấy ấn hành). Trong thi phẩm Tịnh Khúc của Lê Văn Trung chia làm ba phần (phần một với 34 bài, phần hai với 19 bài và phần ba với 24 bài) thời gian ở Đà Nẵng, Hội An, Cù Lao Chàm vào năm 2008. Hầu hết theo lối thơ tự do từ một chữ, hai chữ, ba chữ… nhiều chữ, từ vài dòng đến nhiều dòng, mang chất thiền và triết lý, có số bài khi đọc với âm lục bát.


Như đã đề cập về Thư Ấn Quán, Trần Hoài Thư nhiệt tình hỗ trợ các tác giả ở quê nhà nên trong thời gian hiền thê của anh lâm trọng bệnh, ngồi xe lăn, anh vừa làm trỏn bổn phận người chồng già chăm sóc tận tình cho vợ vừa lo ấn hành tác phẩm của bạn bè vì vậy Thư Ấn Quán đã xuất bản hai thi phẩm của Lê Văn Trung: Bi Khúc ấn hành năm 2010, gồm 74 bài mà theo lời tác giả: “Là một xâu chuổi gồm nhiều bài thơ ngắn được đánh số ngẫu nhiên như một bài thơ dài. Tác giả khởi viết từ đầu năm 2008 và tạm dừng vào tháng 7.2009…” và Thú Hoang Đường, gồm 92 bài thơ, ấn hành tháng 1 năm 2018.


Qua vài trăm bài thơ, có thể nói Lê Văn Trung là một trong những nhà thơ (trong nước và hải ngoại – chỉ dành cho “những người muôn năm cũ”) sáng tác nhiều nhất. Khách quan nhận định, thơ Lê Văn Trung rất hay qua các thể thơ lục bát, bảy chữ, tám chữ… đọc lên cảm thấy bùi ngùi, xúc động. Quá khứ và hiện tại thoáng hiện với “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” trong Cung Oán Ngâm Khúc của tác giả Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều.
Đơn cử vài bài thơ của Lê Văn Trung với bi kịch cuộc đời, đoạn trường, niềm đau, thân phận “ba chìm bảy nổi”…
Bài thơ Nghìn Năm Lụy Phiền trang trải tâm trạng bi đát như tiếng lòng thổn thức:


“bao năm ngậm ngải tìm trầm
chưa qua hết cuộc phong trần hỡi em
đời như giọt rượu buồn tênh
tìm nhau cuối bãi đầu ghềnh lìa nhau
tìm nhau tự cõi ban đầu
tìm nhau khuất nẻo bạc đầu thanh xuân
tìm cho tàn cuộc phù vân
lạc nhau mấy cõi điêu tàn còn nghe
đoạn trường ai hát đâu đây
lời bi thương đứt bốn dây hồ cầm
tìm nhau bờ bến mù tăm
mười lăm năm giữa nghìn năm lụy phiền
(Đà Nẵng 2002)

Với thể thơ lục bát, có lẽ hay nhất trong thi phẩm nầy vì thể hiện cả ý và lời rất sâu sắc.


“tôi che cho kín nỗi buồn
làm sao dấu hết long đong phận người
thà như khóm lục bình trôi
nghe con sáo hót ngậm ngùi ngàn năm”.
(Làm Sao Che Kín Nỗi Buồn)
“đoạn trường ai hát đâu đây
lời bi thương đứt bốn dây hồ cầm
tìm nhau bờ bến mù tăm
mười lăm năm giữa nghìn năm lụy phiền”
(Nghìn Năm Lụy Phiền)


Trong cuốn L’Étranger của Albert Camus nói lên triết lý về cuộc đời vô nghĩa, và câu nói bất hủ của ông “Cái tôi thật đáng ghét” thì LVT với cái tôi đáng thương trong cõi ta bà vô minh:

Cuộc Tìm Kiếm Vô Minh

“tôi tìm tôi trọn một đời
cái tôi tro bụi luân hồi nhân sinh
đến từ sâu thẳm vô minh
trở về từ cỏi vô hình vô ngôn
hạt mưa rơi tự đầu nguồn
như tôi hạt bụi rơi buồn ngàn năm
sắc màu nào của trần gian
mà không phai nhạt lụi tàn cùng tôi
ra đi từ cõi con người
ta về cùng với đất trời hư không”.


          *
Năm 1987, sau mười hai năm, tôi mởi trở lại Sài Gòn, tá túc nhà người bạn cùng khóa, xót xa trước cảnh cũ và phận mình, chỉ gặp bạn bè “khố rách áo ôm”, ai đã ở trong lao tù thì cũng số phận như Tô Thùy Yên trong mười năm:

“Ở đây, địa ngục chín tầng sâu,
Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau”


Phan Xuân Sinh chép bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên. Khi đọc, lặng người bởi nói lên tâm trạng của hàng vạn người tù khi trở về chốn xưa:


“… Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
… Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi
… Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu
Con gẫm lại đời con thất bát
… Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm
… Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh…”.


Bài thơ Đợi Chờ Đến Cuối Cuộc Tang Thương của Lê Văn Trung dài hơn bài Ta Về, cũng mười năm lao tù và sống vất vưởng, quá bi thương, tan nát cõi lòng, từng câu thơ đã nói hết, không còn chữ nghĩa nào để nói thêm:

“Ta về ghé lại gian nhà cũ
Ngõ vắng, dây bìm chen lối vào
Nền gạch xám khô, tường mốc thẫm
Cây khế tàn bông rụng đớn đau

Cánh cửa mười năm còn để mở
Đìu hiu như mỏi cuộc mong chờ
Ta bước ngại ngần, xiêu bóng đổ
Run run thềm tối nhện giăng mờ

Con mực ốm già không nhớ nổi
Gầm gừ chẵng tỏ dấu thân quen
Ta gẫm đời ta chừng bao tuổi
Mịt mù như đã mấy trăm năm

Ta gọi mà không thành tiếng gọi
Lời ta chìm nghẹn ở trong lòng
(Ai cướp đời ta cả tiếng nói)
Ta về đây vườn trống nhà không

… Ta về như đứa con lưu lạc
Nửa đời áo rách vá tang thương
Trăm nẻo ngược xuôi không ngõ thoát
Ta đành như kẻ mất quê hương

Đâu lũ chim sâu mùa nhãn chín
Buồng cau con sẻ ríu ran xưa
Ta nhìn chỉ thấy màu mây bạc
Hiu hắt đùn quanh ngọn núi mờ

Muốn hỏi mà nghe lòng se quặn
Bạn bè, thân quyến, vợ con đâu?
Cơn gió độc nào xô đuổi tới
Trăm năm đành lạc mất đời nhau

… Ta về như cánh chim bay lạc
Đậu xuống vườn xưa lạnh tiếng kêu
Ai bắt đời chim quên giọng hót
Lời chim rịn máu đỏ mây chiều

… Ta sẽ gom thâu từng vỏ đạn
Từng mảnh bom cuối rạch đầu ngòi
Từng mảnh xương người, manh vải mục
Từng dòng uất nghẹn cháy khôn nguôi

Ấy thế mà khi ta trở về
Vườn xưa quạnh quẽ, xác mai gầy
Cúi hôn mặt đất còn đau buốt
Ngọn gió oan hờn thổi sắt se

Bóng ta đổ xuống bên hiên vắng
Như bóng ma về khóc đớn đau
Thôi hãy vì nhau mà gắng đợi
Một ngày thăm thẳm của mai sau…”


Mười năm trước về lại chốn xưa như vậy, rồi hai mươi năm sau vẫn chìm đắm trong cảnh khốn cùng:

“ba mươi năm những mịt mù
những vây hãm những ngục tù trần gian
gởi xương máu lại bên ngàn
tôi về như kẻ ngụy hàng oan khiên”

Trong lúc bi phẩn, thường mượn rượu để giải sầu, trong thi phẩm Say của Vũ Hoàng Chương năm 1940, trong đó hai câu: “Có ai say để quên sầu? Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn” cho thấy khi chuyếnh choáng hơi men, khơi dậy bao niềm đau, bài thơ Chén Rượu Hoàng Hôn của Lê Văn Trung cũng mượn chén rượu để chia sẻ:


“Thà ví đời ta như cây cỏ
Sống giữa đất trời như cỏ cây
Hề ta chỉ là tên hàn sỹ
Lòng ta là một ly rượu đầy

Ta rót mời em vài chén rượu
Hãy uống cùng ta dăm nỗi buồn
Tay gõ vào mây mà lệ ướt
Tay ôm tràn gió mà mưa tuôn

Có nghĩ vì nhau mà nâng chén
Có nghĩ gì nhau mà uống say
Thiên hạ đã bao mùa ly loạn
Ta với em chừ tay trắng tay…”

Nguồn thơ của Lê Văn Trung trong bốn thập niên qua khi đổi đời là cả đoạn trường, bi khúc… của thương đau, của bơ vơ, lạc lõng. Thỉnh thoảng mới bắt gặp vài bài thơ khi tìm niềm vui “chén tạc chén thù” với bằng hữu.


Viết về nhà thơ Lê Văn Trung, chợt nhớ đến nhà văn Lê Văn Trương. Lúc bạn ta còn khoác áo thư sinh thì Lê Văn Trương mất tại một căn nhà hẹp ở hẻm Bùi Viện, Sài Gòn. Cả hai, kẻ Bắc người Trung, chẳng họ hàng gì với nhau. Đoạn cuối cuộc đời với nhiều oan trái. Lê Văn Trương bị hàm oan vì có người trùng tên với một người dám đả kích bà Ngô Đình Nhu... Tuy minh oan nhưng bị đài phát thanh sa thải, cảnh nhà hết sức quẫn bách, sách in ra không bán được, sống trong cảnh nghèo đói và bệnh tật, qua đời lúc 58 tuổi. Thương con người tài hoa, nhà văn viết sách nhanh nhất, viết dễ dàng như viết thư tình, vài chục quyển sách như vài chục nhân tình… cuối đời lại bị tình phụ, trắng tay!


Cũng nhờ facebook tạo được nhịp cầu, Lê Văn Trung đã bước vào tuổi thất thập, trông cũng còn phông độ, người xưa cho rằng “cổ lai hy”, nhờ “vịn câu thơ mà đứng dậy” để tuổi già có Sinh Nhật Thơ:

“… Tôi về trải hết lòng nhung lụa
Rượu nồng xin cạn cuộc tình vui
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về, thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ”.

Với thói quen “Ban ngày cứ mãi rong chơi. Tối lặn mặt trời, đổ gạo ra xay”, khi viết về tác giả nào, ngồi trước PC “nhớ nhà châm điếu thuốc” (Hồ Dzếnh), nghe vài khúc nhạc cổ điển, phác họa chân dung, hết điếu thứ ba mới gõ trên PC keyboard. Tôi thích câu thơ của TTT “Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ. Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tâm Tuyền” nên một số bài viết để tên tác giả và vài chữ mang nội dung. Còn đảm trách tờ nguyệt san nên cũng “trả nợ tình xa” qua các bài viết như: Phan Nhự Thức, đời người đời bạn (số tháng 12 năm 2017), Nhật Ngân & bản quyền ca khúc… (số tháng 1/2018), Nguyễn Văn Đông & một thoáng xuân phai (số tháng 2/2018), Hà Huyền Chi, người dệt thơ trên hoa dù (số tháng 3/2018) và Thanh Tâm Tuyền, giữa lòng cuộc đời (số tháng 4/2018)… có post vào fb của tôi. Và, lần nầy với bạn ta Lê Văn Trung, bi khúc một đời thơ.


Trước đây Phùng Quán chỉ “ngã lòng” còn “lũ chúng tôi” sau nầy ngã quỵ, ngã sấp, ngã dập mặt dập mày, ngã xuống vực thẳm, ngã đến bất tỉnh, ngã một cách thảm thương… ngã cho đáng đời “đầu thai nhầm thế kỷ” (Vũ Hoàng Chương).
Khi viết những dòng nầy, nhà thơ Hà Huyền Chi vừa gởi cho tôi mấy câu thơ:

“Mỗi lần té ngã ta khôn lớn
Lại đứng vùng lên chẳng ngại ngùng
Đi tiếp lộ trình ta đã chọn
Dẫu người chung bước chẳng chung lòng”.

Mạng phép HHC, gởi tặng bạn, nếu nhà giáo Lê Văn Trung không té ngã thì làm sao có những bài thơ hay tuyệt vời đến thế.

Viết cho ngày sinh nhật Lê Văn Trung
Little Saigon, March 31, 2018
Vương Trùng Dương
(K1. ĐH/CTCT/ĐL)







Wednesday, July 15, 2020

Tâm Tình Hiến Dâng 1 - RABINDRANATH TAGORE - Đỗ Khánh Hoan dịch


TÂM TÌNH HIẾN DÂNG RABINDRANATH TAGORE

Đỗ Khánh Hoan dịch


1

Tôi bộc:
-        Xin Hoàng hậu đoái thương tên tôi bộc của Người!

Hoàng hậu:
-        Dạ yến tan rồi, tôi bộc của ta về hết. Sao ngươi lại tới lúc đêm hôm khuya khoắt này?

Tôi bộc:
-        Khi những người khác đã ra về, đó mới là lúc tôi đến với Người. Tôi đến để cầu xin, cầu xin làm những gì còn sót lại dành cho tên tôi bộc cuối cùng.

Hoàng hậu:
-        Ngươi còn cầu mong gì khi đêm đã khuya?

Tôi bộc:
-        Xin cho tôi được làm kẻ chăm sóc vườn hoa của Người.

Hoàng hậu:
-        Lời nói nghe mới điên rồ làm sao?

Tôi bộc:
-        Tôi sẽ bỏ những việc đang làm, đem giáo gươm đã dùng vứt vào cát bụi. Xin Người gửi tôi tới các hoàng cung xa xôi, và cũng xin đừng bắt tôi dấn thân vào cuộc chinh chiến nào khác nữa. Chỉ xin cho tôi được làm kẻ chăm sóc vườn hoa.

Hoàng hậu:
-        Nhiệm vụ của ngươi sẽ ra sao?

Tôi bộc:
-        Tôi sẽ hầu hạ Người trong những ngày rảnh rỗi; tôi sẽ giữ gìn cho lối đi rậm cỏ xanh tươi, nơi buổi sớm mai Người dạo gót khoan thai, những cánh hoa sắp tàn sẽ hân hoan chào đón từng bước chân Người. Tôi sẽ đu Người trên cái đu giữa những cành cây xạp-ta bạc-na, ở đó trăng non chiều tàn qua kẽ lá sẽ cố gắng hôn tà áo Người. Tôi sẽ rót thêm dầu ngào ngạt hương thơm vào ngọn đèn tỏa sáng gần giường Người ngủ và trang hoàng tấm thảm để Người đặt chân, bằng gỗ trầm máu đỏ và kim cương màu vàng với nhiều hình vẽ diệu kỳ.

Hoàng hậu:
-        Thế còn phần thưởng?

Tôi bộc:
-        Chỉ xin được phép nâng bàn tay nhỏ nhắn của Người, bàn tay như những búp sen nõn nà, rồi quấn nhẹ vào cổ tay những chuỗi hoa nho nhỏ; chỉ xin được nhuốm gót chân Người bằng chất nước hoa a-bô-ca mà đỏ, rồi thổi đi những hạt bụi ngẫu nhiên còn dính lại.

Hoàng hậu:
-        Tôi bộc của ta ơi, điều ngươi cầu xin ta chấp thuận. Ngươi sẽ là kẻ chăm sóc vườn hoa.

2

“Ủa, thi nhân, chiều xuống dần; tóc anh đang ngả màu xam xám. Trong trầm tư cô đơn, anh có nghe lời gọi vọng từ kiếp sau?”

 “Chiều đến rồi, thi nhân đáp, tôi đang lắng nghe, lắng nghe, vì lẽ dẫu muộn màng, có thể từ thôn làng vẫn có người đứng gọi. Tôi để mắt nhìn liệu những trái tim trẻ dại, lạc loài có gặp nhau chăng, liệu những đôi mắt hăm hở đang mong cầu giai điệu, giai điệu có đến để đánh tan màn im lặng, rồi thay họ mà nói nên lời. Ai sẽ ở đó dệt những bài ca đắm đuối họ đang cất tiếng hát nếu tôi cứ ngồi bên bờ cuộc đời trầm ngâm nghĩ đến sống chết cùng thế giới bên kia?”

“Sao hôm đầu tiên đã lặn. Anh lửa đám hỏa thiêu tàn lụi dần dần bên bờ sông tịch mịch. Từ khoảnh sân thuộc căn nhà hoang vắng, bầy chó sủa suông dưới ánh trăng úa tàn. Nếu có khách tha phương nào đó, lìa bỏ căn nhà êm ấm, tới đây ngắm nhìn đêm tối, cúi đầu lắng nghe bóng tối thì thầm, ai sẽ ở đấy thì thào bên tai người ấy những huyền bí của cuộc đời nếu tôi khép cửa nhà mình lại cố gắng dứt mình khỏi mọi giàng buộc trần gian?”

“Tóc tôi ngả màu hoa râm là chuyện nhỏ nhặt. Tôi vẫn hằng trẻ như những người trẻ nhất, hoặc vẫn hằng già như những người già nhất sống trong thôn này. Ở đây, có những người có nụ cười dịu hiền, chất phác, có những người có ánh mắt ranh mãnh, tinh ma, có những người nước mắt trào tuôn trong ánh sáng ban ngày và có những người lệ nhỏ âm thầm trong bóng tối âm u. Họ thảy đều cần đến tôi, bởi thế tôi làm gì có thì giờ ấp ủ cuộc đời bên kia thế giới. Tôi thuộc về cùng thời đại với mọi người. Có sao đâu nếu tóc tôi đã ngả màu?”

3

Buổi sớm mai tôi quăng lưới xuống biển. Từ vũng sâu đen ngòm tôi kéo lên vô số vật với hình thù và vẻ đẹp lạ kỳ – có vật rạng rỡ như nụ cười, có vật long lanh như giọt lệ và có vật ửng hồng như má cô dâu. Chiều đến, gánh nặng trên vai, tôi về nhà; người yêu tôi đang ngồi trong vườn thẫn thở xé nhỏ từng cánh hoa tươi. Tôi ngại ngần giây lát, rồi đặt xuống chân nàng những vật bắt được, đoạn đứng lặng im.

Nàng đưa mắt nhìn rồi nói: “Những vật này kỳ lạ thật? Em chẳng hiểu chúng dùng để làm gì?”

Ngượng ngùng, tôi cúi đầu thầm nghĩ: “Mình đã không tốn công lao để có những thứ này, mình đã không bỏ tiền ra mua chúng ngoài chợ; chúng chẳng phải quà tặng thích hợp dành cho nàng”.

Thế rồi, suốt đêm thâu, tôi đem từng cái, từng cái ném ra ngoài đường. Buổi sáng du khác đi qua; họ nhặt tất cả rồi mang về những miền xa xôi.

4

Ừ nhỉ, sao họ lại xây nhà cho tôi bên đường lên phố chợ? Họ neo thuyền chở nặng gần vườn cây tôi trồng. Họ tới lui, lang thang tùy ý. Tôi ngồi ngắm họ, thời gian của mình trôi mau. Xua đuổi họ đi tôi không thể. Cứ thế ngày tiếp ngày lặng lẽ trôi qua. Suốt ngày đêm tôi nghe bước họ vang ngoài ngõ. Hoài công tôi nói lớn: “Tôi không quen biết các người”. Trong bọn họ và người quen thuộc đối với ngón tay tôi, vài người quen thuộc đối với lỗ mũi tôi, máu trong thân thể tôi dường như cũng biết họ, và vài người quen thuộc đối với những giấc mơ của tôi. Xua đuổi họ đi tôi không nỡ. Tôi gọi họ và nói: “Bất kỳ ai muốn hãy lại nhà tôi. Vâng, xin cứ lại”.

Buổi sáng tiếng chuông vang lên ngoài đền. Họ tới, tay mang thúng mẹt, chân nhuốm sắc hồng. Anh sáng bình minh vờn trên nét mặt. Xua đuổi họ đi tôi không dám. Tôi gọi họ và nói: “Xin mời các người tới vườn tôi mà hái hoa. Xin đến đây đi”. Trưa đến tiếng gồng ngân vang ở Ngọ Môn. Tôi chẳng hiểu tại sao họ lại dừng tay ngưng việc, rồi lân la gần hàng dậu nhà tôi. Những bông hoa họ gài trên mái tóc đã héo tàn và phai màu; tiếng sáo họ thổi nghe não nuột. Xua đuổi họ đi tôi không đánh. Tôi gọi họ và nói: “Bóng cây vườn tôi mát lắm. Các bạn vào đây”.

Đêm về tiếng dế kêu rả rích trong rừng. Ai đó nhỉ đang từ từ tiến tới cổng nhà tôi, rồi nhẹ nhàng gõ cửa? Tôi lờ mờ nhìn thấy khuôn mặt, không ai nói một lời; bầu trời tịch mịch bao phủ khắp nơi. Xua đuổi người khách trầm lặng tôi không làm được. Tôi nhìn khuôn mặt qua màn tối, những giờ mộng mơ êm nhẹ dần trôi.

5

Lòng rộn ràng, tôi thèm khát những vật xa xôi. Tâm hồn bay xa những mong sờ mó vòng riềm của khoảng cách mịt mờ. Ôi, Bên Kia Bao La, ôi, tiếng sáo thanh tao vọng từ Bên Kia! Tôi quên, tôi hằng quên rằng mình không cánh để bay, rằng mình vẫn bị buộc vào nơi này mãi mãi. Lòng hăng hái, tâm thần tỉnh táo, tôi là người khách lạ trong vùng đất không quen. Hơi thở từ Bên Kia đến với tôi thì thầm một hy vọng khó thành. Tiếng nói từ Bên Kia đối với tim tôi quen thuộc như tiếng nói của chính lòng mình.

Ôi, Miền Xa Khó Tìm, ôi, tiếng sáo lanh lảnh vọng từ Miền Xa Khó Tìm! Tôi quên, tôi hằng quên rằng mình không hề thuộc lối, rằng mình chẳng có ngựa mọc cánh để ra đi. Thẫn thờ, tôi là người khách phiêu du trong chính hồn tôi. Qua màn sương tắm nắng của những giờ khắc uể oải, hình ảnh mênh mông của Bên Kia Bao La hiển hiện mới rõ rệt làm sao trên nền trời xanh xanh! Ôi, Tận Cùng Xa Nhất, ôi, tiếng sáo tâm tình vọng tự Tận Cùng Xa Nhất! Tôi quên, tôi hằng quên rằng mọi cửa vào đều đã khép kín trong căn nhà tôi sống cô đơn!


6

Con chim ngoan nằm trong lồng, con chim hoang ở ngoài rừng. Chúng gặp nhau khi thời cơ tới, như định mệnh đã an bài.

Chim hoang kêu lên: “Ôi, người bạn tình, hãy cùng nhau ta bay về rừng xanh”.

Chim lồng thì thầm: “Bạn lòng ơi, hãy vào đây trong lồng chung sống bên nhau”.

Chim rừng nói: “Trong song sắt lấy chỗ đâu để mình vươn cánh?”.

“Chao ôi!” chim lồng thốt lời, “tôi chẳng biết đậu nơi nào trong bầu trời”.

Chim rừng kêu lớn: “Bạn lòng ơi, hãy ca bài ca rừng xanh”.

Chim lồng đáp lại: “Hãy ngồi bên đây, tôi sẽ dạy bạn lòng ngôn ngữ của người đại giác”.

Chim rừng kêu: “Không, ồ không! Đã là bài ca thì có bao giờ dạy được”.

Chim lồng nói: “Buồn cho thân tôi chẳng hề biết lời ca của rừng xanh”.

Tình đôi chim nhiệt nồng cùng thèm muốn, thế nhưng cả hai chẳng bao giờ có thể liền cánh cùng bay. Đôi chim nhìn nhau qua song sắt lồng son. Ước vọng của đôi chim muốn thấu hiểu lòng nhau thực là hư huyễn.

Đôi chim vỗ cánh trong thèm khát, rồi cất tiếng hót: “Xích lại gần nhau, gần thêm chút nữa, bạn lòng ơi!”

Chim rừng kêu lên: “Làm sao được, tôi e cửa lồng đóng kín”. Chim lồng thở than: “Than ôi, cánh này bất lực còn đâu là đời!”

7

 Ồ, Mẹ ơi, Hoàng tử trẻ đẹp sắp qua cửa nhà ta – làm sao con có thể chăm chú vào việc làm sáng nay? Mẹ dạy con vấn tóc đi; mẹ bảo con nên mặc áo màu nào đi. Mà sao mẹ lại nhìn con ngỡ ngàng thế hở mẹ? Con biết chắc chàng sẽ chẳng thèm đưa mắt nhìn lên cửa sổ nhà ta; con biết chàng sẽ vượt khỏi tầm mắt con trong khoảnh khắc; chỉ còn điệu nhạc hư ảo, chập chờn của tiếng sáo từ xa nức nở sẽ đến với con. Thế nhưng, Hoàng tử trẻ đẹp sẽ qua cửa nhà ta; con sẽ mặc chiếc áo đẹp nhất vào giây phút ấy. Ồ, Mẹ ơi! Hoàng tử trẻ đẹp quả có qua cửa nhà ta; ánh nắng ban mai lóng lánh trên xe chàng đi. Con vén màn che mặt, giựt đứt chuỗi ngọc hổ phách đeo trên cổ, rồi quăng ra lối chàng qua. Mà sao mẹ lại nhìn con ngỡ ngàng vậy hở mẹ?

Con biết chắc chàng sẽ chẳng nhặc chuỗi hạt con ném xuống; con biết chuỗi hạt sẽ bị bánh xe chàng nghiến nát, để lại vết đỏ trên đường đất bụi; rồi chẳng ai hay vật con hiến dâng là gì và cũng chẳng ai biết con dâng hiến cho ai. Thế nhưng, Hoàng tử trẻ đẹp thế nào cũng qua cửa nhà ta; con sẽ giứt phăng viên ngọc đeo trên ngực rồi ném xuống trước lối chàng đi.

8

Khi ngọn đèn bên giường lụn tắt, tôi thức dậy cùng tiếng chim ban mai. Tôi ngồi bên cửa sổ mở toang, vòng hoa tươi mát nằm trên mớ tóc lỏng buông. Người du khách trẻ đẹp đi dọc bên đường trong sương hồng buổi sớm. Cổ chàng đeo chuỗi ngọc; ánh bình minh vương trên mái tóc.

Dừng trước cửa nhà tôi, chàng hối hả hỏi: “Nàng ở đâu nhỉ?”

Lòng nặng ngượng ngùng, tôi không thể nói: “Nàng là Em, du khách trẻ đẹp, nàng là Em”.

Trời vào hoàng hôn, nhưng đèn chưa thắp. Tôi đang thẫn thờ vấn lại làn tóc. Chàng du khách trẻ đẹp đi xe tới trong ánh chiều hôm vàng vọt. Ngựa chàng mỏi mệt, xùi bọt trắng mép; và cát bụi phủ đậm áo chàng. Xuống ngựa trước cửa nhà tôi, chàng cất tiếng hỏi, giọng mệt mỏi: “Nàng ở đâu nhỉ?”

Lòng năng thẹn thùng, tôi chẳng thể nói: “Nàng là Em, du khách thấm mệt, nàng là Em”. Đó là một đêm xuân. Đèn phòng tôi tỏa sáng. Làn gió phương Nam nhẹ nhàng thổi. Con vẹt lắm mồm đã ngủ yên trong lồng. Tấm áo tôi mặc có màu sắc như ức con công, áo choàng ngoài xanh màu xanh cỏ mướt. Tôi ngồi bên cửa sổ, ngắm phường phố vắng tanh. Qua bóng đêm thâu tôi khe khẽ thủ thỉ: “Nàng là Em, du khách tuyệt vọng, nàng là Em”.

9

Khi tôi đi một mình ban đêm đến chỗ người yêu hò hẹn, chim không hót, gió không thổi, nhà cửa hai bên đường đứng lặng im. Chỉ có y trang tôi vận vang âm theo mỗi bước chân đi và tôi phát ngượng. Khi tôi ngồi ở bao lơn ngóng đợi từng bước chân chàng, lá trên cây không rì rào, nước dưới sông nằm im, nằm im như thanh kiếm trên gối người lính gác ngủ khì. Chỉ có tim tôi đập rộn ràng – tôi chẳng biết làm sao ngăn cản nổi. Khi người yêu tôi tới ngồi bên cạnh, khi toàn thân tôi rẩy run, mí mắt rủ xuống, màn tối giăng đen, gió thổi đèn tắt và mây kéo che mờ sao đêm. Chỉ có viên ngọc tôi đeo trên ngực óng ánh tỏa sáng – tôi chẳng biết làm sao giấu che đi được.

10

Cứ đều tay làm việc, tân giai nhân. Hãy lắng nghe, khách đã đến. Giai nhân nghe chăng, chàng đang nhẹ nhàng lắc xích dăng ngang then cổng? Hãy canh chừng, khi tới gặp chàng, đừng để vòng đeo chân kêu lớn tiếng, chớ để bước đi bước quá vội vàng. Cứ đều tay làm việc, tân giai nhân, khách sẽ tới lúc chiều hôm. Không, không phải lượn gió ma quái nào đâu, giai nhân ạ, đừng hoảng sợ. Đó là mặt trăng tròn trĩnh đêm Xuân bóng ngả xanh mờ ngoài sân cỏ; bầu trời trên cao sáng trong. Nếu thấy cần thì vén màn che mặt; nếu thấy sợ, cầm đèn ra tận cổng. Không, không phải lượn gió ma quái nào đâu, giai nhân ạ, đừng hoảng hốt. Chớ nói lời nào với chàng nếu còn bẽn lẽn; hãy nép mình bên cổng khi giáp cận mặt chàng. Nếu chàng hỏi han, và nếu tự mình cũng muốn, tân giai nhân nên cúi mặt lặng im nhìn xuống. Đừng để vòng xuyến leng keng va nhau khi tay cầm đèn, dẫn chàng vào nhà. Chẳng nên nói lời nào với chàng nếu còn e thẹn. Vẫn chưa làm xong công việc ư, giai nhân? Này kìa, khách đã tới. Vẫn chưa thắp đèn trong chuồng bò? Chưa sẵn sàng mâm quả để lễ đêm nay? Vẫn chưa điểm nốt son hạnh phúc chỗ đường ngôi rẽ ngang và chưa tắm gội để sửa soạn đêm nay? Ồ, tân giai nhân, nghe chăng, khách đã lại? Nhưng cứ đều tay, đều tay, đều tay.

11

 Cứ thế mà đi, đừng dềnh dang chải chuốt. Nếu vòng tóc vẫn còn lỏng, đường ngôi rẽ chưa xuôi, giải lụa thắt lưng không chặt, cũng dừng bận tâm, em ạ. Cứ thế mà đi, đừng dềnh dang chải chuốt. Nào, hãy bước lẹ lên cỏ non xanh mịn. Nếu đất đỏ vì sương mai văng lên gót, vòng nhạc nơi chân còn lỏng lẻo, ngọc báu rơi khỏi chuỗi đeo tay, cũng đừng bận lòng, em ạ. Nào, hãy bước lẹ lên cỏ non xanh mịn. Em thấy chăng mây đang phủ kín bầu trời? Từ bờ sông xa hạc từng đàn bay tới, gió từng cơn đổ xuống đồng hoang. Trong làng trâu bò ưu tư nhanh bước về chuồng. Em thấy chăng mây đang phủ kín bầu trời? Hoài công em châm đèn trang điểm – đèn chập chờn và gió thổi tắt ngay. Ai sẽ biết mi mắt em đã không bị muội đèn chạm tới? Vì mắt em còn đen hơn mây trời mọng nước. Hoài công em chong đèn trang điểm – đèn vẫn tắt ngay. Cứ thế mà đi, đừng dềnh dang chải chuốt. Nếu vòng hoa em kết chưa xong, nào ai để ý; nếu lắc tay em gài chưa chặt, chẳng nên cầu kỳ. Bầu trời hôm nay vần vũ – muộn rồi đấy em ơi! Cứ thế mà đi, đừng dềnh dang chải chuốt.

12

Nếu em mang bình đi xách nước, hãy đến, xin hãy đến hồ tôi. Nước sẽ đổ xô quanh chân em thì thầm, tâm sự. Bóng mưa in trên cát mịn; mây giăng thấp ngang viền cây xanh tựa làn tóc màu mun phủ vầng trán thơ ngây. Tôi quá quen nhịp bước em đi, mỗi nhịp đập vang mạnh vào tim.

Hãy đến, xin hãy đến hồ tôi nếu đi kiếm nước. Nếu em ngồi thẫn thờ, uể oải để bình trôi trên sông, hãy đến, xin hãy đến hồ tôi. Đường dốc, cỏ mịn xanh, hoa dại nhiều vô số. Ý nghĩ trong em sẽ vượt khỏi tròng mắt nhung đen lang thang như chim non rời tổ. Màn che mặt sẽ rơi xuống chân em. Cứ lại, xin cứ lại hồ tôi nếu em muốn ngồi thẫn thờ, uể oải. Nếu thôi đùa nghịch, nếu muốn dầm mình trong nước, hãy đến, xin hãy đến hồ tôi. Trải áo choàng màu xanh lên bờ cỏ: mà nước xanh sẽ giấu kín em đi. Sóng sẽ nghển lên hôn nhẹ cổ trắng ngà rồi thì thầm bên tai em. Hãy đến, xin hãy đến hồ tôi nếu em muốn dầm mình trong nước. Nếu quẫn trí và muốn quyên sinh cứ đến, xin cứ đến hồ tôi. Ở đấy mát lạnh và sâu thăm thẳm. Ở đấy, trong sâu thẳm, ngày đêm là một, và lời ca là im lặng triền miên. Cứ tới, xin cứ tới hồ tôi nếu em muốn trầm mình giã từ trần thế.

13

Tôi không hỏi xin gì mà chỉ đứng ở ven rừng sau rặng cây xanh. Anh mắt bình minh hãy còn mệt mỏi và không gian nặng chĩu sương mai. Trong làn sương mong manh hương cỏ ướt lười biếng còn trườn mình trên mặt đất. Dưới tán cây đa em đang vắt sữa bò; tay mềm mại tươi mát như bơ.

Tôi đứng lặng thinh. Tôi không nói một lời. Chỉ có con chim nhỏ nấp kín trong lùm cây cất tiếng hót. Cây xoài đang rắc hoa trên đường làng; đàn ong từng con từng con bay bay lượn lượn. Phía bên kia bờ ao cổng đền. Thi Và đã mở, người ngoan đạo đang cất tiếng cầu kinh. Em vắt sữa bò để bình trên bắp vế. Tôi đứng tay cầm chiếc lon rỗng không. Tôi chẳng lại gần em. Bầu trời thức giấc theo tiếng kiểng trong đền. Bụi đường dâng cao sau bước chân bầy gia sức; những người đàn bà từ sông trở lại mang bình nước sóng sánh trên hông. Lắc tay em đeo ngân vang nhè nhẹ; sữa bò sủi bọt tràn khỏi miệng bình. Buổi mai trôi qua mà tôi chẳng lại gần em.

14

Lúc buổi trưa trôi qua và cành tre rì rào trong gió tôi đang đi bên đường tôi chẳng hiểu tại sao. Nhiều bóng nằm ngang, tay trải rộng, ôm chặt bước đi của ánh nắng vội vàng. Chim cô-en không buồn cất tiếng hót. Tôi đang đi bên đường tôi chẳng hiểu sao. Túp lều tranh bên dòng nước có cây cao bao trùm che mát. Có cô con gái nào đó đang bận bịu việc làm, đồ trang sức trên tay nhẹ vang trong xó tối. Tôi dừng chân trước cửa túp lều này, tôi chẳng hiểu tại sao. Con đường nhỏ quanh co lượn khúc qua biết bao ruộng cải sen tươi non, qua biết bao vườn xoài mọng chín, băng ngang ngôi đền làng rồi khu chợ bên bến sông. Tôi dừng chân bên cạnh túp lều này, tôi chẳng hiểu tại sao.

Bao năm về trước, vào một ngày mùa Xuân khi trời lộng gió tiếng suối thì thầm trở nên buồn bã và hoa xoài từng cánh lã tã rơi xuống mặt đường. Làn nước lăn tăn nhảy múa, liếm vào mạn thuyền đồng đậu ở bến sông. Tôi chạnh nghĩ đến ngày Xuân lộng gió ấy, tôi chẳng hiểu tại sao. Bóng chiều mỗi lúc thêm dày đặc; mục súc về chuồng. Anh nắng ngả màu xám trên đồng cỏ hoang liêu trong lúc dân làng đứng đợi đò bên bờ sông. Tôi từ từ quay gót, tôi chẳng hiểu tại sao.

15

Tôi chạy như con xạ hươu trong bóng tối rừng cây, say vui vì hương thơm ngào ngạt của chính mình. Đêm nay là đêm giữa mùa Xuân; gió này là gió từ phương Nam thổi lại.

Lạc lối, tôi đi lang thang; tôi tìm cái mình không thể có và tôi có cái mình không thể tìm. Từ tim tôi hình ảnh của ước muốn riêng tư bay ra rồi nhảy múa. Ảo ảnh chập chờn nhè nhẹ lướt qua. Tôi cố ghi ảo ảnh trong tay; ảo ảnh tuột thoát khiến tôi lạc loài. Tôi tìm cái mình không thể có và tôi có cái mình không thể tìm.

16

Tay xiết trong tay, mắt vờn theo mắt, từ đó lịch sử tâm tình đôi ta bắt đầu. Đêm ấy là đêm trăng đầu Xuân; hoa ben-na thơm ngạt ngào lan trong không khí. Chiếc sáo anh thổi nằm trơ trên mặt đất; vòng hoa em kết vẫn chưa xong. Tình yêu đôi ta đơn sơ như một bài ca. Màn em che mặt màu vàng cam làm mắt anh ngất ngây; vòng hoa nhài vì anh em kết thôi thúc tim anh rung lên từng nhịp như lời ngợi ca. Đây là trò chơi cho đi đòi lại, bộc lộ rồi lại phủ che; vài nụ cười tươi duyên, vài thẹn thùng nho nhỏ, vài giận hờn nhè nhẹ, vài giành giật bâng qươ. Tình yêu đôi ta đơn sơ như một bài ca. Ngoài hiện tại không có gì huyền bí. Việc chi mà tìm kiếm điều chẳng thể kiếm tìm; sau vẻ đẹp chẳng có bóng mờ nào hết; việc chi mà lần mò trong bóng tôi thâm u. Tình yêu đôi ta đơn sơ như một bài ca. Chúng mình không miên man nói mãi để rồi chìm vào im lặng triền miên; chúng mình không qườ tay với khoảng không để tìm điều ngoài hy vọng. Thật đủ rồi cái ta cho và cái ta được. Chúng mình đã không bóp nghẹt nguồn vui, thật nghẹt để vắt ra men rượu đau thương. Tình yêu đôi ta đơn sơ như một bài ca.

17

Con chim màu vàng cất tiếng trong lùm cây bên ấy, giọng hót làm tim tôi ca múa rộn ràng. Hai đứa chúng tôi cùng sống trong một làng; đấy là nguồn vui duy nhất của hai tâm hồn. Cặp cừu non nàng âu yếm tới ăn cỏ dưới bóng mát vườn cây nhà tôi. Nếu chúng lạc vào ruộng bắp tôi trồng, tôi sẽ trìu mến bồng chúng trên tay. Tên làng chúng tôi ở là Khàn
A Na và An A Nà là tên người ta gọi dòng sông. Tên tôi trong làng ai cũng biết còn tên nàng người ta gọi là Ràn A Na. Chỉ một cánh đồng nằm giữa chúng tôi. Bầy ong xây tổ trong rừng bên này nhưng đi tìm mật ở rừng bên ấy. Những bông hoa trôi dạt từ bến bên ấy bồng bềnh theo dòng suối sang bến tắm bên tôi. Những thúng đầy hoa cum khô từ ruộng bên ấy được mang sang bán ở chợ bên này. Tên làng chúng tôi ở là Khàn A Na và An A Nà là tên người ta gọi dòng sông. Tên tôi trong làng ai cũng biết còn tên nàng người ta gọi là Ràn A Na. Con đường nhỏ quanh co tới căn nhà bên ấy mùa Xuân thơm phức mùi hoa xoài. Khi cây gai bên ấy chín vàng chớ gặt, cây dầu nở hoa đầy vườn bên này. Những vì sao mỉm cười trên mái tranh bên ấy cũng gửi qua bên này ánh mắt lấp lánh tươi vui. Mưa tràn ao nước bên ấy làm rừng ca-đam bên này mừng lây. Tên làng chúng tôi ở là Khàn A Na và An A Nà là tên người ta gọi dòng sông. Tên tôi trong làng ai cũng biết còn tên nàng người ta gọi là Ràn A Na.

18

Lúc hai chị em đi gánh nước hễ tới nơi này họ đều mỉm cười. Hẳn họ thừa biết có ai đó đứng sau lùm cây bất kỳ khi nào họ gánh nước nơi đây. Hai chị em thì thầm với nhau khi qua nơi này. Hẳn họ thừa đoán điều thầm kín của ai đó đứng sau lùm cây bất kỳ khi nào họ gánh nước nơi đây. Đôi nồi bỗng dưng chòng chành, nước tràn ra ngoài khi họ tới nơi này. Hẳn họ phải nhận ra tim ai đó đứng sau lùm cây đang đánh nhịp rộn ràng bất kỳ khi nào họ gánh nước nơi đây. Khi tới nơi này hai chị em đưa mắt nhìn nhau rồi mỉm cười. Có tiếng khúc khích trong bước đi vội vã làm rối trí ai đó đứng sau lùm cây bất kỳ khi nào họ gánh nước nơi đây.

19

Em nhẹ bước trên lối mòn bên sông ngang hông mang bình nước tràn đầy. Sao lại vội quay mặt liếc nhìn tôi qua màn che phơ phất trong gió? Anh mắt sáng tươi ấy từ thâm ư trùm lên thân tôi như đợt gió nhẹ rùng mình lướt qua mặt nước lăn tăn tới bờ  xa râm mát. Anh nhìn ấy đến với tôi như cánh chim chiều hối hả bay qua phòng tối không đèn từ cửa sổ này đến cửa sổ kia, rồi biến vào màn đêm âm u. Em nấp kín như vì sao đằng sau dẫy đồi; tôi là khách bộ hành lê gót trên đường dài. Nhưng sao em dừng giây lát liếc mắt nhìn tôi qua màn che mặt khi đang nhẹ bước trên lối mòn bên sông ngang hông mang bình nước tràn đầy?

Nhớ màu hoa cũ

NHỚ MÀU HOA CŨ   Rất lẻ loi một đóa hoa vàng Nở muộn bên đường chiều đang sương Có người chợt nhớ mùa thu trước Hoa cài lên tóc còn ươm h...