Saturday, November 30, 2019

Bình thơ: “HUYỀN THOẠI” - THƯ HOÀNG BÌNH THƠ

“HUYỀN THOẠI” - THƯ HOÀNG BÌNH THƠ


Lại chọn một bài thơ quá tầm để bình, kiểu thơ thấy hay mà chưa tường tận. nôm na là một ca khó, vượt lên chính mình.
Những sáng tác của anh Lê Văn Trung (Trung Le) thường mang hương say nhè nhẹ chỉ để cảm mà không để hiểu. Có lẽ đấy mới đích là thơ?


HUYỀN THOẠI

Hình như rượu thơm mùi nhớ nhung
Màu đêm vàng như màu trăng rằm
Em có về không mà trong gió
Tóc của mùa trăng tỏa ngát hương

Trăng rằm hay em trăng vừa xanh
Trăng vừa bay vừa kể chuyện tình
Vừa tan dìu dịu trong sương biếc
Vừa nhẹ vàng ươm đôi mắt đen

Em bước về đâu mà áo trăng
Mang mang trời đất trắng vô cùng
Hay da thịt của nghìn cơn mộng
Đã nở cùng thơ buổi nguyệt rằm

Em rót giùm ta tràn chén ngọc
Em uống cùng ta mềm giấc mơ
Hãy ủ cho men nồng trong mắt
Hãy ướp thơm tho mùi hương xưa

Ta nghe trong gió lời tình tự
Của một mùa trăng xa nhớ nhung
Đêm nay ngồi uống trăng như rượu
Lòng bỗng say theo đóa nguyệt hồng.

Lê Văn Trung (Trung Le)


Theo đề tài HUYỀN THOẠI, tôi càng mông lung trong thế giới đầy nét vẽ của anh. Biết hay là được tôi quyết không sợ gì rối rắm.


Thơ bảy chữ khá mềm mại trong tay anh Lê Văn Trung nhưng ý tứ sâu xa lắm, nó làm tôi ngộp chìm trong các liên tưởng không dứt.


Hình như rượu thơm mùi nhớ nhung
Màu đêm vàng như màu trăng rằm
Em có về không mà trong gió
Tóc của mùa trăng tỏa ngát hương

Một câu tự hỏi mình, lại hỏi về một cái điều khó cắt nghĩa lắm "Hình như rượu thơm mùi nhớ nhung" và thêm một câu hỏi "Em có về không ..." dòng tình cảm dào dạt dâng trong anh.Tất cả đều man mác xa xăm ẩn hiện những hình tượng thơ.


"Màu đêm vàng như màu trăng rằm" cách ví von thật lạ "màu đêm vàng" là đêm trăng rất sáng nhưng tác giả lại khiến cái sáng này lu đi theo tiếng "đêm" đi kèm. Khoác cái mờ ảo lên cho đêm, giấu cái lung linh trong không gian thơ sâu thẳm đó là cái giỏi của người viết. Nó giúp tôi hiểu phần nào là thơ không để "lộ mạch".


"Tóc của mùa trăng tỏa ngát hương", lại như đánh đố người xem. Cách nào đấy những ông thi sĩ sẽ hiểu được rõ nhau hơn bạn đọc tay ngang như tôi. Nhưng cố mà hiểu theo tầm của mình vậy.


Ắt đấy là hình ảnh giới thiệu và gợi lên vẻ đẹp cố nhân khi trong gió len mùi hương tóc mây con gái.  Suối tóc của huyền thoại, ánh chớp mộng mơ theo vành sáng trăng lóng lánh.


Tác giả thả vào tất cả hồn ngây ngất để hỏi đáp và liên tưởng cho mình. Dòng thơ như đang chuyển động, ánh trăng và hương tràn lai láng đêm tâm sự.


"Em" mỗi lúc một nổi lên cùng "trăng" vì trong trăng chan chứa hình bóng em rồi. Sự hòa quyện này làm nên mơ- thực lẫn lộn và phần nhiều có lẽ là mơ.


Trăng rằm hay em trăng vừa xanh
Trăng vừa bay vừa kể chuyện tình
Vừa tan dìu dịu trong sương biếc
Vừa nhẹ vàng ươm đôi mắt đen

Thêm những sắc màu cho thơ: vừa vàng đấy đã thấy xanh, thấy trong vắt và cả đen nhung. Hương-sắc trong thơ coi như đủ đầy tựa như chúng ta đang được dẫn dắt đến một vườn xuân ngào ngạt.


Để rồi nghe ánh trăng tự tình bằng lệ sương, bằng mắt biếc, tất cả dìu dịu nhẹ nhàng bay qua con tim tỉnh giấc.
Và kìa nàng trăng bước ra từ mong nhớ:


Em bước về đâu mà áo trăng
Mang mang trời đất trắng vô cùng
Hay da thịt của nghìn cơn mộng
Đã nở cùng thơ buổi nguyệt rằm


Nàng con gái của thi nhân luôn xinh đẹp và trinh bạch đã hiện thân cùng buổi nguyệt rằm. Bước của em làm vỡ loang sóng trăng, màu da em trắng ngần làm ngất ngây trời đất, em như đóa hoa nghìn năm vụt nở đáp tạ tình thi sĩ.


Gởi gắm theo nàng vẫn là hương và trăng, bấy nhiêu đấy đã đủ men chuốc say hồn thi nhân đa cảm.
Ta cứ thấy dư âm những câu hỏi chưa thôi "về đâu", "hay"...
Và cơn say thật sự đến rồi đây:


Em rót giùm ta tràn chén ngọc
Em uống cùng ta mềm giấc mơ
Hãy ủ cho men nồng trong mắt
Hãy ướp thơm tho mùi hương xưa

Ta nghe trong gió lời tình tự
Của một mùa trăng xa nhớ nhung
Đêm nay ngồi uống trăng như rượu
Lòng bỗng say theo đóa nguyệt hồng.


Những"chén ngọc" "men nồng "ấp ủ" "ướp thơm tho" duyên tiên tình trần. Ta lại ngỡ em là Quỳnh, là giấc mơ vạn kiếp. Người con gái đẹp nhất trong đôi mắt người tình si quả là đúng thế.


Cơn mơ dưới trăng giúp họ gần nhau hơn dù rằng nàng cũng chỉ là lung linh ảo ảnh. Đêm này là vậy, chỉ hình bóng một người xa- xa như trăng -đóa hoa nở trong miền hư ảo.


Bao nhiêu tình yêu chàng góp lại cho trăng, cùng trăng đưa đẫy giấc mộng tình thơm ngát hương. Vì thế cần lắm một men say, say cho ngờ mình đang tỉnh.


Ngôn từ đẹp, nghệ thuật so sánh được sử dụng liên tục, men say có thực trong thơ anh. Tác giả Lê Văn Trung đã thổ lộ cùng chúng ta tình thơ qua trăng bằng cách hoành tráng nhất. Anh đã ướp hương vào lòng người, dát trăng lên mắt người và thuyết phục bạn đọc bằng men rượu quý Quỳnh Tương.


Tình dài giấy ngắn, chia tay cùng bài thơ HUYỀN THOẠI tôi cũng như bạn thấy thật thỏa lòng với những điều kỳ diệu mà thơ làm được. Thơ cũng có thể chuốc hồn ta giống rượu như khi đọc thơ anh Lê Văn Trung rồi chợt say cùng trăng, cùng hương, cùng mộng và dáng kiều tha thướt mông lung...


2.8.17

Thư Hoàng

Bình Thơ: “PHỤC SINH THƠ’: LỜI THÁNH CA TÌNH CỦA LÊ VĂN TRUNG - Châu Thạch

“PHỤC SINH THƠ’: LỜI THÁNH CA

 TÌNH CỦA LÊ VĂN TRUNG

                              Châu Thạch
*https://t-van.net/chau-tha%cc%a3ch-phu%cc%a3c-sinh-tho-loi-thanh-ca-tinh-cu%cc%89a-le-van-trung/
*http://www.saimonthidan.com/?c=article&p=15551

Không biết từ lúc nào tôi có một bạn facebook tên là Trung Le. Rồi thì một hôm tôi tình cờ đọc được bài thơ đăng trên dòng thời gian của Trung Le.  Bài thơ có nhan đề “Phục Sinh Thơ” với những câu thơ mà khi đọc xong tôi đã viết vào phần bình luận ở dưới là “thích phát điên”. Bài thơ như sau:


PHỤC SINH THƠ
Em về chiều sương hay đêm mưa
Về trong chiêm bao trong cơn mơ
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ

Hình như chuông ngân hồi kinh chiều
Hình như chuông rung lời thương yêu
Thiết tha như thể bài kinh nguyện
Như lời tình tự của trăng sao

Áo ai vàng phơi trong thơ tôi
Ôi môi trầm hương mắt lệ ngời
Tôi về trải hết lòng nhung lụa
Rượu nồng xin cạn cuộc tình vui
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về, thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ.

SG, 16 giờ 13.6.17
LVT



Có lời bình luận của một bạn fay cho bài thơ trên như sau: “bài thơ như lời thánh ca”. Bình luận nầy được nhà thơ lớn Lê Mai Lĩnh nhắc lại: “Như lời thánh ca”. Với tôi, tôi cũng đồng ý như thế nhưng tôi xin thêm:”Lời Thánh ca tình”. 


Bài thơ ghi bút danh ở dưới là LVT và tôi tò mò đi tìm cái bút danh nầy suốt đêm mới khám phá ra LVT tức là nhà thơ Lê Văn Trung, tức là bạn fay Le Trung của tôi hiện nay, tức là một nhà thơ đã có có vai vế trên văn đàn trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam. Sở dĩ tôi không biết nhà thơ nầy chỉ vì hồi ấy tôi là con dế còn nằm yên dưới cỏ chưa hề tập gáy.

Thật tình tôi là cây bút ông lão tuổi đời, con nít tuổi viết nên thường hay tránh rờ chân thơ văn của các bậc trưởng thượng trên văn đàn. Thế nhưng bài thơ nầy nó giống như con cáo thành tinh trong Liêu Trai chí dị, hằng đêm cứ len vào tâm trí tôi, làm cho giấc ngủ của tôi cứ lơ mơ nửa tỉnh nửa mê với nó. Vậy nên, thôi tôi cứ liều chăn gối với nó một lần chắc chẳng chết đâu. Mà dẫu có chết thì cũng chỉ là con dế già chết, lo gì.

Bây giờ hãy đi vào thơ.

Em về chiều sương hay đêm mưa
Về trong chiêm bao trong cơn mơ

có nghĩa là chẳng biết em về lúc nào hay đúng ra em chẳng về chi cả. Sự về của em chỉ là sự nhớ trong tâm trí của anh thôi. Hai câu thơ mở đầu đã đưa ta vào ngay một không gian ảo vọng trong một thời gian ảo vọng. Ta thấy em của nhà thơ mơ hồ hiển hiện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Tự nhiên cái nỗi nhớ dài lâu và mênh mông đó cũng theo hơi thơ xâm nhập vào lòng ta để ta cũng cảm thấy một niềm nhớ nhung xa vắng.

Rồi thì Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió” làm ta bỗng nhiên nhớ lại những câu thơ Nguyên Sa: 
“Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
 Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
 Anh lạy trời mưa phong toả đường về
và đêm ơi xin cứ dài vô tận

làm ta tưởng tượng cái ấm áp của sự yêu nhau trong tháng sáu nó thi vị nhường bao mà nay không có nữa. Câu thơ không nhắc đến thơ Nguyên Sa mà thơ Nguyên Sa tự nhiên dậy trong lòng người đọc. Còn nếu ai không nhớ đến thơ Nguyên Sa thì câu thơ cũng cho ta một trời Sài Gòn gió nhẹ làm rượi mát tâm hồn để dễ cho ai đó có một khúc mộng du quay về dĩ vãng.

 Để kết luận khổ thơ đầu tác giả viết:
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ”. 

Tác giả không nói “chiều nắng” hay “ánh nắng”mà nói “giọt nắng” chứng tỏ khi tác giả nhớ em thì trời đất biến đi, cả linh hồn anh đăm chiêu nên chỉ nhìn thấy từng giọt nắng lung linh trước mắt mình thôi. Nghĩ xa một chút nữa thì “Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ” có thể không phải là giọt nắng ngoài trời mà đây là giọt nắng trong thơ. Giọt nắng ấy chính là hồi ức những kỷ niệm trong quá khứ đã làm câu thơ tác giả hóa ra sầu.

Vế thứ hai của bài thơ tác giả để cho tiếng chuông ngân vọng khắp cả không gian và thời gian về chiều, như tiếng lòng của anh trùm khắp vạn vật:
Hình như chuông ngân hồi kinh chiều
Hình như chuông rung lời thương yêu
Thiết tha như thể bài kinh nguyện
Như lời tình tự của trăng sao


Tác giả lặp lại hai lần chữ “Hình như” tức là không có tiếng chuông nào cả, hoặc là có thì nó cũng ở đâu xa văng vẳng vọng tới mà thôi.


Vậy thì đúng ra tiếng chuông nầy đã dậy lên ở chính trong lòng tác giả. Tâm hồn nhà thơ chính là đền thờ lớn đã liên tục đồng vọng tiếng lòng mình mà nhà thơ tưởng nó “hình như” trong không gian. Lời kinh thì chỉ để tôn vinh Thiên Chúa, lời kinh không thể là “tình tự của trăng sao” cho nên nói một cách chính xác thì “Hồi kinh chiều”, “lời thương yêu”, “bài kinh nguyện”, tất cả phát xuất từ rung động của tình yêu trong tâm hồn tác giả. Rung động đó tác giả đã huyền nhiệm nó, làm thiêng liêng nó, hòa nhập nó trong tiếng chuông đền thờ, làm cho chỉ một khổ thơ nầy mà bài thơ như một thánh ca, với tôi không phải thánh ca thờ Thiên Chúa mà thánh ca thờ tình, thứ tình vượt lên, thành ra chúa của tình.


Đọc vế thơ nầy người ta nghe được tiếng đồng vọng của hằng hà sa số chuông vọng xa xa mà cũng đồng thời nghe được tiếng tơ lòng tác giả rung động rất gần như tiếng chuông vọng ở bên tai mình vậy. Bởi thế nhiều người nhận xét cho bài thơ là “Thánh ca, thánh ca, Thánh ca” là vậy!!!


Qua khổ thứ ba của bài thơ, tác giả nhớ lại một thời trãi nhung lụa trong hồn để yêu, uống rượu để làm nồng say một cuộc tình:

Áo ai vàng phơi trong thơ tôi
Ôi môi trầm hương mắt lệ ngời
Tôi về trải hết lòng nhung lụa
Rượu nồng xin cạn cuộc tình vui

Không hiểu vì sao đọc thơ Lê Văn Trung tôi lại cứ nhớ đến thơ Nguyên Sa.

“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
tôi thay mực cho vừa màu áo tím”
có nghĩa là nhà thơ Nguyên Sa đã chọn chiếc áo vàng là chiếc áo đẹp nhất của nàng nên đã nêu màu đầu tiên trong ba màu áo mà nàng đã mặc.


 Ở đây nhà thơ Lê Văn Trung cũng thế: “Áo ai vàng phơi trong thơ tôi”có nghĩa là màu vàng của chiếc áo đã nhuộm cả hồn thơ, đã phất phới trong thơ, đã khiến nhà thơ “trãi hồn nhung lụa” để “cạn cuộc tình vui” và để sau nầy câu thơ cũng vàng vì những giọt tương tư. Cả một khổ thơ không có gì đặc biệt, nó chỉ biến thành hay nhờ chiếc áo vàng đã phơi trong thơ.

Khổ chót bài thơ là một bức tranh màu tươi thắm. Tác giả dùng màu hồng, màu xanh, màu vàng có thể nói là rực rỡ để vẽ một bức tranh buồn, bức tranh nhung nhớ:
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về, thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ.

Đây là một cách chơi màu phù phép mà những tay bình thơ gà mờ như tôi không giãi nổi. Nhưng tôi thấy thích thú vì nỗi nhớ sao mà đẹp quá, thi vị quá, không da diết, không não nuột mà lãng mạn tràn đầy. Cái chiều hồng trời không mưa ở Sài Gòn nhắc cho tôi những buổi chiều nằm gác trọ, những buổi chiều rong chơi và những buổi chiều vàng son thời trai trẻ đẹp làm sao tại Sài Gòn.
Chữ “chiều ươm hồng” nhắc tôi liên nghĩ đến hình ảnh những trái cây mọng nước ở chợ Bến Thành. Câu thơ “thơm đóa tình xanh cũ” lại làm tôi liên nghĩ đến những trái ổi xanh um giòn rụm mà tôi cùng em đã mua ăn tại đây trong khi chờ xe Bus.

Tôi không hiểu cái tựa đề “Phục Sinh Thơ” có ý nghĩa gì nhưng tôi đoán có lẽ tác giả muốn nói em là thơ, em về là thơ được phục sinh.
Đọc bài thơ chắc không ai thấy buồn nhưng thấy tình yêu bỗng tràn trong từng thớ thịt. Ý thơ, tứ thơ không xa lạ gì nhưng tiếng thơ vỗ về tâm tư, làm cho tự nhiên tâm hồn ta thêm trân trọng cuộc tình đã mất, cất cánh linh hồn ta bay trong vô biên của tiếng kinh vọng chiều buồn mà êm ái.
                                                
Châu Thạch

Bình thơ: Bậu trong thơ Trần Phù Thế - Lê Văn Trung

BẬU TRONG THƠ TRẦN PHÙ THẾ

- Lê Văn Trung


Không biết các nhà ngôn ngữ học giải nghĩa “bậu” như thế nào, tôi vẫn đinh ninh rằng dù giải nghĩa thế nào đi nữa cũng không thể lột tả hết ý nghĩa tình cảm sâu đậm thiết tha mà đầy thương cảm của đại danh từ ngôi hai nầy.


Bậu là ai? “BẬU” là một thoáng gặp gỡ trong đời nhưng làm ta ngây ngất, và hình bóng”bậu” in mãi trong trái tim dào dạt thương yêu của ta.

“BẬU” là ai? “BẬU” là sắc là hương bừng nở một thời trong đam mê say đắm của ta.

”BẬU” là ai?”BẬU” là da là thịt là ái ân nồng thắm một đời vợ chồng. “BẬU” có thể ở đâu đó trong bẽ bàng ngang trái, đã để lại trong lòng ta trong lòng bậu những vết cào xước đủ làm chảy máu trái tim. 

“BẬU” có thể đã cùng ta đi trọn cõi trăm năm gian nan cơ cực hạnh phúc khổ đau. Nhưng “bậu” cũng có thể ở đâu đó trong dang dỡ phân li. Cho dù “bậu” là ai, một khi ta cất tiếng thiết tha gọi “bậu” thì cái nghĩa trăm năm, cái tình vạn kiếp cứ mãi với ta lên thác xuống ghềnh. Không bao giờ ta quên. Không thể nào nguôi quên.


Lần đầu tiên đọc bài “Bậu đi” của Trần Phù Thế mà Thư Quán Bản Thảo đã cố ý đăng lại hai kỳ đã để lại trong tôi những cảm xúc vừa thương tâm vừa ngậm ngùi. Hạ đình Thao đã nói với tôi: “không có bài thơ khóc vợ nào tự cổ chí kim mà hay hơn được”. Đúng quá.

Ta thử đến với “Gọi khan giọng tình” mà ở đó hình bóng của “bậu” được khắc họa như thế nào trong dòng thơ Trần Phù Thế.
Trong dân gian, ca dao, hát ru có khá nhiều câu gợi tình với hai tiếng “bậu ơi”. Cho dù trách móc giận hờn hay yêu thương tha thiết khi gọi lên tiếng “bậu ơi” ta vẫn nghe chìm khuất trong âm thanh đó một tấm lòng bao dung, một tấm tình sâu nặng:

“Bậu về Đại Ngãi mình ên
Bỏ quên kẹp tóc
Bắt đền tội ta
Bậu quên là tại bậu mà
Tại sao bậu bắt đền ta một đời”


Ở đây “bậu là ai?” Thì ra “bậu” chỉ mới là cô bé nhí nhảnh, láu lỉnh, cái nhí nhảnh láu lỉnh đáng yêu của một-giai-nhân-bé-nhỏ ở cái tuổi mười hai mười ba, cái tuổi đã bắt đầu thoang thoảng mùi hương he hé sắc màu:

Bậu về liếc mắt đong đưa
Gió xuân đầy mặt
Như vừa chín cây.

Đâu có “bậu” chỉ làm: “Ta mười lăm đã lòng say bậu rồi” mà cỏ cây cũng ưa bậu về…

Nhưng rồi cái tuổi “chùm me chua lừng”, “xoài tượng thơm giòn” cũng lớn lên như “trái chín”. Trong tim người thi sĩ hình bóng “bậu” vẫn y nguyên, cái tình dành cho “bậu” đã miên viễn thiên thu chảy trong máu huyết, trong thịt da cháy bỏng niềm si mê:


“Ta rất nhẹ nâng niu tình hai đứa
Cất trong tim
Không dám chạm
Vào tim”

Để rồi:

“Ta nặng tình dẫu chết chẳng hề quên”. Tôi thương nhất hai câu:

“Bậu quên là tại bậu mà
Tại sao bậu bắt đền ta một đời”.
Chữ “mà” nghe ra tội nghiệp nhưng không bi lụy, tội nghiệp nhưng tràn đầy yêu dấu. Nói như thế thì làm sao mà bậu không thương được!


“Bậu” đã cố tình bỏ quên kẹp tóc để có cớ mà “bắt đền ta”, “bậu” là cô gái “tát nước đầu đình / bỏ quên chiếc áo trên nhành hoa sen”. “Cái kẹp tóc” hay “chiếc áo” là con đường quanh co thơ mộng băng qua thảm cỏ ái tình để rồi ràng buột nhau một đời, ràng buộc trăm năm.


Nhưng giấc mộng đời có bao giờ nguyên vẹn đâu. Và bi khúc là đoạn kết trong trường ca tình ái về “bậu”. Bởi vì sinh ly tử biệt là lẽ vô thường, “bậu” đi hay ta đi, trước sau gì cũng đến cái kết cuộc bi thương đó. Nhưng mà ông trời đã bắt bậu đi trước ta. Trong cõi hư không nào đó bậu còn luyến nhớ chốn trần gian hiu quạnh nầy:

“Bước qua ngưỡng cửa âm dương
Bậu đi mình bậu chẳng vương vấn gì
Còn ta ở lại sông lì
Một thân một bóng cu ki một mình”
“Bậu đi lạnh gối ta nằm
Hình như cái lạnh, lạnh ngầm trong xương”



Ta không dám chạm vào ngôn ngữ thi ca của Trần Phù Thế, bởi vì một sự giải nghĩa, phân tích, so sánh, đều vô ích, ta chỉ cảm nhận sâu lắng bằng sự đồng cảm xót xa để cố nén giọt nước mắt chực ứa ra khi đọc những dòng lục bát này:

“Bậu ơi sao bậu làm thinh
Nén nhang cơm lạt bóng hình là đây
Phất phơ hồn gió theo mây
Mỗi đêm giỡn bóng trăng gầy tàn đêm”



Nổi khổ đau trong niềm thương nhớ buốt lòng, như thấy được, hay chỉ là khát khao, hay chỉ là mơ tưởng, nhưng hình như ta cảm nhận đâu đó, quanh ta, trong lung linh sương khuya, trong lay động cây cỏ, trong hiu hắt gió mùa, trong ánh trăng huyền hoặc, “bậu” nhớ ta mà về:


“Bậu về trăng sáng ngút làng
Hương thơm phảng phất bàng hoàng hồn ta
Ngất ngây ôm bóng trăng, và
Tưởng đâu ôm bậu thịt da vẫn nồng”


Hiện thực sống đậy trong siêu tưởng. Nhan sắc bậu là đây! Thịt da bậu là đây!  Vẫn đầy-ứ-trong-rỗng-không, vẫn-rộn-ràng-trong-tịch-lặng, và ngời-ngợi-trong-phôi-pha. Cho nên ta cũng dọn mình để đi, đi là sự trở về với bậu cho dù “lênh đênh cõi nào”, bởi vì:

“Cho dù đất thấp trời cao
Tử sinh là mới bắt đầu cuộc chơi”

A ha! Đấy mới là một bi khúc nhưng là một hoan ca. “Tử sinh là mới bắt đầu cuộc chơi”
Sống chết là một cuộc chơi
Và chỉ mới bắt đầu thôi “bậu” ơi!!!

Lê Văn Trung
Quê nhà tháng 4-2009
Nguồn: Trần Phù Thế chuyển bài

Bình thơ: Đọc Cát Bụi Phận Người thi phẩm của Lê Văn Trung - Phan Xuân Sinh

Đọc: Cát Bụi Phận Người, Thi phẩm của Lê Văn Trung

                                 PHAN XUÂN SINH



Tôi quen với Lê văn Trung khi còn ngồi ghế nhà trường của bậc trung học, Trung học ở trường Trần Quý Cáp Hội An, còn tôi thì học ở Đà Nẵng. Chuyện văn nghệ học trò của thời đi học có những buồn vui rất ư là lãng mạn. Trung học một lớp với Vũ Đức Sao Biển, Vương Trùng Dương, Kiều Uyên, Hạ Đình Thao, Anh Huy, Ngô Thi v. v... cái lớp học này sản sinh những người làm văn nghệ nổi tiếng sau này, trong cũng như ngoài nước hiện thời.

Tôi học ở Đà Nẵng, nhưng thỉnh thoảng cũng vào Hội An chơi với họ và thân thiết nhau từ đó. Lâu quá tôi không còn nhớ năm nào (vào khoảng 1963 hay 1964 gì đó), nhóm học trò này bị ông Thiếu tá Nguyễn văn Giai (sau này là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 3, ra Tòa án Quân Sự vì tội Sư Đoàn 3 chạy làng tại Quảng Trị). Ông Giai khi đó là Tiểu Khu Phó Tiểu Khu Quảng Nam bắt hết mấy ông thi sĩ học trò này vì tội…làm thơ. Có lẽ lúc ấy ông được người ta tố cáo là nhóm này tụ họp làm thơ phản chiến. Chuyện bắt bớ này chấn động giới học sinh ở Hội An lúc ấy, trong những người bị bắt có Lê Văn Trung. Sau khi điều tra thì thấy bọn này không có gì nguy hiểm, không có bằng chứng để buộc tội, toàn là mấy bài thơ dụ gái nên ông Giai thương tình cho về. Chắc chắn cũng bị vài bạt tai, vài cái roi mây vào đít để thị uy, và cũng nhắc chừng đừng viết bậy bạ.



Sau một thời gian, tôi được biết Lê Văn Trung vào Sư Phạm Qui Nhơn, Vũ Đức Sao Biển vào Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Vương Trùng Dương vào Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, còn lại bao nhiêu thì được lùa vào Trường Võ Khoa Thủ Đức. Trong thời gian đất nước Chinh Chiến không gặp được nhau, mỗi người trôi mỗi ngả. Chỉ biết nhau qua những bài thơ đăng trên những tờ báo ở Sài Gòn, và biết được bạn mình vẫn còn ngụp lặng với thơ, với văn chương chữ nghĩa. Đọc được bài thơ của bạn trong người thấy sướng ghê lắm và cảm thấy vui. Sau này nghe bạn bè cho biết Lê Văn Trung dạy học ở Huế và có vợ ngoài đó.


              Lê Văn Trung

Sau ngày 30.4.75, tôi và Ngô Thi vì bị thương nặng trong chiến trận nên không phải đi cải tạo nhiều, Vũ Đức Sao Biển thì đi dạy học nên cũng tránh được cải tạo. Còn bao nhiêu bạn bè khác thì bị lùa vào lò cải tạo. Tôi và Thi làm chung với nhau mở mấy cơ sở làm ăn riêng ở Sài Gòn sống qua ngày. Thỉnh thoảng Vũ Đức Sao Biển ghé qua, hoặc Hạ Đình Thao từ Phương Lâm lên Sài Gòn ghé lại, anh em rủ nhau làm vài xị và báo cho cho nhau biết về bạn bè. Chính lúc này tôi mới biết Lê văn Trung đang bị cải tạo ngoài Huế.



Vào khoảng năm 1987 , thì Lê Văn Trung lên Sài Gòn tìm tụi tôi, tôi mới được biết gia đình vợ con hiện giờ đang sống ở Long Khánh. Trung mỗi lần lên Sài Gòn thường ở lại nhà tôi. Một lần đang nằm ngủ thức giấc tôi nghe tiếng thút thít khóc, xoay qua tôi nghe rõ tiếng Trung đang khóc, tôi biết có lẽ bạn đang gặp một chuyện không may nên trong tiếng khóc có chứa sự ấm ức. Tôi không quấy rầy để Trung khóc, làm như tôi không hay biết chuyện này. Nghiệm lại mọi trường hợp, mình cũng chỉ là những nạn nhân đáng thương. Trung xưa nay là người ít nói, sau khi ở tù về Trung lại càng ít nói hơn, khuôn mặt khắc khổ hơn.


Năm 1990 tôi đi Mỹ, từ đó tôi không biết gì về Trung. Mấy năm gần đây anh Trần Hoài Thư hỏi tôi là ở ngoài Quảng Nam có quen với Lê Văn Trung không? Tôi bảo với anh, Trung là bạn của tôi. Anh nói với tôi là làm thế nào tìm cách liên lạc với Trung. Tôi nhờ Uyên Hà vì lúc đó Uyên Hà thường xuyên từ trong nước email cho tôi. Từ đó chúng tôi liên lạc được với Lê Văn Trung hơn 5 năm rồi.

"Cát Bụi Phận Người" đúng ra đã in cách đây 5 năm, từ khi gặp chúng tôi thì Trung đã có ý định này. Thế nhưng trong nước không qua được khâu kiểm duyệt. Thật ra thì thơ của Lê Văn Trung không dính dấp gì đến chính trị, chỉ nói lên thân phận, tình yêu, nỗi lòng v.v... không thù hận, không mỉa mai, thế mà cho đến khi trong nước mở toan cửa chào đón WTO thì "Cát Bụi Phận Người"mới được ngọn gió này hôn lên nó. Thôi thì chậm còn hơn không. Thế là LVT có một tác phẩm đầu tay ra đời… hơn 40 năm làm thơ của đời mình. Ước mong của bạn tôi trở thành sự thật. Vì xa xôi cách trở tôi không về dự ngày ra mắt tập thơ nầy tại Sài Gòn cũng như tại Đà Nẵng. Nhưng bạn bè tôi email cho biết hai buổi ra mắt sách thành công một cách vượt bực.



Trước khi ra mắt, Trung đã gửi cho tôi biết bao email để nói lời cám ơn các bạn ở hải ngoại, đã giúp Trung bằng tinh thần lẫn vật chất để "Cát Bụi Phận Người" mới được ra đời. Và cũng đã bao nhiêu lần tôi email trả lời là bạn không cần cám ơn ai cả, mà ngược lại anh em chúng tôi bên này cám ơn bạn đã cho chúng tôi có cơ hội đọc được những thầm kín trong lòng bạn, những u uất của bạn mà chỉ có thơ mới nói lên được.


Và đúng vậy. "Cát Bụi Phận Người" đọc lên thấy nó ray rức thấm đau. Đọc lên thấy nó buồn. Không phải là buồn man mác như ngọn gió thổi qua nhè nhẹ, mà tâm trạng của người đọc mang cái buồn cùng cực, như ngọn bão xoáy vào người:


… ôi kim cổ qua muôn ngàn giông bão
ta bạc đầu tơi tả áo thanh xuân.
(sẽ có lúc)


hoặc:

này em hãy uống cùng tôi
Chén oan nghiệt rót tận trời tang thương
mười lăm năm chén đoạn trường…
(Từ Hải Mời Rượu Thúy Kiều)


Kiều, một nhân vật gắn liền với tang thương, với oan nghiệt. Người làm thơ nào khi gặp hoàn cảnh "đoạn trường" đều ví mình như Kiều, hoặc thỏ thẻ tâm sự với Kiều. Mỗi người mỗi vẻ, mô tả cái gian truân khác nhau, cái chịu đựng khác nhau. Kiều chỉ có mười lăm năm thì được đoàn tụ, còn LVT cũng đoàn tụ, nhưng đoàn tụ trong bẽ bàng. Vì vậy trong thơ của LVT ta thấy mượn những hình ảnh của Kiều để tỏ lòng mình:


hình như tôi đã trăm lần
chết đi sống lại mà không gặp người
bao giờ tàn cuộc rong chơi
gởi câu sinh tử trong lời tử sinh
(Từ Hải Mời Rượu Thúy Kiều)


Chính những hoàn cảnh, những trắc trở mà LVT đã gặp, nó giống như tâm trạng của Kiều dở cười dở khóc. Vì vậy trong tập CBPN ta thấy bóng dáng Kiều phảng phất trong từng tình huống, từng sự việc mà LVT đã gặp ngoài đời. Thơ LVT có một cái hồn rất phong phú, trải dài trên những con chữ mà khi đọc ta có cảm tưởng như nó sống dậy, nó trăn trở nó làm cho ta phải nhức nhối theo nó.


Trong một bài viết cho tôi, anh Luân Hoán có đề cập tới người Quảng Nam hay làm thơ tặng vợ hơi nhiều. Chính cái này đã nói lên cái bản chất của họ, chung tình và yêu thương vợ. Trong CBPN ta thấy LVT có làm nhiều bài cho vợ:

em vì ta trọn một đời
lao đao lận đận đầy vơi phận người
dẫu xót xa dẫu ngậm ngùi
trời cao bể rộng ghi lời tạ ơn
(ơn người)


Và cảm động nhất là hai vợ chồng nghèo mỗi ngày kéo xe ra chợ:


ngày qua ngày lại ngày qua
tôi cùng em đẩy xe ra chợ nghèo
chở đầy xe nỗi gieo neo
mua long đong bán bọt bèo quẩn quanh
(chợ nghèo)

Có một điều thú vị mà người đọc phát hiện, LVT làm thơ tặng vợ hơi nhiều hơn người khác (hơn tôi chẳng hạn, nhưng không qua được anh Luân Hoán đầu), một hai bài đề tên vợ rồi sợ người ta cho rằng như vậy nhiều, LVT lại đề tắt H chẳng hạn ai nghĩ sao thì nghĩ. Chúng ta cũng thông cảm, sống trong hoàn cảnh nghèo, nhìn thấy vợ cực khổ thương lắm, nhưng không biết làm sao hơn. Thôi thì làm thơ tặng vợ một phần an ủi, một phần tạ tội vì mình bất lực để vợ phải khổ.


Khi mới tới Mỹ, hai vợ chồng tôi đi trong mưa gió nửa đêm để bỏ báo, nhìn vợ cực quá mình rơi nước mắt, làm sao đọc thơ khi đó, chỉ kéo vợ lại gần để hôn. Chỉ có những người làm thơ mới hiểu những hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy và những câu thơ cho vợ rất trân trọng.


thơ như chén rượu đời cay nghiệt
uống mãi mà không cạn nỗi sầu
ta đi trăm nẻo đường xuôi ngược
trời đất chưa tàn cuộc bể dâu
(tứ tuyệt)

Một thời đã qua, nó như một cơn hồng thủy cuốn trôi tất cả, không ai đứng ngoài. Sau đó chỉ còn để lại đổ vỡ, tan nát. LVT cũng ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã này, từ một thầy giáo, ở tù, làm rẩy trên vùng kinh tế mới, ngụp lặn trong nghèo khổ, trong cùng cực, đã gần cuối cuộc đời vẫn không thoát được. Số phận như vậy mà LVT vẫn cắn răng chịu đựng, không hé một chút oán hận thì đúng là một thánh nhân trong đời thường.


Trong thơ LVT không gắn bận một chút đua tranh, mà nó thanh thoát giống như người ung dung thong thả đi trên đường, không việc gì phải vội vàng, gấp rút. Không biết LVT có chịu ảnh hưởng của Trang Tử chăng? Mà trong lối sống, trong lối viết có dáng dấp thanh thoát như người đã đắc đạo:
để mai này giữa hạnh phúc tai ương
chẳng nỗi khổ đau chẳng niềm hoan lạc
Chẳng có chẳng không chẳng còn chẳng mất
ta tan hoang vô ảnh vô hình
(tôi và em)


Có viết nhiều về LVT tôi cũng chỉ thấy một nỗi buồn day dứt. Tuy LVT cũng đã cố ý che lấp, đã cố tẩy xóa, thế nhưng có đôi lúc cũng bật lên vài tiếng nấc:


xương thịt dẫu tàn phai đời gỗ mục
giọt lệ ngàn năm hằng đọng giữa tim người
đá sỏi còn đau ứa tràn nước mắt
em là ai mà không thấy ngậm ngùi
(tôi và em)

Đọc thơ hoàn toàn trong sự cảm nhận. Có thể cảm với người này, mà không thể cảm với người khác. Nó cũng còn tùy thuộc hoàn cảnh của người đọc, có hợp với ý mình không? Có trúng những hoàn cảnh của mình không? Và khi đọc ở trong trạng thái vui buồn v.v.., rất ít tập thơ không cần những điều kiện như vậy, lúc nào đọc ta cũng thấy hay. CBPN ở trong trường hợp hiếm hoi này. Tôi mong rằng người đọc sẽ cảm thông những gì mà LVT thành khẩn viết ra, đã đắm chìm trong ngôn ngữ.


Cám ơn bạn, cám ơn chị Hiệp. Người đã tạo cho bạn tôi những cảm xúc để những câu thơ của bạn mang những rung động tuyệt vời, đã tạo điều kiện cho bạn có thì giờ sống với văn chương chữ nghĩa mặc dù cuộc sống thực tế của bạn có những bức bách. Nhởn nha nhởn nhơ để làm thơ được là một điều hy sinh to lớn của gia đình.

Phan Xuân Sinh
(Thư Quán Bản Thảo tập 34, Tháng 12-2008)

Nhớ màu hoa cũ

NHỚ MÀU HOA CŨ   Rất lẻ loi một đóa hoa vàng Nở muộn bên đường chiều đang sương Có người chợt nhớ mùa thu trước Hoa cài lên tóc còn ươm h...